Đầu tư công còn nhiều vướng mắc

(ĐTTCO)- Sáng 24-8, Thường trực HĐND TPHCM tổ chức phiên họp giải trình về pháp luật đầu tư công trên địa bàn TPHCM. Tham dự có Ủy viên trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng các sở ngành của TP; chủ trì phiên giải trình Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ.

Toàn cảnh phiên giải trình.
Toàn cảnh phiên giải trình.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ, cho biết qua khảo sát của HĐND TP việc giải ngân đầu tư công có nhiều chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn nhiều vước mắc khó khăn do đó qua phiên giải trình yêu cầu các đại biểu đề xuất giải pháp.
Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP báo cáo với phiên giải trình cho biết, ngân sách đầu tư công giai đoạn 2021-2025 bố trí chỉ đáp ứng 21%. Về hiệu quả, từ khi có luật đầu tư công TP đã phê duyệt cho 1.944 dự án với tổng mức đầu tư 302.839 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2026 có rất ít dự án mới được khởi công mới, có dự án 1.191 dự án chuyển tiếp 67.853 tỷ đồng.
Nhìn chung công tác giải ngân còn chậm, tuy nhiên các dự án triển khai phù hợp với quy hoạch kinh tế xã hội của TP, nhiều dự án phát huy được hiệu quả, như nút giao thông An Sương, giao thông Mỹ Thủy, cảng Cát Lái… Nhiều dự án lĩnh vực y tế, môi trường cũng phát huy tác dụng đáp ứng nhu cầu của người dân. TP sắp tới sẽ xác định những lĩnh vực, dự án trọng điểm để đầu tư chứ không dàn trải do nguồn vốn hạn chế…
Đầu tư công còn nhiều vướng mắc ảnh 1 Trưởng ban KTNS HĐNDTP Lê Trương Hải Hiếu báo cáo kết quả khảo sát.
Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND: Theo báo cáo của Ban Kinh tế Ngân sách TP cho biết, nhìn chung, việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công trên địa bàn Thành phố cho thấy hệ thống các quy định pháp luật về đầu tư công đã cơ bản đảm bảo được các yêu cầu quản lý nhà nước về đầu tư công.
Kế hoạch đầu tư công giai đoạn trung hạn, hàng năm được TP bố trí phù hợp với Luật Đầu tư công và các Nghị định có liên quan; đảm bảo đúng nguyên tắc, định hướng đã được Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua, cụ thể từ năm 2016 đến năm 2019 tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014, từ năm 2020 đến nay tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019. Công tác quản lý điều hành đầu tư công, các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách TP được bố trí Kế hoạch đầu tư công hàng năm đều đảm bảo về mặt chủ trương đầu tư, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng và có đầy đủ các thủ tục theo quy định.
Đặc biệt những nội dung về quy trình quyết định chủ trương đầu tư; lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn; công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công (bao gồm cả việc xây dựng hệ thống thông tin về đầu tư công)… đã từng bước đưa các hoạt động lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, thực hiện triển khai thi công, quyết toán dự án hoàn thành ngày càng chặt chẽ, đi vào nề nếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, nâng cao tính công khai, minh bạch.
Kết quả thực hiện công tác đầu tư công trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến và đạt được những tích cực, trong giai đoạn 2016-2020, UBND TP đã giao 138.472,592 tỷ đồng, đạt 92,3% kế hoạch HĐND TP thông qua là 150.000 tỷ đồng; TP đã thực hiện 1.799 dự án , trong đó có 521 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước, 1.278 dự án khởi công mới; tổng mức giải ngân giai đoạn 2016-2020 là 119.174,433 tỷ đồng, đạt 86,06% kế hoạch.
Trong giai đoạn 2021-2025, TP đã bố trí cho 1.195 dự án với tổng vốn là 75.085,743 tỷ đồng. Đến nay, có tổng số 1.078 dự án của cả 2 giai đoạn trung hạn 2016-2020 và 2021-2025 đã thành đưa vào khai thác sử dụng , góp phần giải quyết những yêu cầu bức thiết về ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, về giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, quốc phòng, an ninh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống của người dân TP.
Công tác bố trí và giải ngân vốn được UBND TP quan tâm chỉ đạo các sở ngành, quận, huyện và các đơn vị có liên quan thực hiện, như: việc rà soát tiến độ thực hiện dự án, điều chuyển vốn từ các dự án không đảm bảo tiến độ sang dự án có nhu cầu và tỷ lệ giải ngân cao góp phần tăng hiệu quả và tránh lãng phí của ngân sách thành phố; bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị thực hiện việc sắp xếp và bố trí vốn cho các dự án theo thứ tự ưu tiên, tách tiểu dự án bồi thường giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để đẩy nhanh tiến độ dự án, triển khai các giải pháp huy động vốn đầu tư nhằm giảm áp lực cho ngân sách TP đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, phát huy hiệu quả đầu tư.
Qua khảo sát, Ban Kinh tế - Ngân sách ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc như, việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công:
Thứ nhất, khó khăn, vướng mắc về việc tạm ngừng, hủy bỏ chương trình dự án: Theo quy định của Luật Đầu tư công (Điều 91 và Khoản 3 Điều 35), cấp quyết định đầu tư chương trình, dự án có thẩm quyền quyết định điều chỉnh, ngừng, hủy bỏ chương trình, dự án nhưng không nêu rõ việc có áp dụng đối với các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa được quyết định đầu tư hay không.
Thứ hai, khó khăn, vướng mắc liên quan lĩnh vực đầu tư công khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM: Theo quy định tại Khoản 7 Điều 17 Luật Đầu tư công năm 2019, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách TPHCM thuộc HĐND quận.
Hiện nay, theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội, chính quyền địa phương ở quận tại TPHCM là UBND quận, không còn HĐND quận. Tuy nhiên, Nghị quyết số 131/2020/QH14 không quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách TP.
Thứ ba, khó khăn, vướng mắc về dự án bồi thường giải phóng mặt bằng được quyết định chủ trương đầu tư độc lập với dự án xây lắp theo Luật đầu tư công năm 2019: Luật Đầu tư công năm 2019 có quy định về trường hợp thật sự cần thiết có thể tách việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Tuy nhiên, việc tách riêng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập mới chỉ áp dụng đối với dự án quan trọng quốc gia (do Quốc hội xem xét, quyết định) và dự án nhóm A (do Thủ tướng Chính phủ hoặc HĐND cấp tỉnh xem xét quyết định).
Vì vậy, TP không thể thực hiện quyết định chủ trương đầu tư các dự án Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng độc lập với các dự án Xây lắp; cũng như đối với các dự án nhóm B và nhóm C cũng không được phép thực hiện việc tách riêng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.
Thứ tư, khó khăn, vướng mắc về kế hoạch đầu tư công trung hạn: Theo quy định tại Điều 60 Luật Đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, bao gồm tổng số vốn và cơ cấu vốn ngân sách nhà nước cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Thực tế tại TP khả năng cân đối được nguồn vốn cao hơn mức vốn mà Quốc hội thông qua và được Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 60 Luật Đầu tư công, TP phải thực hiện theo số kế hoạch mà Thủ tướng Chính phủ giao, không thể chủ động trình HĐND TP bổ sung tổng mức vốn và danh mục các dự án đầu tư công ngoài tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn được trung ương giao, dẫn đến việc sử dụng vốn không hiệu quả, chưa phát huy hết nguồn lực mà TP có khả năng huy động.
Thứ năm, khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công khẩn cấp: Việc xây dựng công trình khẩn cấp (như các công trình Hệ thống khí oxy y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo Lệnh khẩn cấp) vẫn còn thủ tục “Lập báo cáo đề xuất dự án”, phải được cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công hoặc đơn vị có chức năng thẩm định dự án và trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định. Việc này dẫn tới kéo dài thời gian trong bối cảnh các công trình khẩn cấp như trên thông thường được yêu cầu phải thực hiện ngay và hoàn thành xây dựng trong thời gian ngắn. Ngoài ra, hiện nay, theo các quy định trong Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 26/4/2020 không có hướng dẫn về thành phần hồ sơ, nội dung báo cáo đề xuất dự án và nội dung thẩm định dự án đầu tư công trình khẩn cấp mà chỉ có hướng dẫn về lập, thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư.
Thứ sáu, khó khăn, vướng mắc về ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn về đầu tư công: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 84 của Luật Đầu tư công năm 2019 quy định: “Chủ tịch UBND cấp tỉnh được ủy quyền cho cấp phó hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn quyết định đầu tư đối với dự án nhóm B, nhóm C thuộc cấp tỉnh quản lý, trừ dự án quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 35 của luật này”, nhưng pháp luật về đầu tư công chưa có hướng dẫn cá nhân, tổ chức được ủy quyền này có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh, tạm ngừng, hủy bỏ chương trình, dự án đó hay không theo quy định tại Khoản 3 Điều 43 và Khoản 5 Điều 91 Luật Đầu tư công năm 2019 nêu trên.
Thứ bảy, khó khăn, vướng mắc về định mức các chi phí tư vấn: Khoản 2 Điều 82 Luật Đầu tư công quy định: “Bộ, cơ quan trung ương ban hành, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật”. Tuy nhiên đến nay, các cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành các định mức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án không có cấu phần xây dựng; báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của dự án có cấu phần xây dựng. Việc chưa ban hành các định mức nêu trên dẫn đến khó khăn trong việc xác định dự toán chuẩn bị đầu tư.
Thứ tám, khó khăn, vướng mắc về khái niệm “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi”: Hiện nay, vẫn còn sự khác biệt về khái niệm “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi” giữa Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng. Việc không thống nhất về khái niệm “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi” giữa Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng có thể dẫn đến việc nhầm lẫn, khó khăn trong thực tiễn áp dụng.
Ngoài ra, nguồn vốn bố trí cho các dự án đầu tư công của TP nhìn chung còn hạn chế so với nhu cầu do vướng mắc liên quan đến trần Kế hoạch đầu tư công trung hạn, mặc dù TP có thể chủ động tiết kiệm chi và cân đối để ưu tiên chi cho đầu tư công. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư còn chậm do thủ tục phức tạp, thời gian thẩm định phê duyệt theo quy định mất nhiều thời gian dẫn đến giá bồi thường công bố đã lạc hậu so với thị trường, chưa nhận được sự đồng thuận của người dân.
Vẫn còn nhiều dự án đầu tư công trên địa bàn TP đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai thực hiện, cần phải điều chỉnh tăng quy mô, tăng tổng mức đầu tư, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án… nhưng chậm trình cơ quan thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Công tác phối hợp trong giải ngân đầu tư công và triển khai thực hiện dự án còn hạn chế, đặc biệt là đối với các dự án lớn phức tạp và các dự án cần tổ chức giải phóng mặt bằng với diện tích lớn, tác động đến nhiều người dân. Việc giải ngân vốn hàng năm mặc dù có cải thiện sau từng năm nhưng còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số chủ đầu tư chưa quan tâm, đẩy nhanh công tác quyết toán dự án hoàn thành.
Một số dự án thực hiện điều chỉnh nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện; việc thực hiện giám sát, đánh giá điều chỉnh dự án còn hạn chế, chưa cập nhật kịp thời các quy định về quản lý đầu tư công, làm kéo dài thời gian trình, thẩm định và phê duyệt dự án. Các dự án sử dụng vốn ODA chậm tiến độ do phức tạp trong yếu tố kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý dự án và quy trình và thủ tục quản lý và sử dụng ODA của Chính phủ và nhà tài trợ chưa hài hòa, còn tồn tại những sự khác biệt. Một số dự án PPP đang thực hiện còn dở dang, chưa được xử lý dứt điểm các vướng mắc để dự án hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng.
- Còn bị động trong công tác huy động các nguồn lực khác và sự tham gia của các thành phần kinh tế (thông qua hình thức hợp tác công tư) để bổ sung, hỗ trợ cho cho đầu tư công; việc tổ chức sắp xếp đấu giá tài sản công còn chậm, việc đánh giá và thu tiền sử dụng đất còn chưa kịp thời; công tác cổ phần hóa doanh nghiệp chưa thể triển khai do thiếu các quy định có liên quan về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa.

Các tin khác