Giải pháp mà Grab đề xuất là cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng gọi xe công nghệ để hỗ trợ kết nối lực lượng đi chợ hộ với đơn vị cung ứng hàng hóa và người dân tại các vùng cam và vùng đỏ.
Cụ thể, người dân sẽ tải ứng dụng Grab về điện thoại thông minh và tạo tài khoản người dùng trên ứng dụng. Sau đó, vào danh mục GrabMart trên ứng dụng Grab, nhập địa chỉ cư trú, lựa chọn các mặt hàng và số lượng cần mua. Người dùng sẽ chỉ đặt hàng được tại các Đơn vị cung ứng hàng hóa trong khu vực sinh sống của mình.
Bước cuối cùng, kiểm tra lại các thông tin (địa chỉ, chi tiết đặt hàng hóa), lựa chọn phương thức thanh toán và nhấn nút "Đặt hàng". Tại bước này, người dùng được khuyến khích lựa chọn phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng để giảm thiểu các tiếp xúc vật lý.
Trường hợp người dùng chưa có thẻ ngân hàng, thẻ thanh toán, ví điện tử, có thể lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt cho người đi chợ hộ khi nhận hàng.
Đơn vị cung ứng hàng hóa sẽ tạo lập một gian hàng trực tuyến trên ứng dụng (với sự hỗ trợ của Grab) đối với trường hợp chưa đăng ký ứng dụng. Gian hàng sẽ hiển thị đầy đủ các mặt hàng có sẵn cập nhật theo từng thời điểm. Hàng hoá sẽ được sắp xếp theo dạng đơn lẻ hoặc theo gói combo (ví dụ combo thực phẩm bao gồm rau củ, thịt/cá, gạo/mì, nguyên liệu cần thiết để nấu ăn hàng ngày; combo thiết yếu bao gồm xả bông, chất tẩy rửa, đồ vệ sinh cá nhân).
Khi người dùng đặt hàng trên ứng dụng, đơn vị cung ứng hàng hóa sẽ chuẩn bị hàng hóa theo chủng loại, số lượng được đặt và giao khi người đi chợ thay tới nhận. Nếu người dùng thanh toán bằng tiền mặt, đơn vị cung ứng hàng hóa sẽ nhận tiền mặt từ người đi chợ hộ.
Đối với lực lượng đi chợ hộ, mỗi tổ công tác đặc biệt của phường/xã tạo lập một tài khoản Người đi chợ hộ, bao gồm tên (ví dụ Tổ công tác đặc biệt P. Bình Chiếu TP. Thủ Đức), số điện thoại đầu mối liên hệ, email, tài khoản ngân hàng. Khi người dân đặt hàng trên ứng dụng, cán bộ đi chợ thay sẽ nhận được thông báo qua ứng dụng Grab, đến đơn vị cung ứng để nhận hàng hóa và giao cho người đặt theo đúng địa chỉ hiển thị.
Mỗi cán bộ đi chợ hộ có thể nhận và giao nhiều đơn hàng trong cùng một chuyến. Nếu người dân lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt, người đi chợ có thể tạm ứng tiền và sẽ thu lại của người dân theo biên lai hiện trên ứng dụng khi giao hàng. Về điểm này, Grab đề xuất thảo luận cụ thể hơn với từng địa phương và điều chỉnh phù hợp với tình hình triển khai thực tế.
Nếu được triển khai theo phương án trên, Grab sẽ miễn phí toàn bộ chi phí sử dụng ứng dụng đối với các đơn vị cung ứng hàng hóa và người dùng.
"Trước mắt, Grab đề xuất triển khai tại các quận, huyện theo Công văn 2796 của UBND TP (bao gồm quận 8, quận 12, quận Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn, TP.Thủ Đức). Theo dữ liệu của chúng tôi, các khu vực này hiện có khoảng 1,9 triệu người dùng và hơn 3.500 đơn vị bán lẻ đang hoạt động trên ứng dụng Grab (trong đó siêu thị chiếm 4,3%, còn các cửa hàng có quy mô nhỏ chiếm 95,5%.
Như vậy, nhờ phương thức giao kết điện tử, ít nhất 1,9 triệu người dùng này sẽ được phục vụ 1 cách an toàn, thuận tiện, nhanh chóng. Đồng thời các đơn vị cung ứng hàng hóa tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung cưng cho người dân tại vùng cam, vùng đỏ" - văn bản của Grab nêu rõ.