Dân số vàng thì lao động cũng phải 'vàng'

(ĐTTCO) Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng nhưng chất lượng nguồn nhân lực chưa "vàng”, hiệu quả và năng suất lao động chưa cao.

Trước sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xu hướng chuyển đổi số hiện nay đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, nhân lực có kiến thức chuyên sâu về khoa học - công nghệ.

Công nhân Công ty TNHH may mặc Dony (huyện Bình Chánh, TPHCM) kiểm tra sản phẩm. Ảnh: NGÔ BÌNH
Công nhân Công ty TNHH may mặc Dony (huyện Bình Chánh, TPHCM) kiểm tra sản phẩm. Ảnh: NGÔ BÌNH

Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế

Với gần 100 triệu dân, Việt Nam đang nằm trong tốp những quốc gia đông dân nhất thế giới. Sau hơn 35 năm đất nước đổi mới, thị trường lao động Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, hệ thống thể chế, luật pháp, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện; tiền lương của người lao động được cải thiện rõ rệt, năng suất và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ LĐTB-XH, mặc dù thị trường lao động đang phục hồi và phát triển nhưng vẫn bộc lộ những vấn đề bất cập, hạn chế. Trong đó, chất lượng nguồn cung lao động chưa đáp ứng nhu cầu của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Điều này thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn thấp.

Cụ thể, quý I-2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 26,4% trong tổng số 52,2 triệu người trong độ tuổi lao động. Bên cạnh đó, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động; năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI. Bên cạnh đó, thị trường việc làm chưa đủ hiện đại, chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động.

Theo Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có trên 38 triệu lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Thu nhập bình quân của người lao động không cao (bình quân 7 triệu đồng/tháng trong quý I-2023). Các số liệu cho thấy thị trường lao động Việt Nam còn có hiện tượng mất cân đối giữa cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế.

Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM nhận xét, mặc dù nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng “khát” lao động có trình độ và kỹ năng nhưng tại nhiều nơi, người lao động có trình độ cao phải làm việc trong lĩnh vực không đòi hỏi nhiều về kỹ năng và trình độ.

Hoặc nhiều lao động không làm đúng ngành nghề chuyên môn được đào tạo. Đây là một sự lãng phí chất xám của thị trường lao động hiện nay. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo còn thiên về lý thuyết, thiếu kỹ năng làm việc nhóm, trình độ ngoại ngữ, tư duy phản biện, sáng tạo, tuân thủ công nghệ; thiếu sự gắn kết giữa nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo nghề.

Trong buổi làm việc với các sở, ngành trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục, lao động việc làm, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã yêu cầu các đơn vị tập trung nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đào tạo để hướng đến đào tạo nghề chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đặc biệt là lao động lĩnh vực kinh tế số, chuyển đổi số và khoa học - công nghệ. Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, tham mưu thành phố đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật dạy học. Từ đó, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động cũng như nâng cao thu nhập cho người lao động.

Nâng cao chất lượng, phát triển bền vững

Phân tích về những điểm yếu mà người lao động mới ra trường thường gặp phải, ông Trần Minh Tú, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kềm Nghĩa (huyện Củ Chi, TPHCM), cho biết, trước đây đa số lao động sau khi được tuyển vào công ty đều phải đào tạo lại. Thời gian gần đây, để đáp ứng yêu cầu của đối tác, công ty chấp nhận trả lương cao để tuyển nhân lực có tay nghề cao, giảm thời gian đào tạo, tăng năng suất lao động.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, cho rằng, thời gian tới sẽ nổi lên vấn đề chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp theo xu hướng chuyển đổi từ nhóm nghề giản đơn sang những nghề kỹ thuật chuyên môn. Đặc biệt, sau dịch Covid-19, các quốc gia, vùng lãnh thổ có nhu cầu cao về nhân lực y tế. Do đó, để đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới, cần tập trung đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn cao và đúng với xu hướng chuyển dịch.

Trong khi đó, phân tích dữ liệu đăng tuyển dụng của doanh nghiệp và người lao động tìm việc làm từ internet của Bộ LĐTB-XH trong quý I-2023 cho thấy, có 16.730 lượt doanh nghiệp đăng tuyển dụng 75.285 lao động, 72.458 người lao động tìm việc. Trong đó, chỉ có 8,3% doanh nghiệp tuyển dụng không yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật, có đến 49,4% yêu cầu trình độ từ đại học trở lên, còn lại yêu cầu trình độ từ sơ cấp đến cao đẳng.

Nhu cầu tuyển dụng cao nhất nằm ở các nhóm nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn cao như: phát triển phần mềm, quản trị mạng, an ninh mạng, chuyên viên dữ liệu và truyền thông…

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, thị trường lao động sẽ có sự gia tăng theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, có tay nghề. Bên cạnh những yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhà tuyển dụng đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và thông thạo ngoại ngữ.

Vì vậy, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo, tập trung đào tạo nâng cao năng lực thực hành, nâng thời gian thực hành; tăng cường đào tạo kỹ năng nghề gắn với ngành đào tạo, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và một số kỹ năng thực hành xã hội cần thiết để làm hành trang cho sinh viên tham gia tốt vào thị trường lao động.

TS ĐỖ THANH VÂN, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM: Giữ vững cán cân cung - cầu lao động

Để cung - cầu lao động ngày càng ổn định, trước hết, người lao động cần thay đổi tư duy, tích cực tiếp nhận việc làm mới, đề cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp; thường xuyên tự trau dồi, học hỏi những kỹ năng, kiến thức để thích ứng nhanh với sự thay đổi trong môi trường làm việc mới.

Có như vậy mới có thể nâng cao giá trị bản thân và không bị thay thế bởi máy móc và công nghệ hiện đại. Sự thay đổi cũng chính là cơ hội để người lao động nhanh chóng tìm việc, đổi việc một cách thuận lợi. Về phía các cơ quan nhà nước, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội; các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cần tăng cường mối liên kết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đảm bảo đầu ra khi học viên hoàn thành khóa học, từ đó giữ vững cán cân cung - cầu lao động.

Ông LÊ MAI HỮU LÂM, Tổng Giám đốc Công ty Cát Vạn Lợi (huyện Củ Chi, TPHCM): Liên kết đào tạo nhân lực từ trên giảng đường

Thực tế chất lượng đào tạo của một số trường chưa đáp ứng được yêu cầu, các chương trình đào tạo thiên về lý thuyết. Vì vậy, hầu hết nhân lực mới ra trường dù ở trình độ nào thì về công ty cũng phải tốn thời gian đào tạo lại.

Do đó, nhiều năm qua, chúng tôi đã chủ động liên kết với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận để xây dựng các chương trình đào tạo sát với yêu cầu công việc thực tế. Với mô hình này, chúng tôi nhận sinh viên đến thực tập có trả lương, hỗ trợ tiền ăn, ở và một số chế độ khác. Như vậy, sinh viên được tiếp cận công việc thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi hoàn thành chương trình học, họ đã được trang bị kinh nghiệm làm việc thực tế và có việc làm ngay.

Các tin khác