Đầu tư phát triển Củ Chi thành đô thị xanh

(ĐTTCO)-Với lợi thế là vùng đất cao, quỹ đất còn khá nhiều so với các quận huyện khác của TPHCM, Củ Chi cần được quy hoạch, đầu tư xứng tầm để trở thành “Đô thị xanh”, “vành đai xanh” của TPHCM. Ngoài ra, Củ Chi cũng cần có chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư tạo sự bứt phá trong thời gian tới. 

Một góc thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi
Một góc thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi
Đó là ý kiến của nhiều nhà quản lý, chuyên gia phát biểu tại Hội thảo khoa học Định hướng, tiềm năng phát triển và cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn Củ Chi do UBND huyện Củ Chi phối hợp cùng Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức sáng nay 19-2. Đến dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, lãnh đạo các sở ngành Thành phố, các nhà quản lý, chuyên gia…
Xây dựng Thành phố trong Thành phố
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Củ Chi cho biết, Củ Chi là một huyện ngoại thành, có tổng diện tích 43.477,18 ha (bằng 20,74% diện tích toàn TPHCM) và dân số thời điểm ngày 31-12-2021 là 527.206 người; nằm về phía Tây Bắc của TPHCM.
Là vùng chuyển tiếp giữa vùng Đông Nam Bộ và vùng Tây Nam Bộ, huyện Củ Chi giữ vai trò trung tâm, kết nối phát triển một vùng rộng lớn khi tiếp giáp huyện Hóc Môn của TPHCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An. Trong những năm qua, kinh tế - xã hội huyện Củ Chi phát triển khá cao khi tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong nhiệm kỳ 2015-2020 đạt 16,16%; các lĩnh vực văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện, kinh tế - xã hội của huyện Củ Chi trong thời gian qua phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và những dư địa phát triển. Thời gian tới cần đánh thức, vươn lên mạnh mẽ, cần có chính sách để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, thu hút những tinh hoa đến với Củ Chi nhằm xây dựng một đô thị phát triển bền vững.
Hội thảo nhằm mục đích lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, chuyên gia… để huyện có những cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển trong thời gian tới. Ông Thắng cho biết thêm, hiện huyện đang có 9 dự án đang thu hút đầu tư với quy mô gần 6.000ha.
Đầu tư phát triển Củ Chi thành đô thị xanh ảnh 1 Đồng chí Nguyễn Thị Lệ (trái) Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP trao đổi cùng các đại biểu.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lệ cho biết, thời gian qua mức tăng trưởng của Củ Chi đạt trên 16%/năm là rất ấn tượng, ngoài ra huyện còn đạt nhiều kết quả ở nhiều mặt như phát triển kinh tế- xã hội, chăm lo cho đời sống gia đình chính sách… Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện, kinh tế - xã hội của huyện Củ Chi trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và những dư địa phát triển.
Một số hạn chế của tình hình phát triển kinh tế - xã hội, như quy hoạch tổng thể phát triển huyện chưa xác định rõ định hướng, tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, chưa bám sát tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của huyện. Bên cạnh đó, việc chậm tiến độ trong thực hiện các dự án giao thông; một số dự án lớn quy hoạch trên địa bàn, một số đồ án quy hoạch không còn phù hợp cũng đã ảnh hưởng đến khai thác nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội và quyền, lợi ích chính đáng của người dân...
Trong những năm qua, với xu thế phát triển chung, Củ Chi cũng đã, đang là một huyện có tốc độ đô thị hóa và tăng dân số cơ học nhanh, nhiều tiêu chí về kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng phát triển theo hướng đô thị đã dần đạt theo các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc TPHCM. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2022 – 2030 huyện Củ Chi cần quyết tâm xây dựng huyện thành thành phố trực thuộc TPHCM.
Bà Nguyễn Thị Lệ,
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM
Kinh tế huyện mặc dù đạt mức tăng trưởng đề ra, chuyển dịch cơ cấu đúng định hướng nhưng chất lượng chưa cao, thiếu bền vững, chưa phát huy đúng mức tiềm năng, lợi thế của huyện: Còn nhiều diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang hóa, chưa được khai thác đúng mức; đa phần sản xuất nhỏ, mô hình hiệu quả chưa nhiều; thiếu chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chất lượng kinh tế hợp tác chưa cao, số Hợp tác xã hoạt động hiệu quả còn ít. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đa số quy mô sản xuất nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp. Dịch vụ chủ yếu là kinh doanh mua bán, các dịch vụ du lịch chưa phát triển, hạ tầng du lịch chưa được đầu tư đúng mức, chưa phát triển được du lịch truyền thống gắn với các làng nghề, du lịch sinh thái.
Chính vì vậy Củ Chi cần nghiên cứu, xác định định hướng, mô hình phát triển một cách nghiêm túc, trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế, cơ hội của huyện, tránh chạy theo mô hình của các huyện khác.
Để đạt được mục tiêu để ra, đòi hỏi chính quyền phải nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực gắn với nâng cao trình độ, năng lực, kinh nghiệm, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến.
Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, thành ủy viên, Giám đốc Học viện cán bộ TP, từ thực tế này đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền huyện Củ Chi và các cơ quan, tổ chức hữu quan cần nghiên cứu một cách khách quan, toàn diện để xác định đúng những tiềm năng, lợi thế, cơ hội, thách thức trong phát triển của huyện, từ đó, xác định định hướng, giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế và tận dụng cơ hội để phát triển bền vững huyện Củ Chi trong bối cảnh phát triển mới.
Với vị trí thành phố Củ Chi là trung tâm, hạt nhân giữa TPHCM - Long An - Bình Dương - Tây Ninh (nối qua Campuchia và Thái Lan), quy hoạch không gian dựa trên các trục đường bộ cao tốc hiện đại và đường thủy như trục quốc lộ 22 - Xuyên Á và cao tốc TPHCM - Mộc Bài - Tây Ninh – Campuchia Củ Chi có nhiều lợi thế để phát triển trong thời gian tới.
Xây dựng “đô thị xanh” của thành phố
Nhanh chóng triển khai cao tốc An Sương đi Mộc Bài, đường Vành đai 3 sớm kết nối Củ Chi, Hóc Môn với phía Đông TPHCM và tỉnh Đồng Nai, tháo gỡ nút thắt lớn nhất của Củ Chi là giao thông, khi các tuyến đường tại Củ Chi phần lớn là đường nhỏ. Đồng thời quan tâm phát triển đường ven sông Đồng Nai từ TPHCM lên Củ Chi, Tây Ninh, vừa giảm thời gian lưu thông, vừa tạo cảnh quan phát triển du lịch sinh thái. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án quy hoạch trên địa bàn huyện, đặc biệt là khu đô thị Tây Bắc Thành phố…
Ông Võ Văn Hoan,
Phó Chủ tịch UBND TPHCM 
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng quản lý Quy hoạch chung- Sở QHKT cho biết, theo quy hoạch hiện hữu, huyện Củ Chi định hướng phát triển những khu vực chức năng như Khu đô thị Tây Bắc là khu đô thị hiện đại, sinh thái, phát triển đồng bộ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; là trung tâm cấp thành phố về phía Tây – Bắc với các chức năng trung tâm dịch vụ, thương mại, y tế, văn hóa giáo dục đào tạo, thể dục thể thao và nghỉ dưỡng vui chơi giải trí.
Là địa bàn có định hướng quy hoạch phát triển các khu công nghiệp: Khu công nghiệp Tân Phú Trung, Khu Công nghiệp Tây Bắc, Khu công nghiệp Đông Nam, Khu công nghiệp cơ khí ô tô… và các khu sản xuất nông nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao. Khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn phía Tây sông Sài Gòn: phát triển khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn có sắc thái riêng, tôn tạo, gìn giữ các giá trị truyền thống lành nghề, phong tục tập quán, đời sống văn hóa kết hợp khai thác du lịch hiện đại, kinh tế nhà vườn.
Đầu tư phát triển Củ Chi thành đô thị xanh ảnh 2 Quang cảnh hội thảo.
Gửi tham luận tới hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, cho rằng Củ Chi phải được xác định đầu tư phát triển thành “đô thị xanh”, “đô thị sinh thái”.
Ông Hoan cũng đề xuất một loạt giải pháp. Theo đó, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM, cũng như quy hoạch sử dụng đất huyện Củ Chi cần nhất quán vai trò và sự phát triển của vành đai xanh. Cho phép một kết nối chặt chẽ hơn giữa các khu vực nông thôn, đô thị và ngoại thành, duy trì sự ổn định của các làng nghề hiện có và phát triển du lịch sinh thái tại địa đạo Củ Chi, đền Bến Dược… Trong dài hạn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần tăng quỹ đất phục vụ mảng xanh.
Việc xây dựng, phát triển khu dân cư trên địa bàn Củ Chi phải quan tâm kế thừa các yếu tố kiến trúc truyền thống, đặc biệt chú trọng đến bố trí sân, vườn, cảnh quan, đảm bảo chất lượng môi trường ở. Cải tạo vườn tạp trong các lô đất của hộ gia đình, đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, đồng thời tạo môi trường sinh thái khu vực. Giữ gìn và khôi phục không gian mặt nước, bao gồm hệ thống sông, ao hồ, đầm nước, cân bằng môi trường sinh thái, tăng cường khả năng tiêu thoát nước đô thị, phát huy giao thông thủy và hoạt động du lịch, vui chơi giải trí. 
Để Củ Chi có sự bứt phá về phát triển trong thời gian tới, tại hội thảo nhiều chuyên gia cũng đề xuất TP cần có cơ chế để thu hút các nhà đầu tư lớn; cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, chính sách thu hút nhân tài… để có thể “những tinh hoa nhất đến với Củ Chi” như mong ước của Bí thư huyện ủy Nguyễn Quyết Thắng.

Các tin khác