Thí dụ, ở Việt Nam và một số nước châu Á, do có sinh hoạt đặc sắc trong các dịp lễ tết mang tính truyền thống (Việt Nam là Tết Nguyên đán; người Khmer ở Việt Nam có Tết Chol Chnam Thmay, Tết Dolta, Tết Ok om bok…), kéo theo hoạt động kinh tế sôi động lên hẳn bởi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, góp phần kích thích sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội.
Hay ở một số nước cận nhiệt, ôn đới, vào mùa đông, thời tiết giá lạnh, nhu cầu của người dân tăng cao đối với một số mặt hàng như than, củi, dầu, gas, quần áo ấm, máy sưởi, dịch vụ cào tuyết… Hoặc một số nước có nền bóng đá phát triển, trong mùa bóng thường thu hút đông đảo người xem, trong đó dịp cuối tuần có không khí sôi động hơn, hoạt động tiêu dùng nhiều hơn gắn với việc đi lại, mua sắm, nghỉ dưỡng, xem bóng đá.
Đặc biệt, các cổ động viên trung thành của một đội bóng sẵn sàng đi theo cổ vũ “đội nhà” dù ở xa… Các hoạt động đó sẽ lặp lại theo chu kỳ, vì thế tình hình kinh tế cũng có yếu tố chu kỳ nhất định.
Hiện cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đã bước vào mùa hè, thời điểm học sinh, sinh viên được nghỉ học. Đây cũng là lúc nhiều gia đình sắp xếp để đi nghỉ, nên mùa hè được coi là mùa du lịch. Trừ những năm cả nước bị giãn cách hoặc hạn chế đi lại do dịch bệnh, nhiều năm qua cứ vào dịp hè hoạt động kinh tế có nhiều khởi sắc, đặc biệt với ngành vận tải, du lịch và một số dịch vụ khác có liên quan.
Do đó, vào thời điểm này, nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch, hay các chương trình khuyến mại về đi lại, lưu trú, ẩm thực… được tung ra với đa dạng hình thức, sinh động và thường thu hút được đông đảo người tham gia, theo dõi.
Một số sự kiện đặc biệt được gắn với danh xưng “sản phẩm du lịch” cũng được thực hiện trong dịp này, như lễ hội thả diều, lễ hội khinh khí cầu… Hoặc các đợt học kỹ năng sống thông qua chương trình “trại hè”, “học kỳ quân đội”… cũng được tổ chức khá thường xuyên và thu hút khá đông phụ huynh cho con em tham gia, coi như là dịp bổ ích để con được trải nghiệm, được khám phá và phát triển bản thân.
Song trên thực tế, việc khai thác có chiều sâu đối với các hoạt động nêu trên chưa phải lúc nào cũng được phát huy hiệu quả tốt nhất. Chẳng hạn, điều dễ thấy nhất là các hoạt động du lịch hoặc gắn với du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ, ít tạo ra được các dấu ấn hấp dẫn và thu hút khách quay trở lại vào dịp khác, như hè năm sau chẳng hạn.
Hay tâm lý mùa vụ với các kiểu kinh doanh hời hợt, “chặt chém” vẫn xuất hiện, nhất là khi lượng khách quá đông, dẫn đến cầu vượt cung và một số nhà cung cấp dịch vụ có biểu hiện thiếu tôn trọng khách. Vấn đề bảo đảm an toàn cho người đi lại, du lịch cũng chưa được đề cao đúng mức, thường được đổ cho lý do “bởi khách tăng đột biến”. Thậm chí, ngay các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ có lúc có nơi bị biến tướng, như làm cho trẻ bị “hành xác”, nhồi nhét thực hành quá mức, hay chương trình trải nghiệm thiếu tính khoa học, ít có giá trị giáo dục…
Những yếu tố đó làm chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của một số hoạt động bị hạn chế, cũng có nghĩa tính kinh tế của các hoạt động đó chưa được phát huy đầy đủ. Đương nhiên, kinh tế mùa hè không chỉ có những hoạt động đó.
Bởi vào thời điểm này, có nhiều lĩnh vực cần được quan tâm khai thác, từ đó có sự định hướng, quản lý phù hợp để hoạt động thực sự hiệu quả, có đóng góp tích cực hơn cho nền kinh tế và đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân. Chẳng hạn, trong dịp hè, nhu cầu đi bơi tăng cao, nên hoạt động dạy bơi, cung cấp trang phục bơi, các dịch vụ ở hồ bơi và những điểm có thể bơi được cũng vì thế tăng theo.
Hay nhu cầu xem phim của trẻ cũng cao hơn những tháng khác do trẻ được nghỉ học. Do đó, việc đầu tư các điểm chiếu phim cho trẻ em, chọn những bộ phim phù hợp và có những hoạt động phụ trợ với các hoạt động đó, cũng cần được quan tâm, đầu tư (như tổ chức trải nghiệm thực tế liên quan đến một số phim, thi tìm hiểu về phim, bán các sản phẩm dịch vụ gắn với phim).
Hoặc việc tổ chức học một số khóa ngắn hạn về kỹ năng, năng khiếu cũng nên được quan tâm nhiều hơn, như học đá bóng, chơi cờ, chơi bóng rổ, học nhạc, học vẽ, học võ… Đây cũng là cách để tạo sự phát triển toàn diện cho trẻ, nếu khai thác tốt vẫn mang lại hiệu quả kinh tế nhất định…
Mùa hè không chỉ có kinh tế du lịch, mà còn một số hoạt động kinh tế khác. Nếu có sự xác định những yếu tố đặc trưng của kinh tế mùa hè, các doanh nghiệp, những người hoạt động ở một số lĩnh vực có liên quan trực tiếp về hoạt động kinh tế trong dịp này, cần có giải pháp khai thác phù hợp.
Từng doanh nghiệp cần có chiến lược khai thác và phát triển các hoạt động kinh tế hè thuộc lĩnh vực của mình một cách hợp lý, gắn với điều kiện thực tế và có sự dự báo khoa học, để từ đó xác định được phương thức mở rộng sản xuất, dịch vụ của doanh nghiệp mình hiệu quả.
Lâu nay đã có “kinh tế tết”, nay nên quan tâm nhiều hơn đến “kinh tế hè”.
Tâm lý mùa vụ với các kiểu kinh doanh hời hợt, “chặt chém” vẫn xuất hiện, nhất là khi lượng khách quá đông, dẫn đến cầu vượt cung và một số nhà cung cấp dịch vụ có biểu hiện thiếu tôn trọng khách. Vấn đề bảo đảm an toàn cho người đi lại, du lịch… cũng chưa được đề cao đúng mức, thường được đổ cho lý do “bởi khách tăng đột biến”…