Dầu thô vẫn thiếu hụt trong trung hạn

(ĐTTCO) - Tính đến ngày 30-3-2022, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) hợp đồng kỳ hạn tháng 5 trên sàn Nymex giao dịch quanh mức 105USD/thùng, cao hơn khoảng 15% so với những ngày trước khi diễn ra xung đột Nga - Ukraine, và thấp hơn khoảng 17% so với mức đỉnh thiết lập ngày 7-3. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Sự điều chỉnh giảm của giá dầu những ngày cuối tháng 3 do thị trường đón nhận các tín hiệu tích cực từ tiến trình đàm phán Nga - Ukraine dẫn tới kỳ vọng sớm kết thúc cuộc chiến. Tuy nhiên trong trung hạn, sự mất cân bằng cung - cầu trong ngành năng lượng thế giới và lĩnh vực dầu thô vẫn còn duy trì, thậm chí có nguy cơ kéo dài.

Tồn kho thấp nhất trong nhiều năm
Lượng dầu tồn kho của các quốc gia OECD hiện tại khoảng 2,68 tỷ thùng, nếu quy đổi ra số ngày tiêu thụ, chỉ tương đương 27 ngày. Đây là mức tồn kho thấp nhất trong vòng 17 năm trở lại, và giá dầu có xu hướng tương quan nghịch chiều với tỷ lệ tồn kho trên nhu cầu tiêu thụ. Nếu năm 2020, thị trường thế giới đã chứng kiến cú sốc “giá dầu âm” khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vào đúng thời điểm tồn kho dầu đang ở mức cao nhất, nay lại đối mặt với thực trạng giá dầu tăng phi mã trong bối cảnh tồn kho thấp kỷ lục.
Thậm chí điều này có thể gọi là cú sốc tăng giá, bởi trước đó hầu hết nền kinh tế thế giới đã không lường trước được kịch bản xung đột quân sự giữa 2 quốc gia có tiềm lực quân sự đáng kể, đồng thời lại có ảnh hưởng quan trọng tới nguồn cung của nhiều loại hàng hóa toàn cầu.
Đầu tháng 2, trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, cán cân cung - cầu tương đối cân bằng, khi Bộ Năng lượng Mỹ (EIA) đưa ra con số ước tính sản lượng sản xuất dầu thô thế giới trong tháng 3 khoảng 99,93 triệu thùng/ngày, nhu cầu tiêu thụ khoảng 99,51 triệu thùng/ngày, tồn kho các nước OECD khoảng 2,69 tỷ thùng. Với số liệu như vậy, giá dầu WTI được giao dịch trong tháng 2 quanh mức 92USD/thùng, dầu Brent giao dịch quanh mức 95USD/thùng.
Dầu thô vẫn thiếu hụt trong trung hạn ảnh 1
Vùng giá giao dịch này cao hơn khoảng 6% so với mức giá đầu năm và hơn khoảng 38% so với giá trung bình giao dịch năm 2021. Thời điểm đó, giá dầu đã tăng giá liên tục do yếu tố nội tại của bản thân ngành thiếu cân bằng, dẫn tới tồn kho giảm liên tục so với nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, việc tăng giá này nằm trong phạm vi tính toán của các tổ chức kinh tế, bởi các số liệu này được theo dõi và tính toán thường xuyên từ nhiều phía. 
Cho đến khi căng thẳng quân sự leo thang dẫn tới các lệnh cấm vận lần lượt được đưa ra, các nhà giao dịch trên thị trường lập tức loại bỏ nguồn cung xuất khẩu dầu thô của Nga (khoảng 6 triệu thùng/ngày) ra khỏi mô hình định giá. Đối với các nhà giao dịch vào lúc đó, cán cân cung - cầu trở nên thiếu hụt nghiêm trọng, với nguồn cung khoảng 94 triệu thùng/ngày so với nhu cầu tiêu thụ 99,51 triệu thùng/ngày, dù thực tế nguồn cung có thể chưa thiếu hụt ngay đến mức như vậy.
Kết quả, giá dầu WTI vọt lên 128USD/thùng và dầu Brent trên 131USD/thùng chỉ trong vòng 2 tuần. Cho đến cuối tháng 3, giá dầu thô đã điều chỉnh giảm trở lại bởi 2 yếu tố: đàm phán Nga - Ukraine có tín hiệu tích cực và lệnh phong tỏa ở Trung Quốc do dịch bệnh Covid-19.

Cán cân cung - cầu trong thời gian tới?
Nhu cầu tiêu thụ dầu trong ngắn hạn sẽ giảm do vấn đề kiểm soát dịch bệnh ở Trung Quốc. Quốc gia này phong tỏa 2 đợt diễn ra ở thành phố Thượng Hải để thực hiện công tác xét nghiệm và cách ly ngăn chặn sự lây lan của virus. Với việc hạn chế đi lại đối với thành phố có khoảng 26 triệu dân như Thượng Hải, nhu cầu tiêu thụ dầu dự kiến giảm khoảng 300.000 thùng/ngày.
Ngoài ra, thị trường cũng chưa rõ liệu biện pháp phong tỏa có giúp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan tới các thành phố/tỉnh thành khác hay không. Nếu việc phong tỏa tiếp tục lan sang các khu vực khác, nhu cầu tiêu thụ sẽ còn giảm nhiều hơn nữa. Với nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc mỗi năm hơn 10 triệu thùng/ngày, nếu việc phong tỏa diễn ra trên phạm vi toàn quốc trong thời gian khoảng 4 tháng (theo thực tế diễn biến dịch bệnh kéo dài ở các quốc gia khác), nhu cầu có thể giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày.
Dầu thô vẫn thiếu hụt trong trung hạn ảnh 2
Dầu thô vẫn thiếu hụt trong trung hạn ảnh 3
Ngày 31-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố có kế hoạch giải phóng dầu từ kho dự trữ với khối lượng khoảng 1 triệu thùng/ngày, và có thể duy trì điều này trong 6 tháng với tổng lượng giải phóng theo kế hoạch 180 triệu thùng. Kho dầu dự trữ chiến lược này của Mỹ có quy mô sức chứa khoảng 714 triệu thùng dầu, hiện tại đang chứa khoảng 550 triệu thùng.
Tuy 2 yếu tố trên có thể giúp sự thiếu hụt được xoa dịu trong ngắn hạn, nhưng sự thiếu hụt trong trung hạn dự kiến tiếp tục quay trở lại. Theo như diễn biến dịch bệnh ở nhiều quốc gia trước đó, thời gian thường kéo dài 4 tháng, nền kinh tế Trung Quốc sau đó sẽ quay trở lại với nhu cầu như cũ. Và kế hoạch giải phóng dầu tồn kho của Mỹ cũng chỉ duy trì được 6 tháng.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tiếp tục tăng nhờ vào tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm nay. Vừa qua, hàng loạt quốc gia đã có động thái hỗ trợ cho nhu cầu tiêu thụ đối với xăng dầu, khi thực hiện hoãn thuế hoặc giảm thuế do giá năng lượng hiện tại đã tăng quá cao làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Việt Nam cũng đã thông qua giảm thuế môi trường đối với nhiên liệu bao gồm xăng nhằm hỗ trợ người tiêu dùng trong nước.
Trong lúc các công ty dịch vụ dầu khí tại Nga đang ngày càng lệ thuộc vào các công ty dịch vụ dầu khí quốc tế về vấn đề chuyên môn trong việc phục hồi và phát triển trữ lượng dầu, các công ty lớn nước ngoài như Halliburton, Baker Hughes… đều đã tuyên bố ngưng đầu tư và hoạt động tại Nga. Và sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài này lên đến mức 52% ở hiện tại.
Do đó, thị trường tin rằng trong thời gian trung và dài hạn, sản lượng dầu thô của Nga sẽ có sự sụt giảm, thậm chí giảm hơn 4 triệu thùng/ngày. Bởi các mỏ dầu lớn của Nga hầu hết đều đã khai thác từ thời Liên Xô đến nay đã cạn kiệt, trong khi hoạt động tìm kiếm các mỏ mới chưa có phát hiện đáng kể nào, còn hoạt động đẩy mạnh khai thác phải nhờ đến công nghệ kỹ thuật khoan dầu đá phiến của Mỹ.

Các tin khác