Đại biểu Trịnh Xuân An: 'Đã đến lúc cả nước vì TPHCM'

(ĐTTCO) - Trao đổi với Đầu tư Tài chính bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An bày tỏ tâm huyết, tình cảm với TPHCM, mong có một cơ chế đặc thù đủ mạnh để TPHCM bứt tốc trong những năm tới.

ĐBQH Trịnh Xuân An trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC
ĐBQH Trịnh Xuân An trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, qua thảo luận cho thấy tất cả các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều mong TPHCM sớm có một số cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh để thí điểm phát triển? Ý kiến ông thì sao?

ĐBQH TRỊNH XUÂN AN: - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị khóa XI và sau 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết 54 của Quốc hội, TPHCM tiếp tục giữ vị thế, vai trò đầu tàu với kinh tế cả nước, đóng góp bình quân 20,3% GDP cả nước, 27% tổng thu ngân sách nhà nước. Tỷ lệ tham gia điều tiết về ngân sách Trung ương cao nhất nước là 82%, GRDP/người đạt 6.890 USD, gấp 1,7 lần GDP trên người cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, bất cập do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Do vậy tôi cũng như đa số ĐBQH đều tán thành về sự cần thiết ban hành về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Rất nhiều chương trình mà TPHCM đi trước đều thành công. Với nghị quyết mới các ĐBQH rất kỳ vọng TPHCM phải "đi trước về trước", chứ không phải "đi trước về sau". Và qua phiên thảo luận tại Quốc hội cũng đã thể hiện rất rõ điều đó. Tóm lại, từ rất lâu TPHCM vì cả nước, bây giờ cả nước vì TPHCM.

- Theo ông những chính sách trong dự thảo nghị quyết mới cho TPHCM đã đủ mạnh?

- Dự thảo Nghị quyết mới rất toàn diện với 44 nhóm chính sách, 7 nhóm cơ chế lớn, đặc biệt có những nội dung rất mới, mang tính đột phá. Nhưng tôi cho rằng, vẫn cần có những cơ chế, chính sách đặc biệt hơn nữa, mạnh hơn nữa để tạo động lực lớn hơn, tạo thành nguồn năng lượng mạnh mẽ hơn nữa giúp TPHCM bứt tốc.

Trong phiên thảo luận vừa qua về dự thảo Nghị quyết mới, các ĐBQH nói nhiều đến vấn đề ngân sách, đầu tư, nhưng tôi cho rằng có mấy vấn đề TPHCM phải làm mạnh hơn nữa.

Thứ nhất là về con người. Chúng ta đừng đi sâu vào vấn đề TPHCM được thành lập sở này sở kia, hay được quyết bao nhiêu phó chủ tịch. Riêng về nhân sự và con người nên để TPHCM tự quyết, bởi con người sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Do đó chính sách về tổ chức, bộ máy nên để TPHCM rộng hơn.

Thứ hai, TPHCM là đầu tàu kinh tế cả nước, vậy thì kinh tế đó dựa vào cái gì? Là sản xuất, dịch vụ, đất đai. Do đó, dự thảo đưa ra các cơ chế, chính sách để TPHCM hướng phát triển đô thị giao thông (TOD) là hướng rất tốt. Bởi TPHCM không chỉ là các đô thị trung tâm, mà còn các đô thị vệ tinh như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh. Đó là nguồn đất đai vô cùng hữu ích cho TPHCM nếu tận dụng được. Nên cơ chế đất đai cho TPHCM trong nghị quyết lần này cần phải mạnh hơn nữa.

Thứ ba, trong cách thức huy động đầu tư, dù dự thảo nghị quyết đã đưa ra về cơ chế hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), nhưng theo tôi cần phải có thêm chính sách BT mạnh hơn cho TPHCM. Dĩ nhiên, BT cần được làm với cơ chế công khai, minh bạch, có hệ thống theo dõi, giám sát để tránh việc lạm dụng, lợi dụng, tránh sai phạm.

Tuy nhiên cũng có điều tôi muốn góp ý, đó là dự thảo nghị quyết còn thiếu một mảng rất lớn là dịch vụ chưa được đề cập. Chúng ta hay nói đến kinh tế đêm để phát triển du lịch. Nhưng lưu ý, TPHCM không phải chỉ có “làm”, mà còn phải “chơi”, phải có dịch vụ. Nên nhớ, người ta đến TPHCM không phải chỉ đi làm, mà còn để du lịch, giải trí, để được hưởng thụ các dịch vụ, và TPHCM cần được phát triển mạnh mẽ ở khía cạnh này.

- Xin cảm ơn ông.

ĐBQH Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: TPHCM đủ mạnh mới kết nối liên vùng

Nếu lấy TPHCM là cực tăng trưởng, từ đó thúc đẩy thể chế liên kết vùng, tạo sự phát triển thành vùng tăng trưởng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các cơ quan trung ương và Bộ GTVT cần tạo điều kiện và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc đầu tư hạ tầng giao thông kết nối nội vùng Đông Nam bộ, ĐBSCL và lân cận.

Điều đó tạo sự lưu thông, giúp phát huy nguồn lực trong liên kết vùng, từ đó tạo thể chế thu hút nguồn lực, giúp quá trình đô thị hóa và phát triển của TPHCM cũng như thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng. Ngoài đường Vành đai 3, cần được trung ương ủng hộ và xúc tiến các tuyến đường Vành đai 4, các tuyến đường cao tốc kết nối TPHCM với vùng Đông Nam bộ và các vùng lân cận.

ĐBQH HÀ SỸ ĐỒNG, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị: Nên kéo dài thời gian thí điểm 5 năm

Do còn nhiều nội dung cần bàn, mở rộng hoặc thu hẹp trong dự thảo nghị quyết nên cần tính toán về thời gian thực hiện. Nghị quyết 54 trước đây quy định thí điểm 5 năm nhưng các nội dung đều chưa đạt được, dự thảo lần này thực chất là thực hiện tiếp Nghị quyết 54. Vậy thì tiếp tục thực hiện trong 5 năm tới liệu có khả thi không? Theo tôi phải cho thực hiện trong thời gian từ nay đến năm 2030, thậm chí đến 2045.

Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại TPHCM, cần đưa vấn đề này vào dự thảo nghị quyết của Quốc hội. Vì hiện nay với tư cách là đầu tàu kinh tế, trong tương lai sẽ xây dựng trung tâm tài chính khu vực, nên việc cho phép TPHCM có cơ chế riêng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế là việc làm hết sức cần thiết.

Các tin khác