Thời điểm này, tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… tràn ngập hàng hoá phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân. Những hàng hóa thiết yếu, đặc trưng của ngày Tết như: bia, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, khay mứt… được chia thành từng khu chuyên biệt để tiện cho người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm. Nhiều người tiêu dùng cho biết, mẫu mã hàng tết thay đổi theo từng năm và ngày càng chất lượng, màu sắc phù hợp với không khí tết, giá thành phải chăng. Cùng với đó, nhiều chương trình giảm giá, kích cầu mua sắm được áp dụng vào dịp này cũng là một lợi thế để mua sắm.
“Tết đến, gia đình phải mua sắm để đi tết họ hàng, hai bên gia đình. Tôi thấy hàng tết chất lượng đảm bảo, nhiều chương trình giảm giá được đưa ra hợp lý. Tôi hay lựa chọn hàng Việt Nam sản xuất, hàng hoá phong phú về chất lượng. mẫu mã, hình thức. Do đó, mình lựa chọn hàng Việt Nam nhiều hơn giá cả phải chăng, phù hợp túi tiền” - một người tiêu dùng cho biết.
Phục vụ tết nhiều chương trình khuyến mại được áp dụng để kích cầu người tiêu dùng.
Theo quan sát của PV, các hệ thống phân phối, siêu thị, cửa hàng tạp hoá đã chuẩn bị đầy đủ lượng hàng hoá, phục vụ người dân mua sắm. Chuỗi siêu thị GO!, Big C… khu vực miền bắc, đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng dồi dào tại hệ thống siêu thị của mình từ rất sớm. Tất cả các sản phẩm Tết, bao gồm bánh kẹo Tết, nước ngọt, bia, rượu sẽ có giá cạnh tranh cùng nhiều chương trình khuyến mãi như: mua 1 tặng 1, giảm giá 50%… Tại, hệ thống WinMart/WinMart+ cũng đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa với sản lượng lớn từ vài tháng trước Tết. Dự báo, năm nay sản lượng hàng hóa theo từng ngành hàng phục vụ Tết tăng 20-30% so với các tháng bình thường trong năm và so với cùng kỳ Tết năm ngoái.
Tại siêu thị Co.op Food Hà Nội, hàng tết được bày đầy ắp trên các kệ hàng, với số lượng chuẩn bị tăng 30% so với năm trước. Bà Trần Thị Thu Tâm, Phó Giám đốc Co.op Food Miền Bắc cho biết, để kích cầu mua sắm, siêu thị đưa ra các chương trình khuyến mại từ 10 - 50%, thậm chí 70%, chủ yếu ở nhóm hàng thực phẩm thiết yếu, đồ gia dụng, mỹ phẩm, quần áo… Đồng thời, hệ thống siêu thị cũng cam kết giá cả sẽ bình ổn từ nay tới Tết Nguyên đán.
“Doanh nghiệp đã phối hợp với các nhà cung cấp từ tháng 8/2022 để dự trữ hàng hoá để chuẩn bị nhu cầu mua sắm dịp Tết. Co.op Food cam kết đảm bảo nguồn hàng đủ để cung ứng người dân. Sản lượng hàng hoá tết, chúng tôi đã phối hợp với nhà cung cấp tăng 30-40%, nhiều chương trình khuyến mại được đưa ra với mức giá đặc biệt”, bà Tâm nói.
Hệ thống các siêu thụ chuẩn bị đủ hàng tết phục vụ người tiêu dùng.
Đối với Siêu thị AEON Long Biên, lượng dự trữ hàng hóa Tết tăng 30% so với năm ngoái, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa trong giai đoạn kinh doanh cao điểm, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm thời vụ mùa Tết.
“Năm nay, dự báo người dân sẽ không thắt chặt chi tiêu vào dịp tết, do dịch bệnh đã được kiểm soát. Dự đoán sức mua sẽ tăng trưởng 20-50%, doanh nghiệp đã chuẩn bị rất nhiều hàng hoá chất lượng, giá thành hợp lý. Hiện nay, hàng hoá phục vụ tết đã về theo kế hoạch, chúng tôi đảm bảo nguồn cung sẽ dồi dào”, ông Đàm Mạnh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON Long Biên cho biết.
Dự báo Tết Nguyên đán 2023, nhu cầu mua sắm sẽ tăng từ 10-15%. Để không thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, Bộ Công Thương yêu cầu, Vụ thị trường trong nước tiếp tục phát triển mạnh thị trường nội địa. Theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả để chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 để giữ ổn định thị trường.