Phát biểu tại phiên thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội sáng 31-5, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội phản ánh, sau nhiều vụ kiện cáo, bức xúc của khách hàng, nhiều người quay lưng lại với bảo hiểm nhân thọ, trong khi đây vốn là một sản phẩm mang tính nhân văn.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp, hợp đồng bảo hiểm thường dài 70-100 trang, là sản phẩm tài chính phức tạp với nhiều thuật ngữ chuyên ngành mà sự thua thiệt sẽ thuộc về người mua. Ngay cả những chuyên gia tài chính, chuyên gia pháp luật cũng không nắm hết được hợp đồng, nhiều chuyên gia cho biết chỉ hiểu được khoảng 70% hợp đồng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói: “Nhiều người chia sẻ, dù đọc kỹ đến mấy cũng không hiểu được sự linh hoạt của các gói bảo hiểm, không hiểu được nếu thanh lý hợp đồng sau 3 - 5-10 năm sẽ nhận được bao nhiêu tiền đã đóng”.
Theo bà Thủy, đội ngũ tư vấn viên là nhân tố gây ra các vụ tranh chấp, kiện cáo thời gian vừa qua. Không ít tư vấn viên không tư vấn rõ cho khách hàng, thậm chí cố ý mập mờ thông tin, chỉ cốt để khách hàng nhanh chóng ký hợp đồng để họ được hưởng hoa hồng “khủng”. Hoa hồng của tư vấn viên năm đầu tiên hợp đồng được hưởng tối đa 40%.
Nghĩa là, ngay sau khi khách đóng tiền 100 triệu đồng, thì tư vấn viên đã được nhận 35-40 triệu đồng. Không ít khách hàng bị tư vấn viên “xui” đầu tư hưởng lãi cao, nhưng họ chỉ nói về quyền lợi mà không chỉ rõ bất lợi. Nếu thanh lý hợp đồng trong 2 năm đầu thì gần như khách hàng mất trắng số tiền đã đóng.
Quang cảnh phiên thảo luận |
Không phủ nhận vẫn có những công ty bảo hiểm làm ăn uy tín, song ĐB nêu vấn đề, có hay không việc công ty bảo hiểm biết nhưng cố tình bỏ qua lỗi của tư vấn viên, của các đại lý bảo hiểm gây bất lợi cho khách hàng. “Một bên là công ty bảo hiểm chuyên nghiệp, một bên là người mua không chuyên nghiệp mà đẩy hết trách nhiệm cho phía người mua là không hợp lý, cả về lý và tình”.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp, tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam thuộc loại thấp trên thế giới. Có rất nhiều việc cần phải làm để lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nhân thọ để người dân hiểu đúng, tin tưởng và không cảm thấy mạo hiểm khi mua bảo hiểm.
ĐB kiến nghị Bộ Tài chính thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư để “làm sạch” ngành bảo hiểm. Bên cạnh đó, Bộ Công an xác minh có hay không tội lừa dối khách hàng, nếu có thì tiến hành khởi tố. Về phần mình, các công ty bảo hiểm phải rà soát lại toàn bộ, từ khâu thiết kế hợp đồng đến tư vấn, ký kết hợp đồng và giải quyết khiếu nại của khách hàng.
“Chỉ khi thực sự minh bạch thì người dân mới không quay lưng lại với bảo hiểm”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Nguyễn Thị Thủy kết luận.