Đầu tư nhà máy điện hạt nhân ở mức an toàn nhất

(ĐTTCO) - Đây là quan điểm được các đại biểu (ĐB) Quốc hội nêu tại phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng sáng 17-2 về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án Nhà máy Điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận.

ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông). Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông). Ảnh: QUANG PHÚC

Đại diện địa phương đặt dự án, ĐB Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhận định, việc khởi động lại Nhà máy ĐHN Ninh Thuận là cơ hội của tỉnh để trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước.

Theo ĐB, từ khi có Nghị quyết 41 của Quốc hội về đầu tư 2 nhà máy ĐHN, hơn 15 năm qua, nhân dân vùng lõi dự án với gần 1.300 hộ cần di dời (tỉnh vẫn đang rà soát để có con số chính xác nhất) luôn sẵn sàng tâm thế triển khai thực hiện dự án.

ĐB Trần Quốc Nam (Ninh Thuận). Ảnh: QUANG PHÚC

“Nhân dân tỉnh Ninh Thuận sẵn sàng bàn giao nhà, đất để thực hiện dự án, chỉ có nguyện vọng là nơi ở mới của bà con phải tốt hơn cũ, đời sống của bà con phải thật ổn định, ấm no, hạnh phúc”, ĐB phát biểu.

Ông Trần Quốc Nam cho biết, Chính phủ giao tỉnh Ninh Thuận trong năm 2025 phải thực hiện xong giải phóng mặt bằng, di dời và tái định cư cho người dân vùng dự án, tức là chỉ còn khoảng 10 tháng nữa để thực hiện việc này.

“Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành nhiều công việc với tinh thần xuyên suốt là việc gì làm được thì làm ngay, không chờ đợi. Các công việc của tỉnh, chủ đầu tư, bộ, ngành được triển khai với tinh thần quyết tâm, quyết liệt để tới chậm nhất ngày 31-12-2031 vận hành nhà máy số 1", ông nói.

Bên cạnh 7 chính sách đặc thù mà Chính phủ đã đề nghị, ĐB Trần Quốc Nam cho hay, tỉnh đề xuất được bổ sung thêm 5 chính sách, cơ chế liên quan giải phóng mặt bằng, di dời bồi thường và hỗ trợ người dân vùng dự án.

Tán thành sự cần thiết ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng nhà dự án ĐHN Ninh Thuận như đề xuất của Chính phủ, ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhận xét, nhiều quốc gia đang xem xét hoặc bắt đầu triển khai năng lượng hạt nhân như một nguồn năng lượng mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải carbon.

Sự phát triển đồng loạt trên toàn cầu không chỉ minh chứng cho tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân trong việc giảm phát thải mà còn khẳng định vai trò trong an ninh năng lượng và phát triển kinh tế bền vững.

ĐB Quốc hội tham dự phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Tuy nhiên, ĐB bày tỏ thận trọng: “Bên cạnh những lợi ích tiềm năng và các mặt tích cực, dự án còn phải đối mặt nhiều rủi ro, thách thức cần được xem xét cẩn trọng, cụ thể như về tài chính, công nghệ và an toàn, môi trường và xã hội, địa chính trị. Để dự án thực hiện được thành công, tôi đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, toàn diện các rủi ro, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, có chính sách quản lý và giải pháp trước mắt lẫn lâu dài bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả và bền vững”.

Chính phủ cam kết có các giải pháp, chủ động đàm phán với các đối tác để đảm bảo xây dựng các dự án điện hạt nhân ở mức độ an toàn nhất, có lợi nhất cho phía Việt Nam để giảm thiểu tối đa các rủi ro đối với dự án.

Nhiều ý kiến tại phiên họp có chung nhận định, đây là lĩnh vực có công nghệ chuyên sâu, đặc thù, phức tạp, “trong khi phải nhìn nhận thực tế là trình độ nước ta có thể nói chỉ ở mức cơ bản trong lĩnh vực này và nhiều lĩnh vực phụ trợ có liên quan”. Trong khi đó, dự thảo nghị quyết chưa có cơ chế, chính sách đặc thù đối với vấn đề như đào tạo, đãi ngộ, thu hút nhân lực. ĐB đề nghị Chính phủ quan tâm, có phương án, giải pháp ứng phó trong các tình huống không mong muốn và có kế hoạch cụ thể, khả thi cho việc đào tạo nguồn nhân lực của dự án.

Trước đó, nội dung này đã được thảo luận tại tổ vào ngày 14-2 với 44 lượt ý kiến phát biểu. Gửi báo cáo tiếp thu, giải trình đến ĐB, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ: “Chính phủ cam kết có các giải pháp, chủ động đàm phán với các đối tác để đảm bảo xây dựng các dự án ĐHN ở mức độ an toàn nhất, có lợi nhất cho phía Việt Nam để giảm thiểu tối đa các rủi ro đối với dự án”.

Các tin khác