Liệu đây có phải là những tác nhân để CP của Digiworld tăng từ 2.0 hồi đầu tháng 7 lên đến gần 2.8 vào cuối tháng 9 vừa qua?
Lợi thế là nhà bán buôn
So với biến động của các CP trong ngành phân phối khác như MWG (Thế giới di động), FRT (CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT), PET (Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp dầu khí) hay PSD (CTCP Dịch vụ phân phối tổng hợp dầu khí), tốc độ tăng giá của DGW trong thời gian qua là “vô đối”.
Điển hình, trong khoảng thời gian DGW tăng giá 40%, MWG chỉ tăng được 25%, FRT tăng chưa đến 10%, PET tăng chưa đến 5%... Là một đơn vị bán buôn, DGW ít nhiều có tính tương đồng với PET, khác với DGW, FRT vốn là các nhà bán lẻ, có mở chuỗi cửa hàng, siêu thị… Vậy đâu là lợi thế khiến giá DGW có thể vượt trội so với các công ty tương tự cũng như các đối thủ khác?
Một điều dễ thấy nhất đó là DGW “nhỏ” về một số mặt nếu so với các đơn vị cùng ngành. Vốn hóa của DGW hiện đạt khoảng 1.010 tỷ đồng, chỉ lớn hơn so với PET (hơn 750 tỷ đồng) và PSD (gần 360 tỷ đồng), nhưng không thể so với FRT (hơn 5.030 tỷ đồng) hay MWG (gần 38.600 tỷ đồng).
Vốn hóa của DGW nhỏ cũng xuất phát từ việc DGW hiện có vốn điều lệ mới hơn 407 tỷ đồng, về mặt này DGW xếp thứ 2 từ dưới đếm lên, chỉ hơn được có PSD (gần 300 tỷ đồng), và thua hết tất cả các nhà phân phối khác. Vốn điều lệ thấp nên khối lượng lưu hành cũng sẽ không nhiều, cơ cấu cổ đông cũng cô đặc hơn, chính vì vậy khi có sự đồng thuận nhất là với bên mua, thì khả năng CP bật lên rất dễ dàng. DGW chỉ là một CP tầm mid cap, tất nhiên sức bật sẽ phải cao hơn so với CP vốn hóa lớn như MWG.
Lợi thế nhỏ về vốn hóa, vốn điều lệ dễ tạo ra sức bật cho CP, vậy còn hoạt động kinh doanh của DGW thì sao? Trước tiên cần phải khẳng định, tăng trưởng của DGW tương đối ấn tượng. Công ty cho biết sở dĩ KQKD quý III-2018 tăng trưởng ấn tượng là nhờ các mảng sản phẩm như điện thoại tăng trưởng đến 200%, tablet và laptop cũng tăng trưởng. Tăng trưởng là chất liệu quan trọng để tạo ra kỳ vọng cho doanh nghiệp nói chung, và đặc biệt quan trọng với các nhà phân phối.
Nhưng với riêng DGW, dường như tăng trưởng đóng vai trò quan trọng hơn, vì nó gần như duy nhất. Bởi đơn giản, nếu như MWG hay FRT còn có hệ thống cửa hàng, siêu thị rộng khắp để NĐT có thể đến quan sát, trải nghiệm, thì DGW là nhà bán buôn, những lợi thế không dễ để nắm bắt.
Tỷ suất sinh lời thấp
Còn xét về số tuyệt đối rõ ràng DT hay LN của DGW cũng chưa thực sự ấn tượng. Mặc dù DT lên đến 1.000-2.000 tỷ đồng cho mỗi quý, nhưng LN của MWG chỉ ở con số vài chục tỷ đồng. LN sau thuế của DGW quý III-2018 đạt 36 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm trước, và đây cũng là quý đầu tiên sau nhiều quý liên tiếp DGW thu được thành quả ấn tượng như vậy, trước đó con số chỉ tầm 20-30 tỷ đồng.
Tất nhiên, mỗi ngày có một biên LN/DT khác nhau, dù biên LN ròng của DGW chỉ vài %, nhưng cũng ít nhiều khiến cho nhiều NĐT phải đặt dấu hỏi về suất sinh lời. Cũng phải nói thêm rằng, nếu biên LN thấp, DT phải cao để bù đắp, nhưng rõ ràng DT của DGW dù tăng trưởng ấn tượng nhưng vẫn chưa đạt mức cao. So về DT thì DGW vẫn chưa chạm ngưỡng 2.000 tỷ đồng/quý, trong khi PET đã đạt mức 2.000-3.000 tỷ đồng/quý từ lâu rồi.
Rõ ràng, NĐT mua DGW là mua ở sự kỳ vọng, nhưng kỳ vọng nằm ở thì tương lai có thể đúng, cũng có thể sai, sai ở đây chưa hẳn về kết quả, mà do thời điểm, độ trễ và các yếu tố khách quan. Ở đây, giải mã thêm về kỳ vọng của NĐT dành cho DGW không đơn thuần ở tên tuổi, thị phần hiện có của DGW trong mảng điện thoại, laptop, tablet, mà còn ở những lĩnh vực mới mà công ty này tham gia, tiêu biểu có mảng dược phẩm.
Cùng trong xu hướng của các ông lớn bán lẻ như MWG, FPT Retail… tham gia mảng dược phẩm, DGW cũng không nằm ngoài cuộc. Thị trường phân phối dược phẩm xây dựng mô hình các chuỗi cửa hàng hiện vẫn còn ở giai đoạn ban đầu mà các doanh nghiệp đang không ngừng đua tranh để mở rộng hệ thống.
Tất cả những nhà bán lẻ đều kỳ vọng có thể giành được thị phần, nhưng rõ ràng miếng bánh sẽ khó lòng chia đều cho tất cả. Thời gian sẽ lựa chọn ra được những cái tên mạnh nhất và DGW cũng được kỳ vọng nằm trong số đó. Nhưng cũng nên nhớ rằng, việc phân phối điện thoại, tablet sẽ khác với dược phẩm, một loại hình sản phẩm rất khác. Các nhà bán lẻ khi tham gia mảng này có lợi thế là tất cả quay lại từ ban đầu, tức đều phải “học” một ngành mới, xuất phát điểm như nhau.
Điều này có thể là một ẩn số, và trên thị trường dược phẩm cũng sẽ có những bất ngờ. Nhưng nói gì thì nói, những doanh nghiệp có DT lớn, vốn lớn, hệ thống bán lẻ mở rộng chắc chắn sẽ có những lá bài tủ quan trọng trong cuộc cạnh tranh đường dài cho một sản phẩm mới, vì có nhiều cơ hội đầu tư, thử nghiệm và cả sửa sai.