Sáng nay (24-6), giá vàng SJC tại Hà Nội được giao dịch ở mức 56,5 - 57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không thay đổi so với chốt phiên 23-6. Tại TPHCM, giá vàng SJC chốt phiên ở mức 56,5 - 57,05 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ mỗi chiều 50.000 đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng giao ngay qua niêm yết của Kitco.com có biên độ giảm gần 3 USD, được giao dịch ở mức 1.775,5 USD/ounce. Lấy tỷ giá tại Vietcombank (23.110 đồng/USD) để tính toán, giá vàng SJC hiện cao hơn giá vàng thế giới gần 8 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế và các loại phí) - mức chênh lệch tương đối cao.
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng giá vàng trong nước tiếp tục vênh cao so với thế giới, là do giá vàng trong nước không liên thông với thế giới, làm cho cung cầu mất cân đối.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - nhận định, nguyên nhân lớn nhất khiến giá vàng trong nước tăng cao là nguồn cung khan hiếm, khi nước ta không nhập khẩu vàng, dẫn đến thị trường vàng Việt Nam không liên thông với thế giới.
"Dù nguồn cầu không lớn nhưng cung không có nên giá vàng bị đẩy lên cao là vậy" - ông kết luận.
Đặc biệt, ông Khánh còn chỉ thêm nguyên nhân là việc người dân giữ vàng mà không bán ra. Bởi đây là tâm lý chung, do nhiều người lo ngại nếu bán vàng ra thì có mua lại được giá tốt như trước không. Trong khi, lãi suất tiền gửi ở ngân hàng có xu hướng giảm nên việc bán vàng ra là rất hiếm, trừ khi, người dân cần tiền để đầu tư vào các kênh khác như chứng khoán, bất động sản.
Còn các doanh nghiệp kinh doanh vàng gần như sẽ không ảnh hưởng, bởi họ mua vào giá cao thì cũng phải bán ra giá cao, chỉ có người tiêu dùng là ảnh hưởng nhất.
Do đó, ông khuyến cáo người dân chỉ nên đầu tư, bỏ vào vàng khoảng 30% trong tổng tài sản ở thời điểm hiện nay.
Trong báo cáo mới nhất của Hội đồng vàng thế giới (WGC) về đầu tư vàng cá nhân cho thấy, nhu cầu về mua vàng ở Việt Nam còn rất mạnh. Khảo sát được WGC thực hiện ở thị trường Việt Nam vào tháng 3-2020 với sự tham gia của 2.000 nhà đầu tư.
Kết quả khảo sát cho thấy, vàng là sản phẩm ưu tiên hàng đầu của 68% nhà đầu tư, nhu cầu mua vàng ở Việt Nam vẫn còn rất mạnh với 72% đã đầu tư vào vàng trong một năm gần đây. Thị trường vàng Việt Nam có triển vọng tích cực với 81% người đã mua vàng trong quá khứ đang cân nhắc mua thêm vàng, con số này mạnh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 45%.
Ông Andrew Naylor - Giám đốc phụ trách ASEAN Hội đồng vàng thế giới - cho biết, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trên thị trường vàng toàn cầu, đây là thị trường vàng lớn nhất Đông Nam Á, và nằm trong nhóm 10 thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới
"Nghiên cứu cho thấy nhu cầu mua vàng tại Việt Nam vẫn còn mạnh và có sự hỗ trợ để phát triển các sản phẩm vàng đầu tư mới, như mua vàng thông qua các nền tảng kỹ thuật số hoặc mở tài khoản đầu tư vàng tại ngân hàng. Khi hệ thống tài chính của Việt Nam phát triển, sẽ kéo theo sự phát triển của thị trường vàng, tăng khả năng tiếp cận và tin tưởng vào vàng", ông Andrew Naylor nói.
Cũng theo nghiên cứu, sự quan tâm của nhà đầu tư Việt Nam đối với vàng là rất lớn, vì người Việt tin rằng vàng giúp chống lạm phát và biến động tiền tệ, giúp nhà đầu tư an tâm về lâu dài.