Nhóm các nhà sản xuất, được gọi là OPEC+, đã khẳng định lại quyết định trước đó về mức sản lượng tại cuộc họp vào ngày thứ Năm, và cho biết sẽ nâng sản lượng chung mỗi tháng lên 400,000 thùng/ngày trong tháng 12/2021.
“Quyết định giữ ổn định kế hoạch sản lượng trước đó là không ngạc nhiên đối với thị trường”, Andy Brogan, Nhà lãnh đạo dầu khí toàn cầu tại mạng lưới dịch vụ chuyên nghiệp EY, nhận định. “Chiến lược của nhóm, khi nhu cầu đã phục hồi sau đại dịch, đã khá thành công và không có lý do thuyết phục nào để họ thay đổi hướng đi”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu WTI lùi 2.05 USD (tương đương 2.5%) xuống 78.81 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 07/10/2021.
Hợp đồng dầu Brent mất 1.45 USD (tương đương 1.8%) còn 80.54 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 01/10/2021.
Anas Alhajji, một chuyên gia năng lượng độc lập, cho biết: “Có ít nhất 12 lý do khiến OPEC+ quyết định duy trì kế hoạch của mình bất chấp áp lực từ Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản”.
Tại cuộc họp vào đầu tháng 10, OPEC+ đã giữ nguyên thỏa thuận đạt được hồi tháng 7 là nâng dần sản lượng dầu mỗi tháng thêm 400,000 thùng/ngày kể từ tháng 8/2021. Mục tiêu của thỏa thuận là cuối cùng bù đắp dần số sản lượng bị cắt giảm từ năm ngoái để đối phó với đại dịch. Quyết định của tháng 10 bao gồm mức tăng 400,000 thùng/ngày trong tháng 11.
Tuy nhiên, đà leo dốc của giá dầu có thể bị kìm hãm bởi viễn cảnh Mỹ và các quốc gia tiêu thụ khác có thể giải phóng nguồn dự trữ dầu chiến lược, các chuyên gia phân tích cho biết.
Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào ngày 03/11, Dự trữ Dầu Chiến lược (SPR) của Mỹ đang ở mức 612.5 triệu thùng dầu thô, trong khi Trung Quốc có kho dự trữ dầu thô lớn thứ 2, cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc nằm trong top 4.