Đề xuất quy định tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng ở mức 10,5%

(ĐTTCO) - Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với dự thảo thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo NHNN, dự thảo thông tư được xây dựng trên cơ sở Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh NH nước ngoài (viết tắt là TT41) và cập nhật những quy định mới tại Chuẩn mực Basel III năm 2017, đảm bảo phù hợp với đặc thù hoạt động của NHTM, chi nhánh NH nước ngoài.

Điểm đáng chú ý tại dự thảo là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức 10,5%, trong đó đảm bảo vốn cấp 1 tối thiểu 6%, vốn lõi cấp 1 là 4,5%, tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là 8%, bộ đệm bảo toàn vốn là 2,5%.

Đồng thời, dự thảo thông tư quy định khoản cho vay bảo đảm bằng BĐS là khoản cho vay đối với cá nhân, pháp nhân để mua bất động sản, thực hiện dự án BĐS và được bảo đảm bằng BĐS, dự án BĐS theo các quy định của pháp luật về giao dịch đảm bảo (để phù hợp chuẩn mực Basel III SA đoạn 59, 60, 62, 73). Trong khi đó, TT41 quy định khoản cho vay bảo đảm bằng BĐS được bảo đảm bằng chính BĐS, dự án BĐS.

Khoản cấp tín dụng bán lẻ là danh mục các khoản cấp tín dụng cho khách hàng là cá nhân hoặc khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (không bao gồm các khoản cho vay bảo đảm bằng BĐS, khoản cho vay thế chấp nhà ở, các khoản cho vay để kinh doanh chứng khoán) mà số dư cấp tín dụng (đã giải ngân và chưa giải ngân) của một khách hàng đảm bảo, đồng thời: không vượt quá 8 tỷ đồng; không vượt quá 0,2% tổng số dư của toàn bộ danh mục cấp tín dụng bán lẻ (đã giải ngân và chưa giải ngân) của NHTM, chi nhánh NH nước ngoài. Việc chỉnh sửa để phù hợp chuẩn mực Basel III SA đoạn 54, 55.

Trong phần thuyết minh dự thảo, NHNN cho biết, chuẩn mực Basel II đã được ban hành từ năm 2006, Chuẩn mực Basel III ban hành từ năm 2010, có phiên bản cải cách 2017 và có một số điều chỉnh đến nay. Basel III là chuẩn mực quản trị rủi ro đã và đang được áp dụng rộng rãi trên quốc tế. Đây là chuẩn mực mà hệ thống NH hướng đến, thông qua việc nâng cao chất lượng về vốn và năng lực thanh khoản theo yêu cầu của chuẩn mực tạo nền tảng cho một hệ thống NH phát triển bền vững, có sức chống chịu biến cố, khả năng phục hồi sau biến cố và góp phần ngăn ngừa những tổn thất hệ thống có thể xảy ra.

Trên thực tiễn, một số NHTM, chi nhánh NH nước ngoài tại đã nghiên cứu, tham khảo thông lệ quốc tế về Chuẩn mực Basel III để hướng tới việc áp dụng vào quản trị rủi ro, quản trị điều hành tại NHTM, chi nhánh NH nước ngoài.

Do đó, việc nghiên cứu, ban hành thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với NHTM, chi nhánh NH nước ngoài để vừa cập nhật các quy định mới tại Chuẩn mực Basel III vừa phù hợp với đặc thù hoạt động của NHTM, chi nhánh NH nước ngoài là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các NH, chi nhánh NH nước ngoài triển khai thực hiện.

Các tin khác