(ĐTTCO)-Chúng ta đang ở trong thời kỳ dân số vàng và hội nhập sâu với thế giới. Liệu dân số vàng có tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao - nhân lực vàng? Đây là câu hỏi không thể trả lời bằng ý chí hay nguyện vọng.
Cơ hội dân số vàng
Cơ hội dân số vàng của Việt Nam đến từ năm 2010 và không là mãi mãi. Cũng như tuổi thanh xuân của một con người, giai đoạn thanh xuân của dân số Việt Nam có giới hạn thời gian, sẽ kết thúc vào năm 2035, nghĩa là chỉ kéo dài 23 năm. Nếu tính từ thời điểm này (2017) thì chúng ta chỉ còn chừng 16 năm sức dài vai rộng - trẻ, khỏe, sung sức.
Có điều cần chú ý, dân số vàng là tỷ lệ số người trong độ tuổi lao động (từ 15 - 64 tuổi) lớn hơn số người ngoài độ tuổi lao động (Việt Nam hiện có khoảng 90 triệu dân, 69% trong độ tuổi lao động). Tỷ lệ đó không phản ánh chất lượng cao của nguồn nhân lực và tự nó không biến thành nguồn nhân lực vàng, dù phần lớn người dân đang trẻ, khỏe, sung sức.
Thực tế Việt Nam lại gần như ngược lại. Chỉ số quan trọng nhất thể hiện chất lượng nguồn nhân lực là năng suất lao động thì Việt Nam lại đang ở bậc thấp nhất trong khối ASEAN (chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/5 Malaysia, thấp hơn Lào…, theo Tổ chức Lao động thế giới ILO). Điểm xuất phát thấp như thế, chỉ trong vòng 4 năm tới (từ 2016 - 2020), chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam có thể nâng cao đến mức nào?
Năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất trong khối ASEAN. Sinh viên ra trường khá nhiều nhưng có đến gần 256.000 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp. Điều đó phản ánh chất lượng nguồn nhân lực chưa được nâng cao đáng kể.
Thách thức từ giáo dục - đào tạo
Thách thức và trở lực nằm ngay ở những yếu kém của giáo dục - đào tạo; giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng nằm ngay ở khả năng khắc phục những yếu kém ấy. Trước hết, cần giảm tải khối lượng kiến thức trong sách giáo khoa để học sinh còn đủ sức nhận thức nhiều loại kiến thức khác nhau, vì tình trạng quá tải hiện nay sẽ dẫn đến nhiều hậu quả, một trong đó là khi bị “quá tải trí nhớ” người học sẽ rơi vào tình trạng “rối loạn nhận thức”.
Phương châm dạy và học cần sớm được thay đổi: chuyển từ dạy cách học thuộc bài (đọc - chép và thi đề đóng) sang cách dạy hiểu bài (thực nghiệm và thi đề mở). Từ thuộc bài đến hiểu bài còn một khoảng cách khá xa, khoảng cách này nên sớm được rút lại. Tập quán giảng dạy rất cần được thay đổi: chuyển từ thầy có quyền đặt câu hỏi, học sinh phải trả lời sang học sinh phải đặt câu hỏi, thầy có trách nhiệm trả lời, giải thích.
Điều đó sẽ giúp học sinh phải tự suy nghĩ để tìm câu hỏi, đồng thời buộc giáo viên phải đủ kiến thức để giải thích. Nói cách khác: đặt câu hỏi là học, trả lời và giải thích là dạy.
Việc dạy thêm ở các cấp học phải được cấm để khôi phục đạo đức giáo dục và truyền thống tôn sư trọng đạo. Tăng học phí không bao giờ là một cách làm hay nếu muốn tăng số người đi học và tăng thời gian được đào tạo - hai yếu tố chính để nâng cao dân trí. Học phí hẳn nhiên cần phải giảm.
Ở những khu vực vùng sâu vùng xa, nơi khó khăn, cơ sở vật chất cho các trường và thu nhập của đội ngũ giáo viên nên được ưu tiên đầu tư và cải thiện. Có như vậy, dân trí vùng khó khăn mới được nâng cao và khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn được rút ngắn, đảm bảo tính công bằng xã hội...