Trong khi đó, dịch bệnh hiện vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa biết lúc nào mới kết thúc, cũng có nghĩa những khó khăn đối với nền kinh tế vẫn còn tiếp tục. Trong bối cảnh đó, cần phải làm gì để duy trì được đà tăng trưởng cũng như chuẩn bị để nền kinh tế bật lên khi dịch bệnh đi qua. Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia kinh tế về vấn đề này.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế:
Cần vững vàng và sáng suốt
Trọng tâm chính sách và chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2020 là tập trung toàn lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh, cả ảnh hưởng vật chất, tài chính lẫn tinh thần. Nền kinh tế nói chung, việc làm và thu nhập nói riêng cần tiếp tục duy trì.
Lúc này cần hệ thống các chính sách để giảm thiểu thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra và sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân. Đến lượt mình, các chính sách đó cần đảm bảo cả “3 chữ hiệu” gồm: Hiệu quả, Hiệu lực và Hiệu ứng. Tính nhất quán, đồng bộ cần được xuyên suốt từ chính sách tín dụng, tiền tệ, tài khóa, tỷ giá hối đoái, đến thương mại, đầu tư.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chưa biết kéo dài đến lúc nào, đã có những ý kiến đề xuất nên nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhưng nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2020 để kích thích tăng trưởng có thể là con dao hai lưỡi khi tiền tệ đi đôi với lạm phát giá cả như thịt lợn chẳng hạn có thể gây ra nguy cơ mất kiểm soát lạm phát - đánh mất những gì đã đạt được trong những năm 2018-2019 nhờ duy trì chính sách tiền tệ chủ động và thận trọng nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô…
Hiện áp lực lớn nhất của doanh nghiệp là gánh nặng tài chính nên Chính phủ đã đưa ra hai gói hỗ trợ lên tới hơn 300.000 tỷ đồng, trong đó gói hỗ trợ tín dụng là 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài chính bằng việc giãn nộp thuế khoảng 80.000 tỷ đồng. Đây là gói hỗ trợ quy mô chưa từng có, nhưng không phải là kích cầu như gói kích thích kinh tế 2009-2010.
Mặc dù vậy những bài học đắt giá 10 năm trước rất cần thiết cho gói hỗ trợ lần này, đặc biệt là bài học về hỗ trợ đúng đối tượng và tránh thất thoát, tham nhũng. Hỗ trợ là cần thiết nhưng phải đúng đối tượng và dựa trên nguyên tắc thị trường.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ tín dụng năm 2020 vẫn phải là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đồng thời hướng dòng vốn tín dụng hỗ trợ vào đúng đối tượng, đúng nhu cầu nhằm giải quyết đúng những vấn đề mà doanh nghiệp phải đối mặt do tác động của dịch bệnh. Trong bối cảnh hiện nay, các biện pháp giãn hoãn thuế phí và nợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng tài chính quan trọng hơn nhiều so với cắt giảm lãi suất hay/và phá giá VND.
Không lạm dụng chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế
Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thêm 3 tháng, 6 tháng, thậm chí đến hết năm mà không có những giải pháp đột phá và quyết liệt, thì khả năng nền kinh tế có thể rơi vào thời kỳ suy thoái là rất cao. Những kênh chịu tác động từ dịch bệnh sẽ tiếp tục bị xoáy sâu bởi vòng xoáy tổng cung giảm, sản xuất suy giảm, DN không thể trụ vững phải ngưng sản xuất, sa thải lao động, thu nhập người lao động giảm xuống, khiến tổng cầu giảm, tiếp tục làm sản xuất suy giảm... Vòng xoáy này sẽ bị khuyến đại hơn khi kinh tế thế giới và các bạn hàng quan trọng của Việt Nam cũng bị suy thoái.
Suy thoái trong nền kinh tế thực cũng sẽ gây áp lực lớn đến hệ thống tài chính tiền tệ - xương sống của nền kinh tế, theo đó, tiếp tục tác động ngược trở lại khu vực kinh tế thực.
Về dài hạn, các nguồn lực của nền kinh tế được dành cho ngành y tế cho công tác phòng và chữa bệnh ngày càng gia tăng, trong bối cảnh tổng ngân sách suy giảm do nguồn thu giảm sút mạnh. Theo đó, các nguồn lực cho đầu tư phát triển suy giảm nghiêm trọng.
Để nền kinh tế không rơi vào suy thoái cần có những giải pháp đột phá và quyết liệt, nhưng vẫn cần kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn và không nên lạm dụng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế. Việc gia tăng mạnh cung tiền và tín dụng mới có thể có rủi ro về lạm phát.
Thay vì tập trung vào chính sách tiền tệ, Chính phủ cần tập trung hơn vào chính sách tài khóa chủ động, giúp cho các DN giảm được các gánh nặng chi phí, từ đó chống đỡ tốt hơn trong đại dịch. Theo đó, nên tập trung áp dụng một số chính sách miễn giảm thuế phí, giãn thuế VAT, giảm mạnh thuế suất thuế thu nhập DN và miễn, giảm đóng BHXH cho các DN bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh các nguồn lực tư nhân và FDI đều bị giảm sút do dịch bệnh, thì vai trò vốn từ ngân sách Nhà nước trở nên quan trọng và cần được tăng cường.
Để duy trì được tổng cầu của nền kinh tế, không để suy giảm mạnh và xoáy sâu vào suy thoái, tôi đề xuất Chính phủ phải chủ động củng cố và gia tăng chi tiêu cho an sinh xã hội, tăng trợ cấp thất nghiệp, kéo dài thời hạn nhận bảo hiểm thất nghiệp, giải quyết các thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp nhanh chóng, nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ nhóm người dễ bị tổn thương (lao động trình độ thấp, lao động khu vực phi chính thức, khu vực DN nhỏ và vừa...).
Với nguồn lực ngân sách hạn hẹp hiện nay, để có đủ nguồn lực vừa để đối phó với dịch bệnh Covid-19, vừa phải thực thi các gói hỗ trợ kích thích kinh tế, vừa phải duy trì những nguồn lực tăng trưởng dài hạn, Chính phủ cần dựa vào sự tham gia của toàn dân. Vì vậy, khuyến khích các hoạt động xã hội hóa, đóng góp của DN và người dân chung tay chi phí cho dịch bệnh là rất cần thiết.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam:
Chúng ta không bao giờ bỏ cuộc
Nền kinh tế đã đi qua quý đầu tiên của năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh ngày một phức tạp hơn. Không nằm ngoài dự báo, tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 3,82%, là mức tăng trưởng thấp nhất của quý I trong 10 năm trở lại đây. Nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ.
Trong quý đầu năm, Chính phủ đã liên tục có các chỉ đạo và giải pháp để thực hiện mục tiêu kép chống dịch và phát triển kinh tế nhưng luôn với tinh thần coi trọng sức khỏe và bảo đảm đời sống nhân dân... Dịch Covid-19 cũng cho chúng ta thấy tăng trưởng kinh tế không chỉ phụ thuộc vào các chính sách tài khóa hay chính sách tiền tệ.
Hơn bao giờ hết, sự ổn định và tăng trưởng giờ đây lại phụ thuộc vào các quyết sách về y tế cộng đồng, về an sinh xã hội đang được triển khai một cách quyết liệt nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, nuôi dưỡng nguồn lực vô cùng quý giá cho sự phát triển trong tương lai.
Với một trái tim nóng và cái đầu lạnh, Chính phủ cho tới nay đã điềm tĩnh xử lý các vấn đề trên cả hai mặt trận phòng chống dịch và duy trì phát triển kinh tế với tinh thần đặt sức khỏe của người dân, ổn định xã hội lên trên hết, đồng thời giảm thiểu các thiệt hại đối với nền kinh tế có thể gây ra bởi dịch bệnh.
Chúng ta chưa bao giờ bỏ cuộc và tinh thần đó sẽ tiếp tục được khẳng định trong cuộc chiến chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế như hiện nay. Chúng ta có cơ sở cho việc lật ngược nguy cơ suy giảm kinh tế. Các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn đang được duy trì ổn định. Sức khỏe của hệ thống ngân hàng vẫn đang được duy trì. Các nỗ lực đầu tư công đang được đẩy mạnh.
Đặc biệt, tinh thần khởi nghiệp của người dân Việt Nam vẫn không hề nao núng với 29,7 nghìn DN được đăng ký thành lập mới trong quý đầu năm. Một số ngành như cao su, nhựa vẫn tiếp tục nhận được đơn đặt hàng mới, thậm chí cao hơn so với trước đây. Xuất khẩu vẫn được duy trì.
Nhưng một lần nữa vẫn phải khẳng định rằng, tất cả các giả định tích cực về việc lật ngược tình thế như vậy hiện giờ phụ thuộc vào một biến số mang tính quyết định, đó là việc khống chế được dịch bệnh và đảm bảo được sức khỏe và sự an toàn của người dân trước dịch bệnh.
Nhưng lúc này cũng phải tính làm gì để DN phục hồi, kinh tế phục hồi sau khủng hoảng? Sự phục hồi của các DN nền kinh tế sẽ phụ thuộc nhiều vào những quyết sách được đưa ra trong giai đoạn này. DN chỉ có thể nhanh chóng phục hồi và bật dậy trên nền tảng vững chắc là sự ổn định của các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Chúng ta cần chắt chiu những cơ hội và nguồn lực để hỗ trợ đúng thời điểm, đúng mục tiêu cho các DN, người kinh doanh, và người lao động trong và sau dịch. Đầu tư công cần tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là để giải quyết các điểm nghẽn như sân bay, cơ sở hạ tầng cho du lịch, logicstics, hệ thống cơ sở y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành du lịch, chế biến chế tạo, nông nghiệp phát triển. Các nỗ lực về cải cách hành chính, chính phủ điện tử, tái cơ cấu ngành đang được đẩy mạnh trong bối cảnh hiện nay phải tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh…