Để đạt "mục tiêu kép" kích cầu tiêu dùng...

(ĐTTCO)-Đứng dưới góc độ tổng cầu, tiêu dùng khu vực tư nhân là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Trong lúc nền kinh tế thế giới đang trong giai đoạn rất khó khăn, độ mở của nền kinh tế Việt Nam lại rất lớn, thì việc hướng đến tiêu dùng và đầu tư trong nước là điều mà các nhà hoạch định chính sách cần ưu tiên trong lúc này.
Nguồn :World Development Indicators, The World Bank
Nguồn :World Development Indicators, The World Bank
Thu nhập người Việt được cải thiện
Tỷ trọng của tiêu dùng khu vực tư trong GDP theo giá hiện nay của Việt Nam năm 2019 vào khoảng 68%, không biến động nhiều trong vòng 5 năm trở lại đây. Nếu so với các nước trong khu vực thì ngang với Philippines (73%), Cambodia (69%), nhưng cao hơn nhiều so với Thái Lan (50%), Trung Quốc (38%), Malaysia (59%), Indonesia (58%), và Hàn Quốc (48%).
Nhưng để kích cầu tiêu dùng ở khu vực tư hiệu quả, cần hiểu được cấu trúc chi tiêu của các hộ gia đình, trong tổng thể thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm.
Theo kết quả điều tra khảo sát mức sống năm 2016, chi tiêu của các hộ gia đình cho ăn, uống… chiếm khoảng 48% trong tổng chi tiêu. Tỷ lệ này không biến động nhiều trong ngắn hạn nên chúng ta có thể thấy rằng chi tiêu cho thực phẩm, đặc biệt ở nhóm hộ gia đình có thu nhập vừa và thấp chiếm tỷ trọng khá lớn.
Không những thế, khi thu nhập được cải thiện, mức tăng chi cho thực phẩm cao hơn các khoản mục khác, và khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị.
Một thông tin khác đáng lưu ý từ kết quả điều tra khảo sát mức sống là tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình Việt Nam. Có khoảng 75% hộ gia đình có tiết kiệm, nhưng quan trọng hơn là tỷ lệ tiết kiệm trung bình lên đến 30% tổng thu nhập.
Điều đáng quan ngại ở đây là nhu cầu chi tiêu vẫn có nhưng phải tiết chế để tiết kiệm, và tệ hơn là tiết kiệm ở những kênh thuần túy như tiền gửi ngắn hạn, vàng, ngoại tệ mà không đi vào các kênh dẫn vốn đầu tư cho nền kinh tế.
Trong 7 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,8%. Nhưng trong số này, doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 79,2% tổng mức và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, do tháng 7 là tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường, khôi phục lại nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Điều này cho thấy dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ khác dù quan trọng, nhưng cũng không thể nào so sánh được với bán lẻ hàng hóa trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.

Những giải pháp đáng lưu ý
Kích cầu thị trường trong nước không chỉ tăng chi tiêu của người dân, mà còn vực dậy hay hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển.
Với đặc thù chi tiêu, tiết kiệm của các hộ gia đình như vậy, chính sách kích cầu tiêu dùng như thế nào để được hiệu quả?
Theo tính toán của tác giả Nguyễn Việt Cường, nhóm 20% hộ nghèo nhất của cả nước chỉ có thể duy trì được chi tiêu trong khoảng 3 tháng và các các hộ giàu có thể duy trì được mức chi tiêu trong 10 tháng mà không cần đi làm. Chính vì vậy, việc đảm bảo việc làm và nguồn thu nhập cho người lao động, nhất là lao động phổ thông là hết sức quan trọng.
Không phải ngẫu nhiên mà khi dịch Covid-19 bùng phát, hầu hết các nước đều tìm giải pháp để hỗ trợ nhanh các doanh nghiệp vừa và nhỏ để giữ việc làm, hạn chế sa thải lao động ở mức thấp nhất có thể.
Trường hợp của Việt Nam còn đau đầu hơn khi có một phần lớn lao động phi chính thức, chế độ bảo hiểm thất nghiệp chưa đầy đủ, và chế độ an sinh đảm bảo thu nhập tối thiểu chưa có. Một số ngành và doanh nghiệp dĩ nhiên sẽ bị thiệt hại trực tiếp và nặng nề hơn, nên cần có sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ trong việc duy trì khả năng thanh toán, giữ việc làm và tìm hướng thị trường mới, nhất là nhu cầu từ trong nước.
Do một phần lớn chi tiêu của các hộ gia đình cho thực phẩm và các nhu cầu chi tiêu khác là có nhưng bị hạn chế bởi thu nhập, việc kích cầu thị trường trong nước không chỉ tăng chi tiêu của người dân, mà còn vực dậy hay hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển. Do vậy cần có các giải pháp:
Thứ nhất, có chính sách trợ giá một số mặt hàng lương thực thực phẩm bán lẻ trực tiếp đến người dân. Các chương trình như hàng thực phẩm Việt Nam chất lượng cao, giới thiệu đặc sản vùng miền ở các chợ, siêu thị với giá ưu đãi (do Chính phủ trợ giá) cần được đẩy mạnh trên diện rộng.
Thứ hai, hỗ trợ về giá để người dân có thể tăng chi tiêu cho các thiết bị đồ dùng lâu bền trong gia đình. Chẳng hạn các thiết bị sử dụng điện nhưng có công nghệ mới tiết kiệm điện hơn, đổi sản phẩm cũ lấy sản phẩm mới.
Đương nhiên, các sản phẩm này phải là sản phẩm của doanh nghiệp trong nước hoặc tỷ lệ nội địa hóa phải ở một mức đáng kể. Trong gói tái thiết kinh tế gần đây của EU, khối này dành phần lớn ưu tiên cho các ngành sản xuất xanh và thân thiện với môi trường.
Thứ ba, hỗ trợ giá để người dân có thể tăng chi tiêu cho các hoạt động giáo dục và thể thao. Các hoạt động học tập trực tuyến đã phát triển rất mạnh trong thời gian qua. Căn cứ vào thu nhập của hộ gia đình, Chính phủ có thể hỗ trợ một phần chi phí mua máy vi tính, máy tính bảng (ưu tiên do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, lắp ráp) chi phí kết nối Internet, và chi phí các khóa học.
Các hoạt động thể thao cũng có thể được trợ giá qua phí tham gia, hay dụng cụ. Ở Pháp trong giai đoạn vừa rồi, Chính phủ đã có chương trình hỗ trợ người dân mua xe đạp và được hưởng ứng rất tích cực.
Thứ tư, cần hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ hàng hóa tăng dần thương mại điện tử, phát triển thị trường giao nhận hàng hóa. Chẳng hạn Chính phủ có thể hỗ trợ chi phí phát triển website bán hàng, các doanh nghiệp làm dịch vụ chuyển phát hàng hóa thông qua giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm tài chính kế tiếp.
Một số giải pháp để kích cầu tiêu dùng thông qua chi tiêu của các hộ gia đình đề cập ở trên chủ yếu được thực hiện gián tiếp qua trợ giá bằng cách Chính phủ bù đắp hoặc giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Dựa vào cấu trúc chi tiêu của các hộ gia đình Việt Nam, Chính phủ cần tập trung vào các lĩnh vực theo thứ tự ưu tiên: lương thực, thực phẩm, thiết bị đồ dùng trong nhà, giáo dục, và thể thao. Chính phủ cũng có thể đạt được mục tiêu kép nếu ưu tiên các doanh nghiệp trong nước cung cấp các hàng hóa dịch vụ này, vừa tăng chi tiêu khu vực tư, vừa thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước phát triển.  
----------
(*) Giảng viên ĐH Kinh tế TPHCM và IPAG Business School Paris,thành viên Tổ chức AVSE Global

Các tin khác