Đề ra trách nhiệm, phải quy trách nhiệm

(ĐTTCO) - Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2015, cả nước đã sắp xếp được 558 DN, trong đó cổ phần hóa (CPH) được 478 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 80 DN (giao 1, bán 10, sáp nhập 33, hợp nhất 14, giải thể 9, phá sản 6, chuyển thành đơn vị sự nghiệp 1 và chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên 6).

(ĐTTCO) - Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2015, cả nước đã sắp xếp được 558 DN, trong đó cổ phần hóa (CPH) được 478 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 80 DN (giao 1, bán 10, sáp nhập 33, hợp nhất 14, giải thể 9, phá sản 6, chuyển thành đơn vị sự nghiệp 1 và chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên 6).

Qua thực tế, kết quả hoạt động kinh doanh sau CPH năm 2015 đều tăng hơn so với năm trước khi CPH. Cụ thể, vốn điều lệ tăng 72%, tổng tài sản tăng 39%, vốn chủ sở hữu tăng 60%, doanh thu tăng 29%, lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%.

Cần quy trách nhiệm trong việc thực hiện CPH, thoái vốn như Nghị quyết 15 và Quyết định 51 đã yêu cầu. Không thể để tình trạng quy định đề ra trách nhiệm nhưng người đứng đầu không hoàn thành vẫn không chịu trách nhiệm.

Liên quan đến việc thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (bất động sản, chứng khoán, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư), các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái vốn đầu tư trong giai đoạn 2011- 2015 là 11.036 tỷ đồng, thu về 10.742 tỷ đồng (số thu giảm so với sổ sách do Tập đoàn Dầu khí thoái 800 tỷ đồng và Tổng công ty Lương thực miền Nam thoái 1,3 tỷ đồng với giá 0 đồng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước). Riêng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã thực hiện bán vốn tại 368 DN, tổng giá trị thu về 6.998 tỷ đồng, gấp 2,4 lần giá trị đầu tư (2.940 tỷ đồng), thặng dư bán vốn 4.058 tỷ đồng. Trước đó, theo yêu cầu của Nghị quyết 26/NQ-CP ban hành năm 2012, Chính phủ yêu cầu đến năm 2015 các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của Nhà nước. Theo ước tính, số vốn cần phải thoái tại 5 lĩnh vực nhạy cảm trên 23.300 tỷ đồng. Như vậy, nhìn lại con số các tập đoàn, tổng công ty thực hiện nêu trên, tỷ lệ chưa đến 50% so với yêu cầu.

Cũng theo Bộ Tài chính, lũy kế 6 tháng đầu năm 2016 (tính đến ngày 10-6), cả nước đã có 39 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị thực tế 27.061 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN khoảng 21.631 tỷ đồng. Cũng trong 6 tháng, các đơn vị đã thoái được 2.086 tỷ đồng, thu về 4.167 tỷ đồng. Trong đó các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 174 tỷ đồng thu về 175 tỷ đồng tại 5 lĩnh vực nhạy cảm; thoái 927 tỷ đồng thu về 1.175 tỷ đồng tại các DN có vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm; riêng SCIC đã bán 985 tỷ đồng thu về 2.817 tỷ đồng.

TCT Bia rượu nước giải khát Hà Nội nằm trong số cần CPH.

TCT Bia rượu nước giải khát Hà Nội nằm trong số cần CPH.

Tại Nghị quyết 15/NQ-CP và Quyết định 51/2014/QĐ-TTg ban hành năm 2014 về CPH và thoái vốn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty phải chỉ đạo thực hiện, triển khai, kiểm tra, giám sát việc thoái vốn. Trong đó, Nghị quyết 51 cũng yêu cầu việc thoái vốn không theo kế hoạch thì người đứng đầu, ban lãnh đạo DN, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ... phải chịu trách nhiệm về việc chậm trễ.

Tuy nhiên, dù đề ra các biện pháp quyết liệt, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vẫn không hoàn thành kế hoạch đề ra. Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, cho rằng hết giai đoạn 2011-2015 vừa qua, Chính phủ cần phải tổng kết, quy trách nhiệm trong việc thực hiện việc CPH, thoái vốn như Nghị quyết 15 và Quyết định 51 đã yêu cầu. Không thể để tình trạng có quy định nhưng không thực hiện hoặc không hoàn thành kế hoạch, người đứng đầu vẫn không hề hấn gì.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc tái cơ cấu thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên tiến độ CPH DNNN và thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính, trọng tâm là thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm chưa đạt được như kỳ vọng. Nguyên nhân do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến thị trường tài chính, thị trường chứng khoán làm cho nhu cầu sụt giảm.

Do đó kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các DN CPH không đạt mục tiêu đề ra, tỷ lệ bán thành công chưa cao, nhiều DN sau bán cổ phần lần đầu vẫn còn số lượng vốn nhà nước lớn. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, ngành và DN về chủ trương tái cơ cấu tuy đã có chuyển biến, nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu DN đối với phát triển kinh tế - xã hội; còn tư tưởng e ngại, lo lắng vị trí và vai trò lãnh đạo sau CPH.

Các tin khác