Đại biểu Quốc hội đề xuất nhà ở xã hội chỉ nên cho thuê

(ĐTTCO) - Sáng 19-6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội đề xuất nhà ở xã hội chỉ nên cho thuê

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) đánh giá cơ quan soạn thảo đã tiếp thu phần lớn các ý kiến góp ý tại tổ của các ĐB.

Về công nhận quyền sở hữu nhà ở, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho rằng, Điều 11 dự thảo quy định các tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở, thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tuy nhiên, cũng tại Điều 22 của dự thảo, tổ chức, cá nhân nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở.

ĐB đề nghị cần rà soát quy định tại 2 điều này để xác định tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam được cấp loại giấy chứng nhận gì cho thống nhất. ĐB cho rằng, nên theo hướng nhóm đối tượng này chỉ được cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở như Điều 22 là phù hợp.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), sáng 19-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), sáng 19-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Về quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, ĐB Hồng Hạnh nêu, tại Điểm c Điều 22 quy định “Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được sở hữu nhà ở và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở theo quy định của luật này”.

ĐB cho rằng, cần xác định “có các quyền của chủ sở hữu nhà ở theo quy định của luật này” là quyền như công dân Việt Nam hay quyền của người nước ngoài. Vì theo dự thảo này, quyền của công dân Việt Nam và người nước ngoài trong sở hữu nhà ở tại Việt Nam là khác nhau. Bên cạnh đó, Điều 23, phần về nghĩa vụ quy định rõ là có các nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Thảo luận về dự thảo luật, nhiều ý kiến quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội. ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, chính sách về nhà ở xã hội là 1 trong 8 nhóm chính sách quan trọng trong lần sửa đổi luật lần này. Tuy nhiên, các chính sách này được thể hiện trong dự thảo chưa thực sự trúng và xử lý đúng vướng mắc từ thực tiễn.

ĐB đề nghị chính sách về nhà ở xã hội cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn, cụ thể cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở. Với định hướng đó, nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp cho cả 3 bên: chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân.

Bên cạnh đó, cần tách bạch giữa chính sách phát triển nhà ở xã hội với chính sách quản lý vận hành xã hội, tách bạch giữa đầu tư nhà giá rẻ để bán, để thuê mua với đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê; tách bạch giữa đầu tư và vận hành nhà ở xã hội.

Trong đó, nhà nước sớm hoàn thiện các quy định liên quan đến nhà ở xã hội cho thuê, tạo cơ sở pháp lý cho việc bố trí các nguồn vốn hỗ trợ phù hợp, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách; cũng như thiết lập các tổ chức chuyên biệt quản lý và vận hành nhà ở xã hội.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng). Ảnh: QUANG PHÚC
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Văn Hiển cũng cho rằng, chính sách của nhà nước cần đặt mục tiêu, lộ trình rất cụ thể để có một số lượng nhà ở xã hội đủ lớn, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, nên sửa đổi lại khái niệm về nhà ở xã hội trong dự thảo luật, theo đó, nhà ở xã hội chỉ áp dụng hình thức cho thuê, không phải quy định là hình thức mua, cho thuê mua.

“Nếu quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê như kinh nghiệm của các nước sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội. Nên chăng có quy định tách riêng về nhà giá rẻ với nhà ở xã hội sẽ hợp lý, vì nhà giá rẻ có thể mua và cho thuê và bản chất là nhà thương mại, còn nhà ở xã hội thì chỉ nên để cho thuê. Có như vậy, người dân, nhất là người có thu nhập thấp ở đô thị mới có hy vọng được tiếp cận nhà ở xã hội”, ĐB Nguyễn Văn Hiển nêu.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao đổi với ĐB Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) tại phiên họp, sáng 19-6. Ảnh: QUANG PHÚC
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao đổi với ĐB Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) tại phiên họp, sáng 19-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 đã nêu rõ, phát triển và mở rộng các loại hình nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho các đối tượng chính sách xã hội.

Do vậy, dự thảo luật cần làm rõ, sâu sắc hơn về nội dung chính sách cho từng loại hình đối tượng, đáp ứng yêu cầu chung phát triển kinh tế - xã hội, trong đó cần xác định rõ và đúng, thống nhất nội hàm nhà ở xã hội.

ĐB đề nghị mở rộng hơn khái niệm về nhà ở xã hội, cần tránh quan điểm bất thành văn rằng nhà ở xã hội là nhà ở cho đối tượng loại 2, giá rẻ đi cùng với chất lượng kém, không đảm bảo các điều kiện sử dụng cho người dân cũng như đã tồn tại ở một số dự án thời gian qua, nhất là vấn đề nhà ở tái định cư gây bức xúc trong dư luận.

ĐB Nguyễn Lâm Thành cho rằng, quyền có chỗ ở an toàn tốt hơn luôn là nhu cầu chính đáng của mọi tầng lớp trong xã hội. Do đó, nên chăng đưa khái niệm nhà giá thấp thay cho nhà giá rẻ trong tiếp cận, xây dựng chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở, cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại.

Trong đó, nhà nước sử dụng các công cụ thuế, tín dụng, hỗ trợ đầu tư từ ngân sách, chính sách đất đai để bù vào giá trị cần đầu tư tăng thêm trên nguyên tắc kinh tế thị trường để giảm giá bán, giá thuê nhà cho các đối tượng chính sách và coi đây là nguồn vốn đầu tư cho an sinh xã hội.

Các tin khác