Tầm quốc gia
PV: Ý tưởng xây dựng TPHCM thành một TTTC của khu vực đã có từ nhiều năm trước nhưng chưa thể thành hiện thực, theo ông đâu là nguyên nhân?
TS TRẦN DU LỊCH: Từ năm 2002, Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về TPHCM đã xác định việc xây dựng và phát triển TPHCM thành trung tâm thương mại (TTTM) của cả nước và từng bước trở thành TTTC của khu vực (ASEAN). Đến năm 2012, nội dung này được tái khẳng định tại Nghị quyết 16 về TP.
Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 9 (tháng 12-2005) xác định thị trường tài chính là một trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực của TP và đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Năm 2006, UBND TP đã giao cho Viện Kinh tế TP xây dựng Đề án “Phát triển thị trường tài chính trên địa bàn TPHCM đến năm 2010 và tầm nhìn 2020”. Đề án này đã báo cáo UBND TP. Từ đó đến nay, TP đã ban hành nhiều quyết định liên quan đến chủ trương này.
Có thể nói từ chủ trương của Bộ Chính trị cũng như nhận thức chủ quan của lãnh đạo TP các thời kỳ đều hướng đến mục tiêu làm thế nào để TPHCM thực sự là một TTTC quốc gia và hướng tới trở thành TTTC của khu vực. Định hướng này phù hợp với vị trí, vai trò và thế mạnh của TP được chứng minh qua thực tiễn phát triển, từ khi đất nước tiến hành sự nghiệp đổi mới và mở cửa hội nhập.
Tuy nhiên, cho đến nay mọi ý tưởng vẫn còn đang dang dở, thậm chí vai trò còn giảm dần, xét về quy mô thị trường tài chính đối với cả nước (ví dụ tổng vốn huy động qua các định chế tài chính - tín dụng trên địa bàn TPHCM so với cả nước đã giảm từ khoảng 40% của những năm đầu thập niên 2000 xuống còn khoảng 24% năm 2018; xếp sau Hà Nội là 34%).
-Làm thế nào để từ ý tưởng của chính quyền TP thành chủ trương mang tính quốc gia, thưa ông?
-Theo tôi, để phát triển TPHCM thành TTTC quốc tế, trước hết là vấn đề quốc gia chứ không phải là vấn đề riêng của chính quyền địa phương. Nếu căn cứ vào pháp luật điều chỉnh hoạt động của thị trường tài chính thì chính quyền địa phương chỉ có vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển trên nền tảng thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xây dựng một TTTC quốc tế dù dưới hình thức và mô hình nào.
Có 4 vấn đề đang đặt ra cần lý giải: (1) Thị trường tài chính trên địa bàn TPHCM đang đóng vai trò gì đối với thị trường tài chính còn non trẻ của Việt Nam? Động thái phát triển trong 15 năm qua?
(2) Những nhân tố nào để khẳng định một TTTC của quốc gia - tầm cỡ khu vực? So với các TTTC của một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur, Manila… thì TPHCM đang ở đâu?
(3) Phân tích khung pháp lý đang điều chỉnh thị trường tài chính Việt Nam - những bất cập cần phải hoàn thiện.
(4) Những điều kiện để trở thành một TTTC mang tính khu vực và giao dịch quốc tế?
Cần đánh giá các định chế và các nhóm dịch vụ cơ bản của thị trường tài chính tại TP, cụ thể là từ năm 2002, TPHCM đã đề ra chủ trương phát triển thị trường tài chính là một trong 9 nhóm ngành dịch vụ thuộc thế mạnh của TP.
Đây cũng là thời điểm vừa ra đời trung tâm giao dịch chứng khoán TPHCM và là trung tâm chứng khoán (TTCK) đầu tiên mang tính lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam tuy còn phôi thai nhưng TTTC trên địa bàn TPHCM hướng đến phát triển các sản phẩm của thị trường thông qua các định chế như: (1) Ngân hàng và các định chế tín dụng hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng.
(2) Các định chế tài chính - tín dụng phi ngân hàng bao gồm TTCK và các chủ thể tham gia TTCK - TPHCM như dịch vụ bảo hiểm; các công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính; các quỹ đầu tư; dịch vụ tài chính công (trái phiếu chính phủ; trái phiếu chính quyền địa phương…) và các dịch vụ tài chính hỗ trợ.
Sự phát triển TTTC cả nước nói chung và trên địa bàn TPHCM nói riêng là khá khập khiễng, nhất là mối quan hệ giữa thị trường vốn (trung - dài hạn) với thị trường tiền tệ (vốn ngắn hạn..). Sự lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng thương mại mọi loại vốn của nền kinh tế đã làm cho cơ cấu TTTC méo mó.
Nơi “khởi nghiệp” của khu vực
-Theo ông, điều kiện nào để TPHCM xác lập vị trí, vai trò của một TTTC của quốc gia, hướng tới khu vực và quốc tế trong dài hạn?
-Về kinh tế, TPHCM phải ngày càng khẳng định được vị trí vai trò của “một đầu tàu” phát triển của vùng và cả nước cũng như vai trò của TPHCM đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; vai trò nối kết và động lực cho sự phát triển của ĐBSCL và Tây Nguyên.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TP phải được duy trì với mức tăng trưởng cao hơn khoảng 1,5 lần mức bình quân của cả nước như đã từng có được trước đây. Hoạt động kinh tế phải là nơi mang “tính thị trường” nhất so với cả nước và nâng cao vai trò cửa ngõ giao lưu kinh tế trong nước và giao thương quốc tế.
Ba nhân tố cơ bản nâng cao năng lực cạnh tranh là thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng phải là những đặc điểm vượt trội của TPHCM. TP đã từng là nơi “lập nghiệp” của doanh nhân cả nước thì trong thời đại mới phải là nơi “khởi nghiệp” của khu vực.
Thứ hai, TP phải là nơi có thị trường tài chính tập trung có quy mô lớn, quy tụ và tập trung nhiều nguồn cung - cầu sản phẩm tài chính; thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước phục vụ cho thương mại, đầu tư theo ý nghĩa của một trung tâm chuyển tải vốn cho nền kinh tế trong nước và có tác động nhất định đến thị trường khu vực và thế giới.
Là nơi tập trung các định chế tài chính đặt trụ sở chính và cần những “con sếu đầu đàn” trên thị trường tài chính, là nơi có hạ tầng “cứng” và hạ tầng “mềm” khả dĩ cho thị trường tài chính vận hành thông suốt…
Đối chiếu một số tính chất của một TTTC nêu trên cho thấy để TPHCM xác lập được vị trí, vai trò của một TTTC quốc gia, hướng tới tầm vóc khu vực còn nhiều bất cập.
Thứ ba, phải thể hiện chủ trương, chính sách và khuôn khổ pháp lý từ Trung ương. Định hướng quốc gia về việc xây dựng TTTC quốc gia, hướng tới khu vực và quốc tế như một quyết tâm chính trị của Trung ương.
Về môi trường vĩ mô cần hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường tài chính; tự do hóa nền kinh tế; lộ trình mở cửa thị trường tài chính và tự do hóa tài khoản vốn… Từ thực tiễn TPHCM, đề án này phải mang tầm đề án của Chính phủ.
-Trong hình dung của mình, ông phác thảo gì về lộ trình để xây dựng TPHCM thành TTTC khu vực và quốc tế?
-Muốn xây dựng TPHCM thành TTTC khu vực và quốc tế thì cần xem đây là chiến lược kinh tế của quốc gia. Đây là điều kiện để Quốc hội, Chính phủ có thể triển khai các chính sách và cơ chế cụ thể để thực thi, bao gồm việc thí điểm các chính sách mới, nhất là các sản phẩm tài chính.
Theo đó, TPHCM cần tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam theo tư duy “kinh tế vùng”, khẳng định là TTTM quốc tế, đi đầu trong chính sách khởi nghiệp, sáng tạo; phát huy vai trò cửa ngõ giao thương quốc tế. Cần xác định địa bàn TPHCM chính là Vùng đô thị TPHCM chứ không giới hạn trong địa giới hành chính của TPHCM.
Về hạ tầng đô thị, chúng ta đã có Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TTTC trong khu đô thị mới này thuận lợi để thu hút các tập đoàn đầu tư tài chính, trong đó chính quyền TP phải thể hiện tốt vai trò “bà đỡ” cho các nhà đầu tư, xây dựng hệ sinh thái mà TTTC có thể vận hành tốt. Nhìn chung, lộ trình xây dựng TTTC khu vực và quốc tế TPHCM phải qua nhiều giai đoạn và tùy thuộc một phần vào chất lượng sống của đô thị cũng như khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để xây dựng TTTC cần có 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 đến 2025: Củng cố vai trò và hình thành cơ chế vận hành thông suốt của một TTTC lớn nhất nước, cả hạ tầng “mềm” lẫn hạ tầng “cứng” (hạ tầng đô thị và viễn thông). Giai đoạn 2 từ 2026-2035: Cần hoàn thiện cả 3 yếu tố về thể chế, nhân lực và hạ tầng đô thị, cụ thể TTTC Thủ Thiêm đã xây dựng hoàn chỉnh. Giai đoạn 3 đến sau năm 2035: Hướng tới thị trường tài chính quốc tế. Đây là thời kỳ hội nhập toàn diện với thế giới về chính sách cơ chế vận hành của thị trường tài chính.
Bằng những điều nêu trên, chúng ta cần có một chủ trương nhất quán, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà đặc biệt là cần phải có “cú hích” từ Trung ương thì mới có thể thực hiện mục tiêu, khát vọng đưa TPHCM thành TTTC quốc gia, hướng đến khu vực và quốc tế trong thời gian sớm nhất.