Bộ Công an nhận định tuy tín dụng đen có giảm nhưng cách thức hoạt động vẫn rất phức tạp, các tổ chức tín dụng đen "núp bóng" công ty tài chính cho vay trực tuyến ngày càng phổ biến.
Nhiều chuyên gia cho rằng hoạt động tín dụng đen chỉ có thể giải quyết bằng bài toán kinh tế, cần thúc đẩy thị trường tài chính vi mô phát triển, khuyến khích, hợp pháp hóa hoạt động của các công ty fintech (công ty dịch vụ tài chính).
Việc này khá cấp thiết trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người dân, doanh nghiệp cần có nguồn "vốn sạch".
Đòi nợ thuê núp bóng công ty bảo vệ
Kinh doanh cầm đồ trước đây đã phức tạp và hiện nay còn phức tạp hơn vì tín dụng đen lừa đảo qua app nhan nhản. Cái gốc là ở hệ thống tài chính còn nhiều phức tạp khiến người dân, doanh nghiệp phải "chui sang" tín dụng đen. Ông Nguyễn Quang Đồng |
Trong báo cáo gửi tới Thủ tướng mới đây, Bộ Công an cho biết thời gian qua công an một số địa phương phản ánh nhiều chi nhánh, cửa hàng của Công ty cầm đồ F88 ở một số địa phương hoạt động cho vay cầm đồ tại cửa hàng kết hợp cho vay trực tuyến nhưng thu nhiều khoản phí, tiền phạt cao nhằm lách quy định về lãi suất, đồng thời sử dụng phương thức đòi nợ, nhắc nợ gây bức xúc.
Dù từ ngày 1-1-2021, ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm hoạt động nhưng một số doanh nghiệp đòi nợ thuê hoạt động núp bóng dưới danh nghĩa công ty bảo vệ, tư vấn luật, mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ, sử dụng nhân viên đòi nợ thuê liên kết với doanh nghiệp, cơ sở cho vay để đòi nợ.
Trong năm 2021, cơ quan công an các địa phương đã tiếp nhận, phát hiện 1.047 vụ án, vụ việc và 1.718 người liên quan tới tín dụng đen, qua đó khởi tố 554 vụ, xử phạt hành chính 375 vụ.
Các tội danh liên quan tới hoạt động tín dụng đen là giết người, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm chỗ ở của người khác, cướp tài sản, bắt cóc, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo, hủy hoại tài sản, cho vay nặng lãi.
Riêng với hoạt động cho vay nặng lãi, công an các địa phương đã khởi tố 539 vụ án, trong đó đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 212 vụ, ra cáo trạng truy tố 193 vụ, đã xét xử 113 vụ, trả hồ sơ điều tra bổ sung 4 vụ, tạm đình chỉ điều tra 3 vụ.
Cũng theo Bộ Công an, bên cạnh các ứng dụng (app), website cho vay chính thống của các ngân hàng, đã xuất hiện khoảng 200 ứng dụng không rõ nguồn gốc, có liên quan đến người Trung Quốc, Indonesia, Nga có biểu hiện hoạt động tín dụng đen.
Các ứng dụng này thường xuyên đổi tên, ẩn thông tin để tránh sự theo dõi của các cơ quan chức năng.
Trong đó có nhiều công ty lợi dụng công nghệ hoạt động tín dụng đen biến tướng, có hơn 100 công ty cho vay lấy danh nghĩa cho vay ngang hàng để thực hiện hoạt động cho vay trực tuyến như sieudong, Eloan, Moneybank... Các công ty này hầu hết có vốn đầu tư từ Trung Quốc, Nga, Indonesia...
Người dân tra cứu thông tin vay tiền tại trang web f88.vn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Siết kinh doanh cầm đồ
Để ngăn chặn hoạt động tín dụng đen, hiện Bộ Công an đang giao cho công an các địa phương điều tra hoạt động cho vay trực tuyến qua ứng dụng điện thoại di động tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh thành.
Cơ quan công an cũng lập danh sách theo dõi 62 website, blog, tài khoản mạng xã hội có nghi vấn hoạt động tín dụng đen.
Theo Bộ Công an, công việc này còn hạn chế, khó khăn và bằng chứng là qua 2 năm thực hiện chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, đến nay mới khởi tố được 1 vụ án cho vay nặng lãi dưới hình thức cho vay qua app tại TP.HCM.
Để ngăn chặn hoạt động tín dụng đen, đặc biệt ở thời điểm sau dịch COVID-19, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phải triệt để thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.
Bộ Công an cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tham mưu Chính phủ, Thủ tướng ban hành các văn bản pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng có liên quan đến hoạt động cho vay dễ phát sinh tín dụng đen, trong đó có hoạt động cho vay trực tuyến qua app, vay ngang hàng và việc người nước ngoài đầu tư kinh doanh dịch vụ cho vay tại Việt Nam.
Luật sư Trương Thanh Đức - Công ty Luật ANVI - lại cho rằng chỉ cần quy định rõ hoạt động cầm đồ không được phép cho vay tín chấp, không được cho vay thông qua các giấy tờ tùy thân và không được phép thế chấp bằng nhà, đất, bằng bất kể tài sản nào, để hoạt động cầm đồ trở lại đúng nghĩa cầm đồ. Như vậy không thể có tín dụng đen trong cầm đồ.
Người dân khó khăn trong cuộc sống dễ bị các đối tượng cho vay nặng lãi đưa vào "tròng" - Ảnh: TỰ TRUNG
Cần phát triển thị trường tài chính vi mô
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Nguyễn Tiến Lập - văn phòng NHQuang & Cộng sự - cho rằng bên cạnh các biện pháp mạnh từ phía ngành công an, điều quan trọng nhất là cần nâng cao nhận thức người dân và phổ biến quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, khi có các khiếu nại, tố cáo của người dân, doanh nghiệp về các vụ việc liên quan tới tín dụng đen thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc khẩn trương để xử lý.
Cần một giải pháp đồng bộ hơn là chỉ tập trung siết giấy phép kinh doanh cầm đồ - luật sư Nguyễn Tiến Lập khuyến nghị.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - nói thấy lo nếu Bộ Công an siết kinh doanh cầm đồ trong thực tế thì hoạt động này sẽ "chui lên mạng".
Kinh doanh cầm đồ trước đây đã phức tạp và hiện nay còn phức tạp hơn vì tín dụng đen lừa đảo qua app nhan nhản. Cái gốc là ở hệ thống tài chính còn nhiều phức tạp khiến người dân, doanh nghiệp phải "chui sang" tín dụng đen.
Cũng theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, dù tất cả các hành vi liên quan đến tín dụng đen đều vi phạm pháp luật về lãi suất áp dụng, cách thức thu hồi nợ, sử dụng hành vi bất hợp pháp để thu nợ nhưng ngay cả khi đưa ra mức xử phạt cao hơn với hoạt động tín dụng đen mà xã hội vẫn có nhu cầu thì người cho vay tín dụng đen có thể chấp nhận xử phạt để hoạt động, miễn sao họ có lãi.
Vì thế, theo ông Nguyễn Quang Đồng, giải pháp quan trọng hơn hiện nay là cần phải thúc đẩy, hợp thức hóa hoạt động của các doanh nghiệp fintech (hoạt động tài chính vi mô), kể cả doanh nghiệp cho vay ngang hàng để khu vực phi chính thức là tín dụng đen sẽ tự động thu nhỏ lại.
Muốn vậy, cần xây dựng một khung pháp lý rõ ràng cho hoạt động tín dụng vi mô thông qua các công ty fintech. Thị trường fintech, trong đó có cho vay quy mô nhỏ, đang phát triển rất mạnh nhưng chúng ta nhiều khi vẫn không thừa nhận các công ty fintech hoạt động hợp pháp.
Hiện nay 100% công ty đòi nợ thuê đã chuyển thành công ty mua bán nợ một cách hợp pháp. Nên theo luật sư Trương Thanh Đức, tín dụng đen cần được giải quyết bằng quy luật kinh tế, bằng cung cầu, cần đáp ứng được nhu cầu vay của người dân, doanh nghiệp.
Vì thế, phải thúc đẩy phát triển hoạt động tài chính vi mô thông qua việc tăng hoạt động cho vay ngang hàng, lập thêm các công ty tài chính vi mô ngoài hệ thống ngân hàng.
Nếu cho lập thêm từ 700 - 1.000 công ty tài chính vi mô thì các cơ quan chức năng sẽ vẫn quản được hoạt động cho vay, trong khi người dân có nhu cầu có chỗ để vay.
Chú ý đến người nghèo sau dịch Ông Cao Thanh Bình, trưởng Ban văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM, cho rằng dù TP.HCM cũng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ người dân sau dịch nhưng về lâu về dài để người dân tiếp tục các hoạt động lao động sản xuất mưu sinh cần phải được quan tâm, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Trong các giải pháp đưa ra, TP có đặt ra vấn đề làm sao để hộ nghèo, hộ khó khăn, hộ cận nghèo tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi. Hiện nay, TP chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung rà soát thống kê, phân loại nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn để có chính sách an sinh xã hội phù hợp. Trong đó TP yêu cầu các đơn vị sớm tham mưu trình UBND TP bổ sung nguồn vốn ủy thác do ngân hàng chính sách xã hội về quỹ vay vốn giải quyết việc làm và quỹ xóa đói giảm nghèo. Song song, TP cũng chỉ đạo các đơn vị và đặc biệt là ngân hàng chính sách xã hội sẽ tính toán phương án giãn nợ, khoanh nợ. Đồng thời, tạo điều kiện cho những người giãn nợ, khoanh nợ được tiếp cận nguồn vốn để phát triển. Không để thành nợ xấu dễ dẫn đến các đối tượng này đi vay nóng, vay tín dụng đen. "Kiểm soát tín dụng đen thì phải tạo điều kiện cho người dân vay vốn. Khi không có nguồn thì người dân cũng sẽ tìm đến tín dụng đen" - ông Bình cảnh báo. Tín dụng đen có giảm nhưng vẫn còn nhiều vụ lớn Trong 2 năm thực hiện chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường đấu tranh, phòng ngừa tội phạm liên quan tới hoạt động tín dụng đen, công an các địa phương đã thu hồi 175 giấy chứng nhận, phát hiện 2.736 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính hơn 7,7 tỉ đồng. Qua rà soát, công an các địa phương cũng phát hiện một số cơ sở cầm đồ sử dụng công nghệ, mạng xã hội để hoạt động tín dụng đen, siết nợ, đòi nợ. Với hoạt động đòi nợ thuê, đến nay công an các địa phương đã thu hồi 122/131 giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê đã cấp trên cả nước, còn 9 trường hợp tại Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Đà Nẵng, Đồng Nai, Trà Vinh đang tiếp tục làm thủ tục thu hồi. Qua điều tra, công an các địa phương cũng phát hiện nhiều công ty đòi nợ thuê đã chuyển đổi thành công ty mua bán nợ, công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ... để thực hiện đòi nợ thuê bất hợp pháp. Bên cạnh đó, công an các địa phương cũng theo dõi 73 băng nhóm tội phạm liên quan tới tín dụng đen, phát hiện 16 đối tượng cầm đầu, 117 thành viên có tiền án, tiền sự. Đến nay, cơ quan công an đã lập 65 hồ sơ để quản lý, lập 9 chuyên án đấu tranh, triệt phá 16 băng nhóm, khởi tố điều tra 68 đối tượng. Tín hiệu tích cực theo Bộ Công an là số cơ sở hoạt động tín dụng đen 2 năm qua giảm mạnh. So với cùng kỳ năm 2020, số cơ sở cầm đồ có hoạt động tín dụng đen trong 10 tháng năm nay giảm 3.732 cơ sở. Tương tự, số cơ sở kinh doanh tài chính có hoạt động tín dụng đen giảm 809 cơ sở, số cơ sở huy động vốn lãi suất cao giảm 43 cơ sở, cơ sở dịch vụ đòi nợ thuê giảm 55 cơ sở, số băng nhóm tội phạm liên quan tới tín dụng đen giảm 211 băng nhóm. Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM đọc lệnh bắt một trong những "cộm cán" của đường dây tín dụng đen tại TP - Ảnh: CACC Vay 24 tỉ... trả hơn 40 tỉ vẫn chưa hết nợ Bộ Công an vừa triệt phá đường dây cho vay lãi nặng đến 1.738%/năm. "Tín dụng đen" không dừng lại ở việc dán tờ rơi vào cột điện mà đang có đủ mọi hình thức lôi kéo nạn nhân. Mới đây, ngày 4-12, Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an đã khởi tố Đào Xuân Thắng (31 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM) cùng 6 đồng phạm về tội "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" do Thắng cầm đầu. Tháng 5-2020, Thắng cùng một số đàn em từ Hải Phòng vào TP.HCM thuê địa điểm để hoạt động cho vay lãi nặng. Thắng thường cho khách vay với 2 hình thức: trả tiền góp theo ngày, lãi suất từ 282% - 1.738%/năm; vay "lãi nằm", đóng tiền lãi 15 ngày một lần, lãi suất 5.000 đồng/1 triệu/ngày hoặc 1,5%/ngày, tương đương mức lãi suất 180% - 547,5%/năm. Nhóm Thắng đã cho hàng trăm người vay với số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng với lãi suất "cắt cổ" như anh P.C.L. vay 16,2 tỉ đồng, lãi suất từ 282% - 1.738%/năm, thu lợi bất chính trên 5 tỉ đồng; chị T.D.K. vay 24 tỉ đồng, lãi suất từ 144% - 491%/năm, tổng số tiền gốc và lãi phải trả hơn 40 tỉ đồng... Tương tự, tháng 4-2020, Công an TP.HCM triệt phá một đường dây cho vay nặng lãi qua app có lãi suất 1.095%/năm, với hơn 60.000 nạn nhân đã bị "sập bẫy". Trong năm 2021, Công an TP.HCM cũng nhiều lần điều tra, phát hiện nhiều đối tượng là người nước ngoài điều hành các app vay tiền, vay tín chấp với lãi "cắt cổ". Cần vai trò của ngân hàng "Trên thực tế, tín dụng tiêu dùng chính thức của nhà nước cũng có những câu chuyện đau lòng. Một số công ty tài chính tiêu dùng cho vay vẫn lãi suất cao, đi đòi nợ có lúc thuê đầu gấu, ông xăm trổ đến nhà người vay để đòi nợ" - ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chia sẻ cùng Tuổi Trẻ. Ông Nguyễn Quốc Hùng, tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, lo ngại tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, tình hình tội phạm tín dụng đen có chiều hướng diễn biến phức tạp, tinh vi hơn như lợi dụng công nghệ dụ dỗ khách hàng cho vay trên các app trực tuyến, qua điện thoại... Chính vì thế, các ngân hàng cũng phải thấy trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp về nguồn "vốn sạch". Hành lang pháp lý phải rõ ràng Để giải quyết căn cơ vấn nạn tín dụng đen, ông Tú cho rằng đời sống và nhận thức của người dân cũng cần được nâng cao. Đồng thời, hành lang pháp lý cần đồng bộ, rõ ràng, thể hiện sự thống nhất trong việc trấn áp, xử lý tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Mặt khác, hệ thống tài chính toàn diện phải được hoàn thiện và được triển khai rộng khắp, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho mục đích chính đáng của người dân. "Tín dụng đen sử dụng cho những mục đích không chính thức, chính đáng như lô đề, cờ bạc thì phải dẹp cả người có nhu cầu vay và người cho vay. Còn tín dụng phục vụ cuộc sống hằng ngày bức thiết thì người dân phải được tiếp cận kênh chính thức" - ông Tú nói. Nếu như ngân hàng tổ chức cho vay tốt, quản lý tốt, có hiệu quả, không để xảy ra rủi ro thì đây là thị trường tiềm năng. Dư nợ tín dụng tiêu dùng cho vay trực tiếp phục vụ đời sống đến nay là gần 2 triệu tỉ đồng trên dư nợ 10 triệu tỉ đồng của nền kinh tế. Sẽ có nguồn vay nhanh, không cần thế chấp Theo ông Tú, xác định tiếp tục mở rộng tín dụng tiêu dùng, phục vụ nhu cầu vốn chính đáng đời sống của người dân, nhất là người khó khăn, yếu thế, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có những chính sách khuyến khích hoạt động này. Đơn cử tỉ lệ dự trữ bắt buộc thấp, hạn mức tín dụng hằng năm được ưu tiên đối với các ngân hàng thương mại cho vay tín dụng tiêu dùng một cách tích cực và hiệu quả. Về nguyên tắc, ông Tú khẳng định chính sách phải đảm bảo người vay vốn sẽ tiếp cận với lãi suất hợp lý, thủ tục, điều kiện thuận lợi, dễ dàng. Đồng thời, cơ chế chính sách sẽ giám sát chặt chẽ để hoạt động tín dụng phát triển lành mạnh và ổn định. Ông Tú cũng lưu ý tổ chức tín dụng cần có giải pháp quản lý dòng tiền và giải ngân không dùng tiền mặt, kết nối giữa người mua với người bán hàng... thì cho vay sẽ rất an toàn. Đặc biệt, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin ngành ngân hàng sẽ kết hợp với Bộ Công an về việc sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để phục vụ trong việc xác định danh tính, định danh khách hàng. Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng có thể cho vay những món nhỏ lẻ nhanh, không cần thế chấp, giải ngân rất nhanh. Cùng góc nhìn với nhiều chuyên gia, ông Nguyễn Văn Tất - phó vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) - kiến nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng nhân dân cần mở rộng các khoản vay tín dụng tiêu dùng, có thêm nhiều sản phẩm cho vay nhỏ, ngắn hạn với thủ tục đơn giản để người dân tiếp cận. Đáng chú ý, những băng nhóm chuyên cho vay lãi nặng được tổ chức chặt chẽ, tập hợp nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ hung hãn, sẵn sàng dùng các thủ đoạn tàn ác, trái pháp luật với người vay và gia đình họ để thu hồi các khoản tiền lãi và nợ gốc. Vì thế, rất cần cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra đối với các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính, không để tín dụng đen bùng phát, lộng hành. |