Đại biểu Quốc hội đề nghị giảm thuế với cơ quan báo chí

(ĐTTCO) - Sáng 28-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi.

ĐB Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM phát biểu tại hội trường sáng 28-11. Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM phát biểu tại hội trường sáng 28-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Cân nhắc thuế suất ưu đãi đối với một số lĩnh vực

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phân tích, chính sách thuế TNDN đối với các cơ quan báo chí, theo ĐB, việc áp dụng thuế suất thuế TNDN 20% với một số hoạt động ngoài hoạt động chính trị của báo chí là không hợp lý.

Chia sẻ với những khó khăn mà các cơ quan báo chí đang phải đối mặt, ĐB Thạch Phước Bình đề xuất áp dụng thuế suất 10% hoặc thấp hơn với phần chịu thuế ngoài hoạt động chính trị của cơ quan báo chí như quảng cáo, tổ chức sự kiện; miễn thuế TNDN cho các khoản tài trợ, hỗ trợ dành cho cơ quan báo chí, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản tài trợ, viện trợ cho cơ quan báo chí; có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các cơ quan báo chí địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và khả năng tự chủ tài chính thấp hoặc rất thấp…

ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh). Ảnh: QUANG PHÚC

Bên cạnh đó, ĐB ghi nhận việc dự thảo luật đề xuất áp dụng mức thuế suất ưu đãi 15% và 17% cho doanh nghiệp có tổng doanh thu dưới 50 tỷ đồng là giúp giảm gánh nặng thuế, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ phát triển và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp. Tuy nhiên, mức doanh thu 3 tỷ đồng để được áp dụng thuế suất 15% là quá thấp; cách phân loại doanh nghiệp chỉ dựa vào doanh thu cũng có thể bị lợi dụng. ĐB đề nghị cần tăng ngưỡng doanh thu áp dụng thuế 15% và 17%, sử dụng thêm các tiêu chí như số lao động và tổng tài sản để phân loại doanh nghiệp; áp dụng lộ trình tăng thuế suất khi doanh nghiệp “lớn” vượt ngưỡng.

Đồng tình với quan điểm của ĐB Thạch Phước Bình về thuế suất thuế TNDN đối với cơ quan báo chí, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói thêm rằng, phần thuế TNDN đối với cơ quan báo chí cũng không lớn, không làm ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu ngân sách.

Cũng về các lĩnh vực được ưu đãi, ĐB đồng tình không đánh thuế TNDN từ sản xuất cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, song lưu ý: “Đối với nhà sản xuất thì không nên đánh thuế, nhưng những đối tượng mua bán thương mại thì phải tính thuế thu nhập”.

ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình). Ảnh: QUANG PHÚC

Đề cập đến thu nhập được miễn thuế, ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đề nghị miễn thuế cho các đơn vị công lập tự chủ cả chi đầu tư và chi thường xuyên. “Đơn vị sự nghiệp công lập đang thay mặt nhà nước cung ứng những dịch vụ công mà nhà nước đảm bảo. Nhà nước cũng có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công và đẩy mạnh tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ cả chi đầu tư và chi thường xuyên hiện nay đang đảm bảo thay nguồn ngân sách từ nhà nước. Do đó, những đơn vị này không có nghĩa vụ phải đóng vào ngân sách nhà nước”, ĐB phân tích.

Khắc phục tình trạng trốn thuế, đảm bảo công bằng cho những người nộp thuế

ĐB Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) và một số ĐB khác bày tỏ thống nhất với việc dự thảo luật đã bổ sung người nộp thuế là doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam để đảm bảo công bằng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước có những sản phẩm tương đồng.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Tâm Hùng lưu ý trường hợp không có cơ sở thường trú ở Việt Nam mà chỉ kinh doanh thông qua sàn giao dịch điện tử và đề nghị Chính phủ có nghị định quy định cụ thể để khắc phục được tình trạng trốn thuế, đảm bảo công bằng cho những người nộp thuế.

Cùng góp ý về cơ sở thường trú trong các hoạt động kinh doanh dựa trên thương mại điện tử, ĐB Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) cho rằng, khái niệm cơ sở thường trú đang được quy định tại luật hiện hành và các hiệp định thuế là chưa phù hợp với thực tế của loại hình kinh doanh sử dụng cơ sở thường trú ảo, không có địa chỉ liên lạc thật. Nếu vẫn giữ như vậy, dự thảo sẽ không giải quyết những vướng mắc đang phát sinh trên thực tế.

Trong khi đó, dự thảo luật cũng bổ sung quy định thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, bao gồm cả các thu nhập từ kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh. “Điều này làm cho nội dung quy định trở nên mâu thuẫn, khó thực hiện khi vừa không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; đồng thời không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh”, ĐB Nguyễn Thị Lệ bình luận.

Về mức thuế TNDN phổ thông là 20%, ĐB cho rằng, mức thuế suất này vẫn còn cao so với các nước trong khu vực ASEAN. Để khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp nói chung, ĐB đề nghị cân nhắc giảm mức thuế TNDN phổ thông xuống.

Các tin khác