Đẩy nhanh phát triển giao thông thủy

(ĐTTCO) Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành 2 quyết định quan trọng đối với phát triển đường thủy nội địa (ĐTNĐ), gồm: Quyết định số 21/2022/QĐ-TTg về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải ĐTNĐ, có hiệu lực từ ngày 25-12-2022; Quyết định số 1269/QĐ-TTg ban hành kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện Quy hoạch kết cấu hạ tầng ĐTNĐ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đẩy nhanh phát triển giao thông thủy

Qua đó đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ trong việc đẩy nhanh phát triển ĐTNĐ.

Chỉ mới khai thác một phần

Khi xuất bến Bạch Đằng (quận 1, TPHCM) lúc 17 giờ 10 ngày 28-12-2022, chiếc tàu buýt sông mang ký hiệu SG-8155 chở theo khoảng 50 hành khách. Phần lớn hành khách là người nước ngoài. Theo đơn vị quản lý các tuyến tàu buýt đường thủy, từ khi đưa vào khai thác vào cuối năm 2017 đến nay, 85% lượng khách đi buýt sông là người nước ngoài, còn lại là khách nội địa có nhu cầu tham quan du lịch ngắm cảnh, rất ít hành khách đi buýt sông vì nhu cầu đi lại thuần túy. Nói cách khác, giao thông đường thủy ở TPHCM chỉ mới được khai thác một phần phục vụ cho du lịch, còn việc phục vụ lưu thông, san sẻ gánh nặng quá tải cho giao thông đường bộ vẫn chưa thành hiện thực, mặc dù tiềm năng sông nước trên địa bàn thành phố rất lớn.

Theo Sở GTVT TPHCM, hệ thống đường thủy trên địa bàn thành phố có tổng chiều dài 975km, đạt mật độ bình quân 0,181km/1.000 dân và 0,465km/km2. Tính ra, TPHCM có mật độ đường thủy đạt 73% so với ĐBSCL, khu vực vốn dĩ có mật độ đường thủy cao nhất nước. Địa bàn TPHCM đang có gần 100 tuyến ĐTNĐ địa phương với chiều dài 598,7km và 5 tuyến ĐTNĐ quốc gia với chiều dài hơn 100km.

Về luồng tuyến, hiện có các tuyến liên tỉnh, các tuyến nối tắt hoặc liên kết nội thành với khu cảng biển mới và các tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch. Đối với các tuyến liên tỉnh, từ TPHCM có nhiều luồng tuyến tỏa đi các tỉnh miền Tây Nam bộ và miền Đông Nam bộ. Chẳng hạn như từ TPHCM đi Cà Mau, Hà Tiên sẽ theo kênh Tẻ - kênh Đôi - rạch Ông Lớn - kênh Cây Khô - rạch Bà Lào - sông Cần Giuộc - kênh Nước Mặn - sông Vàm Cỏ - kênh Chợ Gạo, Cà Mau - kênh Vấp Vò, Sa Đéc - sông Hậu Giang - rạch Sỏi - kênh Rạch Giá, Hà Tiên - kênh Ba Hòn - thị trấn Kiên Lương, cự ly dài khoảng 320km theo tiêu chuẩn sông cấp III. Ở hướng Đông, từ TPHCM có thể tỏa đi Biên Hòa hoặc Bình Dương theo các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai…

Các tuyến ĐTNĐ trên địa bàn thành phố cùng với các tuyến ĐTNĐ quốc gia, tuyến hàng hải và hàng trăm cảng biển, cảng sông lớn nhỏ đã và đang tạo thành một mạng lưới giao thông vận tải đường thủy kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nối kết giao thương vận tải và kinh tế quốc tế.

Vẫn ở dạng tiềm năng

Mặc dù điều kiện sông nước tự nhiên có nhiều thuận lợi, thế nhưng cho đến nay, giao thông vận tải đường thủy tại TPHCM vẫn chưa phát triển tương xứng. Một trong những lý do là tình trạng vướng tĩnh không thấp của các cầu vượt sông. Theo thống kê từ Sở GTVT TPHCM, trong các tuyến ĐTNĐ địa phương và 5 tuyến ĐTNĐ quốc gia, có tổng cộng 218 cây cầu; trong đó 102 cầu trên 66 tuyến không đảm bảo tĩnh không, khẩu độ theo quy hoạch phát triển ĐTNĐ cần có. Khó khăn tiếp theo là việc đầu tư các công trình, như: xây dựng hệ thống kè chống sạt lở, chỉnh trang, nạo vét chưa được quan tâm thích đáng, chi phí để thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng còn hạn chế; tỷ trọng đầu tư cho ĐTNĐ so với đầu tư cho toàn ngành giao thông vận tải chưa cao.

Các con số thống kê đã cho thấy, sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường thủy trong năm 2019 chiếm gần 40% so với vận tải bằng đường bộ, thế nhưng tỷ trọng đầu tư cho đường thủy tính trong 5 năm gần đây lại chỉ bằng 5,4% so với đầu tư cho việc xây dựng mạng lưới giao thông đường bộ. Trong 5 năm qua, tổng vốn đã và đang đầu tư cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy khoảng 1.488 tỷ đồng, trong khi con số đó dành cho đầu tư mạng lưới giao thông đường bộ là 27.272 tỷ đồng.

Ngoài ra, những khó khăn khác cho phát triển giao thông ĐTNĐ là: chưa có quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố; chưa có cơ chế khai thác, phát triển kinh tế ven sông kênh rạch phục vụ du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí, tham quan thắng cảnh trên sông và dọc sông… Thường xuyên xuôi ngược trên sông Sài Gòn đi về giữa Cần Đước (Long An) và huyện Hóc Môn (TPHCM), chủ phương tiện giao thông thủy mang ký hiệu LA-04832 cho biết, vẫn hay gặp khó khăn khi cần tìm nơi lưu đậu giữa hành trình. Còn theo chủ phương tiện giao thông thủy mang mã số LA-04424 (vốn hay qua lại trên tuyến sông Rạch Rơi, huyện Nhà Bè, TPHCM), một khi TPHCM có mạng lưới rộng khắp các điểm cho tàu thuyền lưu đậu, lúc đó tự nhiên giao thông thủy cũng sẽ có bước phát triển.

Một vấn đề khác là cho đến nay, giao thông đường thủy bằng phương tiện cá nhân vẫn còn là “khoảng trắng”, chưa được khai phá, mặc dù việc phát triển phương tiện giao thông cá nhân bằng đường thủy có những mặt tích cực, như san sẻ áp lực quá tải giao thông trên đường bộ.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường vừa chỉ đạo khẩn Sở KH-ĐT, Sở GTVT và các sở, ban ngành liên quan tham mưu nghiên cứu nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 theo đề nghị của Bộ GTVT. Cầu Bình Triệu 1 được xây dựng trước năm 1975, sửa chữa năm 2010 và đang được UBND TPHCM bố trí vốn cho công tác nghiên cứu, lập dự án đầu tư nâng cấp. Tĩnh không thực tế hiện nay của cầu Bình Triệu 1 chỉ 5,5m, trong khi theo quy hoạch, tĩnh không cần đạt để có thể tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải đi qua thuận tiện là từ 7m-9,5m. Tĩnh không cầu Bình Triệu 1 thấp đã gây ra khó khăn rất lớn trong vận chuyển hành khách cũng như hàng hóa bằng ĐTNĐ trên tuyến ĐTNĐ ở đây.

Bộ GTVT đánh giá, hiện nay, sông Sài Gòn là tuyến vận tải ĐTNĐ quan trọng trong mạng lưới giao thông thủy tại khu vực Đông Nam bộ, phục vụ vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương… đến các cảng biển khu vực TPHCM và cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM: Chưa thể triển khai giao thông thủy bằng phương tiện cá nhân

Hiện chưa phải là thời điểm để triển khai thực hiện giao thông đường thủy bằng phương tiện cá nhân trên địa bàn thành phố; lý do là vẫn còn thiếu những điều kiện cần và đủ. Những cái thiếu đó là cơ chế pháp lý, phương thức quản lý, cơ sở vật chất. Trong đó, về cơ sở vật chất thì thiếu bến bãi lưu đậu cho phương tiện giao thông thủy cá nhân; quỹ đất dùng để đầu tư cho dịch vụ hậu cần kỹ thuật còn chưa nhiều; hành lang ven bờ sông tại nhiều nơi còn riêng lẻ, phân đoạn, chưa được kết nối thông suốt…

Ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông TPHCM: Giá vận tải thấp, chia sẻ áp lực cho giao thông đường bộ

Tiềm năng khai thác giao thông vận tải ĐTNĐ trên mạng lưới sông, kênh rạch của thành phố không những rất lớn mà một khi giao thông vận tải ĐTNĐ được khai thác tốt, sẽ góp phần hạ giá thành vận chuyển, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa nội địa nhờ chi phí vận tải thấp hơn đường bộ và đường hàng không. Giới chuyên môn nhận định, chi phí vận tải bằng đường bộ thường cao hơn 10%-60% so với vận chuyển bằng đường thủy. Ngoài ra, giao thông vận tải theo ĐTNĐ còn có nhiều lợi thế khác như có thể vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn, hàng hóa siêu trường, siêu trọng, ít gây ô nhiễm môi trường, chia sẻ áp lực cho giao thông đường bộ...

Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống ĐTNĐ của TPHCM kết nối thuận lợi theo cả bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, tỏa đến các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt các tỉnh ĐBSCL, cũng như kết nối giao thương quốc tế thông qua hệ thống cảng biển. Tuyến sông Sài Gòn nằm tại trung tâm thành phố, thuận lợi trong việc vận chuyển hành khách, khách du lịch đường thủy. Khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội có khả năng tiếp nhận các tàu khách quốc tế lớn, tạo thuận lợi cho vận tải hành khách quốc tế và nội địa. Có nhiều điểm tham quan du lịch gắn với đường thủy, như các điểm nổi tiếng ở khu trung tâm thành phố: Bến Nhà Rồng, chợ Bến Thành, Hội trường Thống Nhất…

Các tin khác