GS Đào Nguyên Cát, Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam đánh giá, Việt Nam nhận thức khá sớm về cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và Việt Nam là quốc gia có lượng tìm kiếm về CMCN 4.0 nhiều nhất. Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần khẳng định Việt Nam sẽ bắt kịp trên chuyến tàu 4.0, là cơ hội để Việt Nam nắm lấy và thay đổi vận mệnh của mình.
Ngành tài chính – ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển. Việc Chính phủ đẩy mạnh việc vận hành Chính phủ điện tử, Chính phủ không giấy tờ, ứng dụng công nghệ số trong các dịch vụ công… cho thấy, giải pháp công nghệ đã sẵn sàng để thúc đẩy thanh toán điện tử/thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo một nghiên cứu gần đây, Đông Nam Á là khu vực năng động, với quy mô kinh tế số năm 2019 khoảng 100 tỷ USD và 5 năm tới sẽ tăng 3 lần. “Việt Nam đang ở đâu?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi và cho rằng, nếu chúng ta mạnh dạn tiến thẳng lên một bước chuyển đổi công nghệ thẻ chip thì sẽ không bị lỡ nhịp bởi “giờ phút này chúng ta đã bị chậm”. Làm việc này không chỉ là cơ quan nhà nước mà cần có sự cộng đồng trách nhiệm của doanh nghiệp với đất nước, bởi sự thay đổi này sẽ kéo theo thay đổi hạ tầng, gây tốn kém cho doanh nghiệp.
Cũng theo Phó Thủ tướng, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý xã hội và bộ máy nhà nước hoạt động minh bạch, hiệu quả nhưng điều quan trọng hơn là huy động người dân tham gia vào quản lý xã hội nhiều hơn. Thanh toán điện tử dùng công nghệ chip hay không suy cho cùng cũng là để người dân tham gia vào lĩnh vực ngân hàng.
“Người Việt Nam có câu “đồng tiền đi liền với ruột”, do vậy, vấn đề an toàn, an ninh trong thanh toán với dân là điều thiết thực nhất. Vì thế, để đẩy mạnh thanh toán điện tử, tận dụng thời cơ kinh tế số, chúng ta cần gắn với an toàn, an ninh và phải làm sao cho mọi người dân thấy lợi ích tham gia”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0, tạo ra tác động kép, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng - tài chính.
Ngân hàng Nhà nước định hướng xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số...
Cũng theo ông Nguyễn Kim Anh, thẻ ngân hàng đang trở thành phương tiện thanh toán phổ biến và được các ngân hàng chú trọng phát triển. Sau 9 tháng đầu năm 2019, giá trị thanh toán qua POS tăng 36,5% so với cùng kỳ; số lượng thẻ đạt 96,4 triệu chiếc; hơn 19.000 cây ATM… Đây là những cơ sở để thúc đẩy thanh toán điện tử mobile banking, internet banking.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang thẻ chip cũng đang là nội dung mới, còn khó khăn thách thức đặt ra. Vì vậy, EPF 2019 là cơ hội để các bên trao đổi kinh nghiệm của các nước trên thế giới và khu vực về phòng, chống tội phạm công nghệ cao; sự phối hợp của các ngân hàng trong thúc đẩy chuyển đổi thẻ, bảo mật thông tin; vai trò của thẻ ngân hàng trong thanh toán điện tử…