DẤU ẤN CỐ THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT

Dấu ấn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Một lãnh đạo quyết đoán, cầu thị và đổi mới

(ĐTTCO) - Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23-11-1922 - 23-11-2022), nhiều hoạt động sôi nổi và ý nghĩa đã được tổ chức nhằm tôn vinh những cống hiến to lớn, quan trọng của ông - Bác Sáu Dân đối với Nam bộ thành đồng và sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nhất là những ảnh hưởng tới công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Thủ tướng Võ văn Kiệt chỉ đạo thi công đường dây 500kv Bắc - Nam.
Thủ tướng Võ văn Kiệt chỉ đạo thi công đường dây 500kv Bắc - Nam.

Nhân dịp này, ĐTTC trích đăng một số bài viết của các chuyên gia, những người cùng sát cánh cố thủ tướng, về những dấu ấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong thời kỳ xây dựng đất nước, gắn với những biệt danh, trong đó nổi bật là "Kiến trúc sư" đổi mới.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt có ưu điểm tôi đánh giá rất cao và hết sức quan trọng, ông là người rất nhạy cảm với những vấn đề của thực tiễn đặt ra. Khi đã nghe và được thuyết phục phải làm như vậy mới giải quyết được vấn đề, ông quyết định ngay. Tất cả văn bản trước khi ký, ông đều hỏi chúng tôi, những người trong Tổ Tư vấn kinh tế.

Bám sát thực tiễn

Trong một cuộc họp với Thủ tướng, có người trong Tổ Tư vấn kinh tế đã đề nghị cấm đốt pháo vào dịp Tết Nguyên đán. Tôi thấy ông Kiệt có ghi lại mấy chữ. Sau đó, lệnh cấm đốt pháo được ban hành, sau khi ông tham khảo ý kiến các giới trong xã hội. Hay như vụ xử lý đê điều, khi người ta xây dựng nhà ở chân đê sông Hồng, khiến đê bị mối mọt, dẫn đến vỡ đê. Trong cuộc họp với Tổ Tư vấn, có người nêu ý kiến về chuyện đó. Sau khi tham khảo ý kiến rộng rãi, ông Kiệt yêu cầu tháo dỡ tất cả nhà ở ven đê.

Một thí dụ nữa về sự quyết đoán trong điều hành kinh tế, đó là quyết định của Thủ tướng cho làm đường dây điện 500kV Bắc Nam. Quyết định này cả Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đều đồng ý, nên dù Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Đặng Hữu phản đối quyết liệt, nhưng dự án vẫn được Trung ương nhất trí. Tổng Bí thư Đỗ Mười trước đó từng làm Bộ trưởng, Phó Thủ tướng, rồi Thủ tướng, nên 80% các quyết định về kinh tế đều hỏi ý kiến ông. Biết trước điều đó, ông Kiệt đã gọi tôi lên giao nhiệm vụ sang trình bày với Tổng Bí thư Đỗ Mười, và thuyết phục ông đồng ý. Tôi lại là tư vấn riêng (không chính thức) của Tổng Bí thư Đỗ Mười từ vụ chống lạm phát, nên tư vấn của tôi với ông Đỗ Mười đã được lắng nghe.

Từng có thời điểm, có người phê phán đường lối chỉ đạo kinh tế của ông Võ Văn Kiệt, cho rằng ông đang làm… chệch hướng CNXH. Ông Trần Đức Nguyên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế, giao tôi chuẩn bị bài phản biện lại quan điểm này. Khi ấy tôi đã nêu mấy luận điểm chính. Một là khi đánh giá nền kinh tế có đi đúng CNXH hay không, chúng ta không nên xem tỷ trọng quốc doanh nhiều hay ít, mà phải xem vào tốc độ tăng trưởng và hiệu quả của nền kinh tế thế nào. Nếu như quốc doanh vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhưng tăng trưởng trì trệ, hiệu quả kinh tế thấp, còn lâu mới tiến lên CNXH được. Trong khi đó, thời ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng, tốc độ tăng trưởng cao và hiệu quả nền kinh tế tăng rõ rệt.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, cùng các đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhà khoa học tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23-11-1922 - 23-11-2022). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, cùng các đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhà khoa học tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23-11-1922 - 23-11-2022). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Hai là nếu tính về thành phần kinh tế, lúc Việt Nam chưa đổi mới khu vực quốc doanh chiếm tới 90%, còn kinh tế hộ gia đình (tư nhân) chỉ chiếm 5%. Nếu theo quan điểm của một vài người, lúc đó kinh tế Việt Nam là XHCN, nhưng lại lâm vào khủng hoảng và lạm phát phi mã (có lúc tới 700%). Tôi chỉ nói độ mươi phút, nhưng ông Kiệt lắng nghe rất kỹ. Khi họp Thường vụ Bộ Chính trị bàn về kinh tế, ông Kiệt đã nói một mạch nửa tiếng đồng hồ để chứng minh Việt Nam không đi chệch hướng XHCN.

Cởi mở và hội nhập

Vấn đề hội nhập kinh tế của Việt Nam như thế nào vào thời điểm ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng được bàn thảo rất nhiều. Lúc đó, trong Bộ Chính trị ý kiến phản đối hội nhập rất nhiều và rất mạnh. Ông Kiệt giao nhiệm vụ cho tôi sang trình bày với Tổng Bí thư Đỗ Mười. Sau một buổi ngồi nghe tôi giới thiệu những mặt lợi hại khi hội nhập, ông Đỗ Mười hoàn toàn đồng ý, và bảo bây giờ phải nghĩ cách thuyết phục Bộ Chính trị. Ông giao cho tôi, với tư cách học giả, phát biểu cho Bộ Chính trị nghe.

Trước Bộ Chính trị, tôi đã trình bày: Thứ nhất, tuy các tổ chức quốc tế này do các nước tư bản chủ nghĩa thành lập, nhưng trong tất cả những nguyên tắc của các tổ chức này đều được công bố công khai và không có nguyên tắc nào là phản động, đảm bảo công bằng và lợi ích của dân tộc.

Thứ hai, trên thực tế những tổ chức quốc tế này đã mang lại lợi ích cho tất cả nước tham gia, và chứng minh điều đó không có gì là khó.

Thứ ba, chúng ta không tham gia các tổ chức này sẽ bị cô lập, đứng một mình, như trong thập niên 80.

Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, rồi Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết, mỗi người nói chừng nửa tiếng về quan điểm từ góc độ ngoại giao và thương mại. Thế là Bộ Chính trị quyết định Việt Nam sẽ gia nhập ASEAN, APEC, WTO, và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ. Phải nói rằng, công lao tổ chức của ông Võ Văn Kiệt rất lớn trong chuyện hội nhập.

Ông Võ Văn Kiệt từng đi thăm Singapore, và đánh giá rất cao những thành tựu Singapore đạt được. Theo ông, sở dĩ có điều đó nhờ vào Thủ tướng Lý Quang Diệu. Vì thế, ông Kiệt đích thân mời Bộ trưởng Cố vấn Lý Quang Diệu (chức danh sau khi không còn làm thủ tướng) sang làm cố vấn cho ông, nhưng Bộ Chính trị không đồng ý.

Ông Kiệt chia sẻ với Tổ Tư vấn: “Bây giờ Bộ Chính trị không đồng ý để ông Lý Quang Diệu là cố vấn cho tôi, vậy ông ấy sẽ làm cố vấn cho Tổ Tư vấn các anh”. Sau đó, chúng tôi mỗi tuần nghe ông Lý Quang Diệu chia sẻ 3-4 buổi về các kinh nghiệm quản lý, quản trị đất nước… rồi về trình bày lại cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Cho đến tận bây giờ, tôi thấy nhiều ý kiến ông Lý Quang Diệu nêu ra khi ấy, tức là sau gần 30 năm, vẫn có giá trị. Tất nhiên, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã rất chú trọng những ý kiến, quan điểm đóng góp về xây dựng và phát triển kinh tế ấy.

Tôi lấy đơn cử 3 vấn đề để chứng minh cho nhận định của mình. Thứ nhất, khi làm việc với ông Lý Quang Diệu, chúng tôi có hỏi ông, theo kinh nghiệm ông làm Thủ tướng, lạm phát của nền kinh tế ở mức nào là vừa phải. Ông ấy trả lời xấp xỉ thấp hơn mức tăng trưởng. Điều này đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt áp dụng vào kinh tế Việt Nam, và sau này là Thủ tướng kế nhiệm Phan Văn Khải, cả 2 ông đều duy trì mức độ lạm phát thấp hơn mức tăng trưởng.

Thứ hai, khi chúng tôi hỏi ông Lý Quang Diệu quan niệm như thế nào về đầu tư nước ngoài, ông trả lời Singapore chỉ ưu đãi những doanh nghiệp không phải của châu Á, kể cả Nhật Bản, mà chỉ có Mỹ và châu Âu. Chúng tôi hỏi tại sao, ông đáp có 2 lý do: (1) chỉ Mỹ và châu Âu mới có công nghệ nguồn, (2) các nước châu Á thường không có công nghệ nguồn, khi chuyển giao thường là công nghệ hạng 2, hạng 3, thêm nữa lại mang theo nhiều hoạt động tiêu cực vào. Thứ ba, ông Lý Quang Diệu khẳng định chính sách trọng dụng người tài Singapore là điểm rất quan trọng.

Tất cả điều chúng tôi nghe được trong mấy tuần lễ ông Lý Quang Diệu ở lại Việt Nam, đều được báo cáo lại cho ông Võ Văn Kiệt. Theo tôi, trong 3 điều ông Lý Quang Diệu đã nói, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã áp dụng vào quản lý và điều hành kinh tế đất nước, và đã đạt được những thành tựu, song có lẽ ông Kiệt đã thực hiện rất tốt điều đầu tiên.

Khi làm việc với ông Lý Quang Diệu, tôi có hỏi theo kinh nghiệm ông làm Thủ tướng, lạm phát của nền kinh tế ở mức nào là vừa phải. Ông ấy trả lời xấp xỉ thấp hơn mức tăng trưởng. Điều này đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt áp dụng vào kinh tế Việt Nam, và sau này ông đều duy trì mức độ lạm phát thấp hơn mức tăng trưởng.

Các tin khác