Đà Nẵng, Quảng Nam khuyến cáo người dân về cơn sốt đất ‘ảo’

(ĐTTCO)- Các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam đã nhanh chóng thông tin về thị trường để khuyến cáo người dân, đồng thời yêu cầu các sở, ngành liên quan thực hiện các giải pháp để quản lý tình hình, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản. 
Quảng Nam yêu cầu không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Quảng Nam yêu cầu không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Sở TN&MT TP. Đà Nẵng phát đi thông cáo liên quan đến thông tin “giá đất nền Đà Nẵng tăng” được đăng trên một số báo điện tử, khiến các nhà đầu tư băn khoăn.

Theo Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, hiện nay UBND Thành phố đã ban hành hệ số điều chỉnh giá đất, trong đó có 109 tuyến đường giảm so với thời điểm năm 2020. 

Đồng thời, UBND Thành phố cũng ban hành sửa đổi, bổ sung "Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024". Cụ thể, giá đất thương mại dịch vụ và giá đất sản xuất kinh doanh giảm 10% so với thời điểm năm 2020. Nhìn chung, bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất của Thành phố giảm so với năm 2020.

Về xác thực tính thanh khoản của thị trường, Sở TN&M TP. Đà Nẵng cho biết, để chứng minh được giao dịch thành công về chuyển quyền sử dụng đất thì giao dịch đó phải thông qua hợp đồng công chứng chứng thực và phải được đăng ký biến động tại mục thay đổi tên người sử dụng đất mới tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất xác nhận thì mới kết luận được giao dịch đó là thành công.

Qua khảo sát trước và sau lễ công bố điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng vào ngày 29/3, song song với việc Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng cảng Liên Chiểu, khởi công Khu du lịch nghỉ dưỡng Làng Vân, tại một số công ty môi giới bất động sản, giá đất tăng khoảng 5-10% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. 

Nhìn chung, thị trường bất động sản có tăng nhẹ, chủ yếu tại khu vực Golden Hills, FPT và xung quanh dự án Không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Những khu vực khác không ghi nhận biến động gì lớn.

Theo Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, có thể có hiện tượng đầu cơ tạo "sốt ảo" để trục lợi, tập trung ở các khu vực có các dự án lớn chuẩn bị triển khai. Vì vậy, khuyến cáo người dân và các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin có liên quan đến khu đất, dự án dự kiến đầu tư để tránh rơi vào các chiêu trò thổi phồng thị trường, tăng giá đất ảo như đã từng xảy ra trước đây.

Ghi nhận tại thời điểm tháng 3/2021, theo số liệu báo cáo của Văn phòng Đăng ký đất đai quận Liên Chiểu, bình quân số hồ sơ đăng ký chuyển quyền sử dụng đất quý I/2021 là 15 hồ sơ/ngày, trong tháng 3/2021 là khoảng 20 hồ sơ/ngày. Như vậy, không có dấu hiệu tăng đột biến. Đối với các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện khác, bình quân đăng ký chuyển quyền sử dụng đất quý I/2021 là 12 hồ sơ/ngày. Vì vậy, thông tin một số báo điện tử, trang thông tin mạng xã hội nêu là giao dịch tăng nhanh là chưa chính xác.

Mạnh tay cắt cơn ‘sốt ảo’

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp để quản lý tình hình bất động sản, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản.

Theo đó, tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, công an, thanh tra tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Trong đó, tập trung tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản; theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính… tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp. Thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại địa phương.

Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra; có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông…gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống của người dân; đồng thời, xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý,… vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật liên quan (nếu có).

Theo báo cáo nghiên cứu chính thức về thị trường bất động sản Nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận năm 2020 của DKRA Việt Nam hồi cuối tháng 3/2021 cho thấy, năm 2020 là một năm hoạt động cầm chừng (thậm chí gần như ngủ đông, đặc biệt với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng) của thị trường bất động sản Đà Nẵng và vùng phụ cận.

Hoạt động cầm chừng của thị trường khu vực này được thể hiện rõ qua sự sụt giảm thấp kỷ lục về nguồn cung mới và sức tiêu thụ chung ở hầu hết các phân khúc so với năm 2019.

Tại Đà Nẵng, trong năm 2020, thị trường đón nhận 2 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường khoảng 183 nền, chỉ bằng 3% so với năm trước. Tỉ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt khoảng 57% (104 nền), tương đương gần 2% lượng tiêu thụ năm 2019.

Tại Quảng Nam, do đặc thù khác biệt về sự phát triển cũng như quỹ đất, thị trường ghi nhận khoảng 8 dự án mở bán trong năm, cung cấp ra thị trường khoảng 792 nền, bằng 20% nguồn cung năm 2019. Tỉ lệ tiêu thụ đạt khoảng 53% (389 nền), bằng khoảng 12% lượng tiêu thụ năm trước.

Các tin khác