Đập nước-Hiểm họa rình rập (kỳ 3): Vỡ đập Gleno do kém chất lượng

Thay đổi thiết kế ban đầu để tiết kiệm kinh phí và sử dụng xi măng kém chất lượng là 2 trong số những nguyên nhân chính làm đập Gleno (Italia) vỡ ngay lần tích nước đầu tiên, khiến cơn lũ quét xuống hạ lưu, tàn phá hơn 3 ngôi làng, cướp đi sinh mạng của ít nhất 356 người.

Thay đổi thiết kế ban đầu để tiết kiệm kinh phí và sử dụng xi măng kém chất lượng là 2 trong số những nguyên nhân chính làm đập Gleno (Italia) vỡ ngay lần tích nước đầu tiên, khiến cơn lũ quét xuống hạ lưu, tàn phá hơn 3 ngôi làng, cướp đi sinh mạng của ít nhất 356 người.

Theo cơn khát năng lượng

Trong nửa đầu thế kỷ 20, nhiều đập nước được xây dựng ở Italia để đáp ứng nhu cầu điện năng gia tăng. Gleno là một trong những con đập được ra đời để đáp ứng cơn khát điện năng mới của Italia.

Đây là một đập đa vòm trên sông Gleno, tọa lạc ở Valle del Povo, một vùng trũng rộng chừng 8,4km2 ở thung lũng Valle di Scalve (174km2), tỉnh Bergamo phía Bắc Italia. Đập thủy điện này được xây dựng từ năm 1916-1923 cùng với nhà máy được thiết kế công suất lắp đặt 3,7 MW.

Lịch sử của con đập được bắt đầu từ năm 1907, khi công ty của gia đình Vigano đề xuất dự án xây dựng đập Gleno và nhanh chóng được phê duyệt. Công tác xây dựng được gia đình Vigano khởi công vào năm 1916.

Trong thiết kế đầu tiên đưa ra năm 1913, đập này là một đập trọng lực, được thiết kế theo hình cong có thể chứa lượng nước tối đa 5 triệu m3. Năm 1920, người ta bắt đầu xây dựng phần nền móng của con đập.

Tháng 9 cùng năm, Văn phòng Quận trưởng Bergamo nhận được một lá thư nặc danh gửi từ Dezzo (nơi nước con đập chảy xuống). Lá thư tố cáo nhà thầu đã dùng một loại vữa xi măng kém chất lượng để đổ bê tông, gây nguy hiểm lớn cho cư dân sống ở thung lũng bên dưới.

Quận trưởng nhanh chóng chuyển lá thư nặc danh cho Sở Xây dựng thành phố. Cơ quan này cử thanh tra đến công trình, lấy về một vài mẫu vữa nhưng không kiểm tra kỹ càng. Việc xây dựng nền móng con đập vẫn được tiến hành như bình thường.

Năm 1921, vì lý do kinh phí, đơn vị thi công đề nghị thay đổi thiết kế dự án từ một đập trọng lực thành một đập đa vòm. Theo phân loại của giới chuyên môn, đập nước được phân ra làm 2 loại gồm đập trọng lực và đập đa vòm.

Trong đó, đập trọng lực cần nền móng vững chắc, trong khi đập vòm cần đá núi hai bên bờ hết sức cứng rắn. Theo đề xuất thiết kế mới, con đập lượn hình chữ S, có chiều dài tổng cộng 220m, chiều cao 46m và có tổng cộng 25 vòm.

Ngày 12-8, bản thiết kế sửa đổi được Sở Xây dựng thông qua. Tháng 11, Sở Xây dựng thông báo Bộ Công trình Công cộng thông qua thiết kế sửa đổi. Vì phần móng của con đập đã được xây dựng theo thiết kế dành cho loại đập trọng lực, tháng 2-1922, Bộ Công trình Công cộng yêu cầu các bên thi công phải đưa ra bản thiết kế kết hợp được giữa đập trọng lực và đập đa vòm.

Theo thiết kế mới, những đập vòm nhanh chóng được xây trên phần nền móng đã thiết kế cho đập trọng lực, với một phần là đá tảng của thung lũng. Tháng 1-1923, đơn vị thi công cho biết con đập được hoàn thành 80% và bắt đầu tích nước.

Ngày 22-10-1923, con đập được hoàn thành 100% và cũng tích đầy lượng nước nhờ những trận mưa lớn, ước chừng 4,5 triệu m3 nước.

12 phút, 356 người

Theo ghi nhận của một số kỹ sư, lượng nước ở con đập Gleno có lúc lên cao hơn mức tối đa cho phép. Những lúc mực nước trong đập dâng quá cao, những người quản lý đã phải xả tới 10m3/giây. Tuy nhiên, áp lực lên con đập vẫn rất lớn. Sau khoảng 40 ngày tích nước ở mức gần tối đa, lúc 6 giờ 30 sáng 1-12-1923, một trụ chống trên đập bị nứt và nhanh chóng bị gãy.

Quá trình vỡ đập diễn ra rất nhanh bất chấp những nỗ lực cứu chữa của những người quản lý. Chỉ trong vòng 12-15 phút, toàn bộ hơn 4,5 triệu m3 chứa trong con đập đã bị rút sạch. Sự việc diễn ra quá nhanh đến nỗi không một tin tức cảnh báo nào kịp truyền xuống phía dưới hạ lưu.

Phần còn lại của đập Gleno hiện nay.

Phần còn lại của đập Gleno hiện nay.

Trong vòng 45 phút, 4,5 triệu m3 nước từ hồ chứa ở độ cao khoảng 1.535m trên mực nước biển đổ xuống thung lũng phía dưới cách 25km. Làng Bueggio là nơi bị ngập lụt đầu tiên, sau đó làm ngập lụt một phần Dezzo của đô thị Azzone và tiếp theo là gây lũ lụt toàn bộ Dezzo, một phần của Colere và Corna di Darfo.

Cơn lũ hung hãn chỉ dừng lại khi chảy đến hồ Iseo nằm ở cao độ 186m trên mực nước biển. Ước tính có ít nhất 356 người bị chết. Nhiều gia đình không còn một ai sống sót. Sự chết chóc của con lũ gia tăng do lúc đó nhiều người đang đi lễ ở nhà thờ.

Khi con lũ quét qua, vùng đất vốn nổi tiếng với những nhà thờ đẹp đẽ đã không còn nhà thờ nào, hàng nghìn nhà cửa bị hủy hoại. Hàng nghìn người sống sót sau cơn lũ rơi vào cảnh mất nhà cửa hoặc mất việc làm vì nhiều nhà máy, công xưởng bị cuốn trôi theo cơn lũ.

5 trạm phát điện lớn trong vùng cũng bị hủy hoại khiến cả vùng càng thêm thê lương vì chìm vào cảnh tăm tối. Tin tức cũng không được nhanh chóng truyền ra ngoài vì mạng lưới điện thoại bị hư hại. Khi tin tức được truyền đi, thảm họa Gleno khiến toàn bộ công chúng Italia bị sốc. Vụ vỡ đập này đã có ảnh hưởng lớn đối với việc triển khai thiết kế đập và phân tích rủi ro của Italia.

Những nghiên cứu về sau cho rằng nguyên nhân vỡ đập gây ra bởi nhiều khía cạnh của công tác xây dựng, chủ yếu do tay nghề xây dựng kém. Bê tông trong các cổng vòm có chất lượng kém và đã được gia cố bằng kim loại vụn của lưới chống lựu đạn đã được sử dụng trong thế chiến I.

Cũng có dấu hiệu cho thấy con đập có kết nối kém với móng do sự thay đổi thiết kế từ đập trọng lực sang đập đa vòm. Ngoài ra, người ta tin rằng bê tông không hoàn toàn khô khi hồ được chứa đầy nước.

Theo báo cáo, những người công nhân phàn nàn về kỹ thuật xây dựng đã bị sa thải. Ngày nay, một đài kỷ niệm được dựng ở giữa  con đập và hồ chứa nhỏ hơn nhiều bên trong khu vực hồ chứa cũ. Con đập cho đến nay vẫn không được sửa chữa lại.

-----------

Kỳ 4: Trung Quốc - Thảm họa Bản Kiều

Các tin khác