Bình Thuận là địa phương có diện tích thanh long lớn nhất nước, với gần 13.500ha. Những năm qua, khoảng 70% sản lượng long của Bình Thuận được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, thị trường Trung Quốc nhiều tiềm năng nhưng thiếu bền vững, bấp bênh. Đó là do phương thức xuất khẩu thanh long qua nước này chủ yếu bằng con đường phi mậu dịch (biên mậu), không hợp đồng, không mua đứt bán đoạn... nên chất lượng thanh long không được coi trọng.
Trong quý II vừa qua, hàng chục ngàn nông dân trồng thanh long “méo mặt” vì giá thanh long từ mức 20.000 đồng/kg rớt xuống còn 2.000 đồng/kg nhưng vẫn khó bán. Với giá này, người trồng lẫn người buôn lỗ nặng, chỉ thu lại được khoảng 1/2 chi phí. Hiện nay, để đầu tư cho 1ha thanh long nông dân phải đầu tư khoảng 200 triệu đồng gồm phân bón, thuốc trừ sâu, rơm, công chăm sóc, công thu hoạch...
Lâu nay chúng ta vẫn đổ lỗi giá thanh long xuất khẩu bị thương lái Trung Quốc thao túng. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào vấn đề, sẽ thấy lỗi đâu hoàn toàn do thị trường, mà ở nhiều phía.
Ông Bùi Đăng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, cho biết UBND tỉnh không ít lần họp bàn để khắc phục tình trạng xuất khẩu thanh long bấp bênh, đặc biệt thói quen sản xuất của người dân manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, cũng như việc mua bán thanh long không qua hợp đồng...
Khi phía Trung Quốc ít kiểm soát, thanh long xuất khẩu trót lọt với giá khá cao, càng tạo điều kiện để người trồng cũng như doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này dễ dãi hơn trong kiểm tra chất lượng sản phẩm. Nhưng nay phía Trung Quốc bắt đầu kiểm tra khắt khe sản phẩm thanh long, nên giá mua rớt xuống 10 lần là điều dễ hiểu.
Thực tế, cho đến nay sản xuất thanh long an toàn theo hướng VietGAP (Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam về thực hành sản xuất nông nghiệp) tại Bình Thuận chỉ chiếm khoảng 25% tổng diện tích. Rõ ràng bài học từ việc lãnh thổ Đài Loan ngưng nhập khẩu trái thanh long của Việt Nam hồi tháng 3-2009 vẫn còn đó.
Trong khi chưa hết lo âu vì trái thanh long Bình Thuận xuất khẩu sang Trung Quốc, mới đây hàng trăm tấn chuối của huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Hòa cũng khốn đốn vì phía Trung Quốc không mua hàng, khiến người trồng chuối lao đao.
Được biết “kịch bản” phát triển cây chuối cũng gần giống thanh long. Trong 5 năm trở lại đây, giá chuối thương phẩm tại Khánh Sơn được thu mua với giá rất cao, từ 5000-7000đồng/kg khiến hàng trăm hộ dân đồng loạt tăng diện tích trồng chuối, dẫn đến cung vượt cầu.
70% lượng chuối Khánh Sơn tiêu thụ nhờ vào thị trường Trung Quốc, vì thế, khi thị trường này “nói không” với chuối Khánh Sơn, người trồng chuối lập tức gặp khó khăn.
Một cán bộ có thâm niên trong nghề xuất khẩu thương mại nhận định: Trong thời gian qua, nhiều ý kiến phản ánh các doanh nghiệp Trung Quốc chèn ép và thao túng giá, khiến giá liên tục biến động gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nghĩ đến mặt tích cực nếu không có doanh nghiệp Trung Quốc thu mua thanh long, chuối Bình Thuận với số lượng lớn, sản phẩm này sẽ chỉ loanh quanh trong nước. Bởi lẽ đến nay, ngoài thị trường Trung Quốc, thanh long và chuối Bình Thuận xuất khẩu ra nước ngoài rất ít. Và khi sản phẩm làm ra không xuất khẩu được, lúc đó chắc chắn giá nông sản sẽ bị thu mua rẻ mạt, càng khiến nông dân không có lời.
Vấn đề đặt ra, để trái cây Việt Nam vươn ra thị trường thế giới, ngoài nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ bền vững, thì cung cách sản xuất, định hướng, quy hoạch phát triển các giống cây trồng phù hợp, không phát triển “nóng” theo lợi nhuận... cũng cần phải thay đổi cho phù hợp.
Trước mắt cần tăng tỷ lệ sản phẩm trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Quy hoạch lại khu vực trồng thanh long, chuối. Giữa nông dân trồng trái cây với các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu cần có sự liên kết chặt chẽ, tránh tình trạng ép giá.
Cơ quan chức năng cũng cần hỗ trợ nông dân về giống, kỹ thuật để có sản phẩm chất lượng cao; đồng thời giúp tìm đầu ra cho sản phẩm. Điều quan trọng, rủi ro sẽ giảm thiểu nếu chúng ta không quá phụ thuộc vào một thị trường tiêu thụ như hiện nay.