Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi là nhóm OPEC+, sẽ có cuộc họp vào ngày thứ Hai (04/10). Nhóm này đang dần dỡ bỏ việc cắt giảm sản lượng kỷ lục đã thực hiện vào năm ngoái, mặc dù nhiều nguồn tin cho biết họ cũng đang xem xét hành động nhiều hơn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent tiến 1% lên 79.13 USD/thùng, hướng đến tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Hợp đồng dầu WTI cộng 0.9% lên 75.71 USD/thùng và ghi nhận 6 tuần tăng liên tiếp.
“Triển vọng giá trong ngắn hạn vẫn được hỗ trợ”, Stephen Brennock của nhà môi giới dầu PVM nhận định. “Xu hướng giá hiện tại là xu hướng phục hồi”.
Dầu thô cũng nhận được hỗ trợ từ đà suy yếu của đồng USD. Đồng USD suy yếu làm dầu trở nên kém đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác và có xu hướng phản ánh khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư gia tăng.
Dầu Brent đã bứt phá 50% trong năm nay và leo lên đỉnh 3 năm là 80.75 USD/thùng vào ngày 28/9. OPEC+ đang đối mặt với sức ép từ những nhà tiêu dùng như Mỹ và Ấn Độ để sản xuất dầu nhiều hơn nhằm giúp hạ giá dầu.
Jeffrey Halley, Chuyên gia phân tích tại Oanda, cho biết có khả năng cuộc họp của OPEC+ vào ngày 04/10 sẽ gây thất vọng về việc bổ sung thêm nguồn cung, với nguyên nhân một số thành viên không có khả năng tăng sản lượng và sự hấp dẫn của giá dầu cao để thúc đẩy doanh thu.
Dầu cũng đang được hỗ trợ khi giá khí thiên nhiên nhảy vọt trên toàn cầu đã khiến các nhà sản xuất điện năng hướng khỏi khí đốt. Các nhà máy phát điện ở Pakistan, Bangladesh và Trung Đông đã bắt đầu chuyển đổi nhiên liệu.
Naeem Aslam, Chuyên gia phân tích tại Avatrade, nhận định: “Lý do có khả năng nhất làm giá dầu ổn định là các nhà đầu tư tin rằng chênh lệch cung cấp sẽ ngày càng mở rộng khi cuộc khủng hoảng điện năng trở nên tồi tệ hơn”.