Sạt lở gia tăng từng ngày
ĐBSCL đang đối diện với cảnh sạt lở tràn lan từ sông Hậu, sông Tiền đến các tuyến đê ven biển. Hàng chục ngàn người dân đang cần di dời khẩn cấp khỏi “miệng hà bá”. Vụ sạt lở quốc lộ 91 (đoạn xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) làm lãnh đạo tỉnh An Giang đau đầu, buộc phải ngừng thi công trong lúc đang khắc phục sự cố sạt lở do hệ thống kè bằng bao cát đã trôi xuống sông. Đây là điều mà một số chuyên gia đã cảnh báo trước đó.
Cần Thơ cũng gặp vấn đề tương tự khi có một đoạn sạt lở kéo dài 60m, ăn sâu vào 5m, làm 11 nhà dân bị sạt một phần xuống sông. Đó cũng là nơi đang thi công kè chống sạt lở sông Ô Môn. “Sạt lở ở ĐBSCL không còn tuân theo quy luật thiên nhiên do bị mất cân bằng tự nhiên. Các đập thủy điện trên dòng Mê Công chắn lại làm thiếu phù sa, do khai thác cát quá tải...”, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, chỉ ra.
Xử lý bao cát chống sạt lở ở An Giang không hiệu quả.
Theo các chuyên gia, từ năm 2010 tới nay, sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp và có mức độ gia tăng nghiêm trọng về phạm vi, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng vùng ven biển, làm suy thoái rừng ngập mặn ven biển. Trung bình hàng năm, sạt lở đã cuốn mất khoảng 300ha đất, rừng ngập mặn ven biển.
Theo số liệu thống kê, hiện ĐBSCL có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834km. Trong đó, sạt lở bờ sông là 512 điểm với tổng chiều dài khoảng 566km (chủ yếu dọc các sông Tiền, Hậu, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh rạch); sạt lở bờ biển với 52 điểm, tổng chiều dài 268km.
Trong số các điểm sạt lở nêu trên, theo tiêu chí về phân loại sạt lở bờ sông, bờ biển quy định tại Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện có 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm (sạt lở gây nguy hiểm trực tiếp đến khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng), có tổng chiều dài là 170km, bao gồm: bờ sông 39 điểm với tổng chiều dài 85km, bờ biển 18 điểm với tổng chiều dài 85km (biển Đông 15 điểm/69km, biển Tây 3 điểm/16km).
Theo đánh giá của Ủy hội sông Mê Công, do việc xây dựng hồ chứa ở thượng nguồn, lượng bùn cát về ĐBSCL đã suy giảm nghiêm trọng. Dự báo, đến năm 2020 chỉ còn khoảng 47,4 triệu tấn/năm (giảm 67% so với trước 2007). Với tốc độ xây dựng hồ chứa như hiện nay, đến năm 2040, lượng bùn cát về ĐBSCL chỉ còn 4,5 triệu tấn/năm (giảm 97% so với giai đoạn trước 2007). Hệ lụy của việc giảm lượng bùn cát là trong thời gian tới quá trình sạt lở ở ĐBSCL sẽ diễn ra nhanh hơn và cường độ gia tăng.
Linh động né sạt lở
Thống kê sơ bộ, tại An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu và Cà Mau cần phải đầu tư khoảng 6.990 tỷ đồng để xây dựng các công trình kè đê và di dời dân khỏi vùng sạt lở. Các chuyên gia nhận định: Giải pháp bờ kè chống sạt lở tốn nhiều chi phí nhưng không mang tính bền vững. Cần thực hiện ngay các giải pháp đối phó khả thi, hạn chế được những tác động từ con người như: ngăn chặn việc khai thác cát tràn lan làm thay đổi dòng chảy, hạn chế các tàu bè gây sóng lớn trên các sông rạch…
Theo Bộ NN-PTNT, từ năm 2010 - 2020 đã bố trí và có kế hoạch bố trí từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn là 8.707 tỷ đồng cho các tỉnh ĐBSCL xử lý sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển, với tổng số 169 công trình. Ngành chức năng đã xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển, tổ chức khảo sát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở (20 khu vực). Đồng thời hướng dẫn và đôn đốc các tỉnh ĐBSCL tổ chức cắm biển cảnh báo sạt lở bờ sông, bờ biển.
Thời gian qua, Bộ TN-MT, Bộ KH-CN và Bộ NN-PTNT đã phối hợp với nhiều tổ chức hợp tác quốc tế thực hiện nhiều dự án nghiên cứu xói lở bờ biển ĐBSCL, các đề tài nghiên cứu khoa học chuyên sâu về sạt lở bờ sông, bờ biển; đồng thời bước đầu xây dựng các tiêu chuẩn xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển như: hướng dẫn thiết kế đê biển (trong đó có chống xói lở bảo vệ bờ biển), di dân, sơ tán dân ra khỏi khu vực sạt lở thông qua các dự án thuộc Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ và Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, khu rừng đặc dụng...
Các nhà khoa học cho rằng, trong bối cảnh lượng bùn cát từ sông Mê Công giảm nghiêm trọng, các cơ quan chức năng cần điều tra, đánh giá lượng bùn cát về ĐBSCL hàng năm, làm cơ sở cho phép khai thác cát trên hệ thống sông chính; nghiên cứu, tạo nguồn vật liệu mới thay thế, phục vụ san lấp, xây dựng để hạn chế việc lấy cát từ lòng sông; các địa phương cần quyết liệt kiểm soát hoạt động khai thác cát sỏi xây dựng trái phép.
Công việc cấp bách hiện nay là sớm hoàn thiện đề án bố trí lại dân cư ven sông, kênh rạch để phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Để giảm thiệt hại không có cách nào tốt hơn là di dời dân và giữ khoảng cách an toàn trước các nguy cơ sạt lở. Đó chính là cách “né sạt lở” lâu dài và hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.
Lũ thượng nguồn sông Mê Công đang lên nhanh (SGGP).- Theo Ủy hội sông Mê Công quốc tế, mực nước sông Mê Công đo được ở trạm Khong Chiam (Thái Lan) ngày 4-9 đã đạt 15,29m, vượt quá mực nước “tràn bờ” (14,5m). Mực nước ở trạm Pakse, Lào, cũng đã đạt 13,06m, vượt qua mức “tràn bờ” (12m) và dự báo sẽ tăng lên 14m trong 5 ngày tới. Theo tiến sĩ Sothea Khem, chuyên gia dự báo lũ của Ban thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế, do ảnh hưởng của bão nhiệt đới Podul, trong vài ngày tới, mực nước ở các trạm Stung Treng và Koh Khel của Campuchia sẽ tràn bờ. Trong vòng 5 ngày tới, nước sông Mê Công sẽ về đến ĐBSCL của Việt Nam. Mực nước ở 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) sẽ tăng lên từ 0,2-0,4m. Sau đó sẽ tiếp tục tăng lên do Lào đã vào mùa mưa. Theo dự báo của Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh An Giang, đến ngày 10-9, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng ở mức 2,7m, trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 2,4m, sau đó tiếp tục lên chậm. Đến ngày 15-9, mực nước cao nhất tại Tân Châu có khả năng lên mức từ 2,9-3m, tại Châu Đốc từ 2,6-2,7m, thấp hơn mức báo động 1. PHAN THANH |