Dòng tiền theo trend
Ngay khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ ngày 24-2, nhiều NĐT đã chủ động đẩy mạnh mua vào nhóm cổ phiếu (CP) dầu khí với kỳ vọng giá dầu sẽ leo thang do chiến tranh. Thực tế những NĐT tranh mua CP dầu khí trong những phiên giao dịch sau đó đều ghi nhận mức lợi nhuận vượt trội.
Với nhóm ngành dầu khí, những phiên kịch trần liên tiếp trong bối cảnh giá dầu tăng mạnh do đứt gãy chuỗi cung ứng mà nguồn cung lớn nhất đến từ Nga, đã đưa giá CP nhóm này về gần sát với đỉnh cũ được thiết lập năm 2018, thậm chí có mã vượt đỉnh lịch sử như PVD, PVS, PVC. Đơn cử là phiên giao dịch ngày 7-3, GAS tăng vượt mốc mốc 124.000 đồng/CP. Với mức giá này, GAS đã tăng 12% kể từ tháng 2 đến nay và tăng 30% kể từ đầu năm 2022.
Dòng tiền đổ mạnh vào nhóm CP dầu khí cũng đã kéo thanh khoản nhóm này cải thiện đáng kể với trung bình 1,5 triệu CP được giao dịch những phiên gần đây.
Sau nhóm CP dầu khí, hàng loạt nhóm CP ngành được dự báo hưởng lợi nhờ chiến tranh cũng bật tăng mạnh, đơn cử là nhóm CP thép. Theo giới đầu tư, ngành thép được đánh giá là cơ hội thay thế Nga trở thành chuỗi cung ứng tiềm năng sang thị trường EU, khi các nước phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt với Nga là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu thép lớn thuộc top đầu thế giới.
Thông tin này giúp nhóm CP thép bật dậy tăng mạnh về vùng giá của tháng 10 năm ngoái chỉ trong vòng chưa đầy 10 phiên giao dịch. Ngay như mã HPG được đánh giá hưởng lợi không nhiều từ xung đột Nga – Ukraine, cũng bất ngờ có phiên tăng trần ngày 3-3 và vượt mốc 50.000 đồng/CP.
Tương tự là nhóm CP phân bón với 2 mã đầu ngành là DPM và DCM cũng bật tăng trở lại sau chuỗi ngày chịu áp lực điều chỉnh trước đó. Việc nhóm CP phân bón đảo chiều nhờ thông tin giá Ure nhiều khả năng sẽ còn tăng cao nữa do thiếu hụt nguồn cung. Sóng tăng của “bộ đôi” này đã kích thích cho làn sóng của nhóm CP như LAS, BFC, VAF, PMB, PSW.
Kỳ vọng trên… giấy?
Ở phía ngược lại, không ít nhóm ngành được giới phân tích duy trì quan điểm tích cực nhờ hưởng lợi từ giá cả hàng hóa tăng cao, hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế sau đại dịch và hưởng lợi từ đầu tư công, lại sụt giảm vì không nhận được sự quan tâm của dòng tiền. Đơn cử là các nhóm ngành như ngân hàng, CTCK, xây dựng, vật liệu xây dựng hay thủy sản. Việc thiếu vắng dòng tiền đã khiến cho nhiều mã CP trong nhóm ngành này dù được đánh giá khả quan, nhưng vẫn sụt giảm. Nguyên nhân là do nhiều NĐT bán ra để chuyển hướng đầu tư vào nhóm CP đang theo trend như dầu khí, thép, phân bón.
Sự thờ ơ của NĐT với nhóm ngành kể trên cộng với dòng chảy vốn trên TTCK trong những ngày gần đây, cho thấy sóng ngành đa phần đến từ những dự báo tích cực trong tương lai, không hoàn toàn đến từ tình hình nội tại của doanh nghiệp. Theo một chuyên gia CK, thị trường đã phản ứng tích cực với những nhóm được đánh giá hưởng lợi từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Thế nhưng, sự tích cực vẫn chủ yếu dừng lại ở thông tin, còn kết quả kinh doanh lợi nhuận của doanh nghiệp có đúng với kỳ vọng của thị trường hay không vẫn phải cần thời gian. “Thông thường, sẽ phải chờ đến giữa tháng 4, tức phải chờ ít nhất 1 tháng nữa khi các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý I-2022 và dài hơi hơn là kết quả kinh doanh của cả 1 năm”- chuyên gia này chia sẻ.
Trên thực tế, việc đầu tư theo dòng tiền cũng chịu rất nhiều rủi ro, không hẳn là “mua đâu thắng đó” như suy nghĩ của nhiều người. Đơn cử là phiên giao dịch ngày 11-3, khi phần lớn NĐT đều nghĩ đến một phiên tăng mạnh của nhóm CP dầu và thép khi diễn biến giá dầu thế giới tăng trở lại. Thế nhưng đây lại là phiên “kinh hoàng” với những NĐT đang nắm giữ 2 nhóm CP này, khi phần lớn mã CP đều lao dốc trước áp lực bán tháo như: GAS, PVC, PVT, PLX, PVG, PVE, PVS, PGS, HPG, HSG, NKG, TLH, POM, VGS.
Nhiều rủi ro
Theo nhận định của một chuyên gia phân tích từ SSI Research, thị trường đã phản ứng nhanh nhạy với thông tin căng thẳng địa chính trị thế giới. Tuy nhiên, NĐT cần lưu ý phản ứng mạnh nhất thông thường sẽ xuất hiện ở đầu câu chuyện chứ không phải từ lúc bắt đầu đến kết thúc. Chưa kể cả Nga và Ukraine đang bước vào cuộc đàm phán tìm tiếng nói chung, nếu điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng đến CP nhóm hưởng lợi trong thời gian tới.
Lấy dẫn chứng từ nhóm CP phân bón, theo SSI Research, về dài hạn, ước tính giá Urê sẽ giảm do Trung Quốc có thể tăng nguồn cung khi tình trạng thiếu than giảm bớt. Do vậy, ước tính lợi nhuận cho DPM và DCM trong năm 2022 đạt lần lượt đạt 2.798 tỷ đồng (giảm 12%) và 1.811 tỷ đồng (giảm 5%).
Với nhóm thép, khác với dự báo khả quan của các CTCK, bản thân lãnh đạo các doanh nghiệp lại tỏ ra khá thận trọng trước diễn biến giá thép trong năm 2022. Đơn cử là HSG vừa công bố kế hoạch kinh doanh cho niên độ mới 2021-2022 với chỉ tiêu sản lượng là 2 triệu tấn (giảm hơn 11%), doanh thu 46.399 tỷ đồng (giảm gần 5%), lợi nhuận sau thuế dao động từ 1.500-2.500 tỷ đồng (giảm mạnh so với mức 4.313 tỷ đồng) của niên độ tài chính trước đó.
Theo đại diện HSG, giá nguyên liệu đầu vào đã và đang biến động rất khó lường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, HSG đưa ra 3 kịch bản kinh doanh trong đó, phương án thấp nhất doanh thu 46.399 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ 1.500 tỷ đồng.
Nhận định về hiện tượng đầu tư theo dòng tiền hiện nay, theo một chuyên gia CK, trong ngắn hạn giá CP lên xuống theo thông tin, nhưng trong dài hạn giá CP sẽ thể hiện giá trị nội tại của doanh nghiệp. Giá trị nội tại được tính dựa vào các dòng tiền lợi nhuận tự do (tức là dòng tiền lợi nhuận sau tái đầu tư) trong tương lai của doanh nghiệp.
Những dòng tiền này được các chuyên gia, những người định giá dự đoán/kỳ vọng dựa trên quá khứ, hiện tại và tương lai của doanh nghiệp. Do vậy, NĐT chỉ nên mua CP với kỳ vọng lợi nhuận trong tương lai, chứ không phải mua CP theo dòng tin tức thời sự ngày mai.
TTCK trong những ngày gần đây chủ yếu dựa vào thông tin chiến sự, hay những dự báo tích cực trong tương lai, không hoàn toàn đến từ tình hình nội tại của doanh nghiệp. |