DIC Corp đứng trước nguy cơ bị thâu tóm

(ĐTTCO) - Việc DIC Corp không thể tổ chức ĐHCĐ thường niên 2023, do không đủ số cổ đông có quyền biểu quyết, cho thấy doanh nghiệp này đang trong thời điểm cực kỳ nhạy cảm.

Cổ đông nhỏ quá lớn

Chiều ngày 28-6, tại TP Vũng Tàu, sau thời gian chờ đợi khá lâu, HĐQT của DIC Corp (mả CK DIG) quyết định hủy tổ chức ĐHCĐ thường niên 2023 do số cổ đông tham dự chỉ chiếm 36,91% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Đáng chú ý, một trong những cổ đông nắm giữ lượng cổ phần lớn tại DIC Corp là ông Trần Quí Thanh, hiện đang nắm giữ 5% cổ phần, không có mặt tại ĐHCĐ, vì bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam.

Chia sẻ bên lề ĐHCĐ, ông Trần Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Corp, thừa nhận lý do không thể tiến hành đại hội là do cơ cấu cổ đông có quá nhiều nhà đầu tư (NĐT) nhỏ lẻ. Theo danh sách do Trung tâm Lưu ký Chứng khoán chốt ngày 24-5, DIC Corp có 64.907 cổ đông, trong đó đa phần là cổ đông nhỏ lẻ giao dịch “lướt sóng”.

Thậm chí, có thời điểm doanh nghiệp có đến 80.000 cổ đông. Do vậy, việc cổ đông lớn là ông Trần Quí Thanh vắng mặt cũng là lý do khiến ĐHCĐ không thể tiến hành. Đây không phải là lần đầu tiên DIC Crop không thể tổ chức ĐHCĐ do không đủ cổ đông có quyền biểu quyết tham gia. Trước đó, tháng 9-2022, DIC Corp không thể tổ chức ĐHCĐ bất thường bàn kế hoạch tăng vốn.

Chiều ngày 28-6-2023, DIC Corp đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023, sau đó tuyên bố huỷ Đại hội đợt 1 do tỷ lệ cổ đông tham dự không đủ theo quy định.

Chiều ngày 28-6-2023, DIC Corp đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023, sau đó tuyên bố huỷ Đại hội đợt 1 do tỷ lệ cổ đông tham dự không đủ theo quy định.

Theo số liệu thống kê tại ĐHCĐ bất thành ngày 28-6, nhóm cổ đông liên quan đến ông Tuấn nắm giữ 23,6% cổ phần, còn lại là cổ đông nhỏ chiếm 13,3%. Như vậy, muốn đạt tỷ lệ trên 50% để tổ chức ĐHCĐ lần 2 cần phải có thêm 14,1% cổ phần tham gia. Đây là điều cực kỳ khó khăn, bởi HĐQT DIC Corp tỏ ra “cố chấp” khi tổ chức ở Vũng Tàu, thay vì TPHCM sẽ thuận tiện hơn cho NĐT.

Nhu cầu vốn còn rất lớn

Chia sẻ với các cổ đông bên lề ĐH, ông Nguyễn Quang Tín, Tổng giám đốc DIC Corp, lĩnh vực BĐS có 3 rủi ro chính. Yếu tố đầu tiên là các rủi ro thị trường, sản phẩm, sức mua suy giảm. Yếu tố thứ 2 là rủi ro tài chính từ bên bán và bên mua không huy động được nguồn vốn để triển khai dự án một cách đầy đủ. Nếu tình hình này kéo dài, hệ thống các doanh nghiệp BĐS sẽ rơi vào tình huống nguy hiểm, khi người mua chịu áp lực thanh toán với lãi suất cao. Yếu tố thứ 3 là doanh nghiệp BĐS chịu rủi ro pháp lý kéo dài.

2 cổ đông nắm giữ cổ phần lớn nhất tại DIC Corp là ông Tuấn và con trai Nguyễn Hùng Cường. Hiện 2 cha con ông Tuấn đang nắm gần 108 triệu CP DIG, tương đương 17,7% cổ phần.

So với các doanh nghiệp BĐS khác, DIC Corp còn gặp bất lợi nhiều hơn vì khả năng bán hàng chậm hơn. Nguyên nhân là do phần lớn dự án của DIC Corp nghiêng về đầu cơ và đầu tư.

Thực tế, các dự án chính mà DIG đang triển khai bán hàng chủ yếu các sản phẩm đất nền, nên phần lớn khách hàng là nhà đầu cơ. Đây là phân khúc mang tâm lý thận trọng nên ảnh hưởng tiêu cực tới sức hấp thụ các sản phẩm của doanh nghiệp.

Để có thể thoát khỏi tình cảnh khó khăn như hiện tại cộng với quỹ đất hơn 5.000ha, nhu cầu vốn của DIC Corp rất lớn để triển khai và bán hàng. Theo chia sẻ từ đại diện DIC Corp, kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm nay là 4.138 tỷ đồng. Trong đó, các dự án đang triển khai gần 2.760 tỷ đồng, các dự án nghiên cứu đầu tư gần 96 tỷ đồng, tiền thuê đất/sử dụng đất gần 1.253 tỷ đồng và đầu tư tài chính 30 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên cơ sở kế hoạch kinh doanh và đầu tư 2023, để chủ động thu xếp vốn cho một số dự án, HĐQT DIC Corp cũng có kế hoạch trình cổ đông phê duyệt chủ trương vay vốn. Cụ thể, một số dự án có kế hoạch vay vốn trong năm nay như: khu phức hợp Cap Saint Jacques gần 424 tỷ đồng, khách sạn DIC Star Vị Thanh 290 tỷ đồng, chung cư DIC Emera 1.044 tỷ đồng, và nhà ở xã hội thuộc khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên 430 tỷ đồng.

Thời điểm nhạy cảm

Như vậy, ngoài kế hoạch vay vốn ngân hàng, DIC Corp sẽ phải lên kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới. Trong bối cảnh số dư tiền không còn nhiều, nguồn vốn tín dụng và trái phiếu khó khăn, việc phát hành tăng vốn là rất cần thiết.

Tuy nhiên, khả năng tăng vốn của DIC Corp ở thời điểm hiện tại là rất khó, bởi trước đó doanh nghiệp đã phải hủy kế hoạch phát hành 100 triệu CP với giá bán 15.000 đồng/CP để tăng vốn. Trước đó nữa, DIC Crop lên kế hoạch phát hành số CP này với giá 30.000 đồng, sau đó giảm xuống 20.000 đồng do biến động không thuận lợi của giá CP.

Giả sử nếu tăng vốn thành công, gia đình ông Tuấn có khả năng mất quyền điều hành doanh nghiệp nếu nhóm cổ đông lớn tiềm ẩn gia tăng tỷ lệ nắm giữ, trong bối cảnh nhóm cổ đông của ông Tuấn đang gặp khó sau khi bị bán giải chấp CP.

Hiện tại, chỉ cần nhóm cổ đông lớn bỏ ra khoảng 1.000 tỷ đồng để gom đủ 30% cổ phần và đề cử 3 thành viên vào HĐQT, thì nhóm thành viên HĐQT của ông Tuấn sẽ gặp khó. Đáng nói là việc thu gom CP DIG trên sàn là không quá khó với số lượng CP trôi nổi lớn như hiện tại. Đơn cử phiên giao dịch ngày 22-6 có 47,7 triệu CP DIG được khớp lệnh, với tổng giá trị giao dịch đạt 1.085 tỷ đồng.

Theo một chuyên gia tài chính, việc mất quyền điều hành DIC Corp về nhóm cổ đông lớn khác nếu xảy ra, cũng là hệ quả tất yếu của cách điều hành mập mờ và có dấu hiệu lợi ích nhóm của các thành viên gia đình ông Tuấn.

Vị chuyên gia này đặt ra các nghi vấn, nhóm cổ đông lớn trong DIG đã muốn vốn hóa phần góp vốn của mình bằng nhiều cách như: chia ra nhiều người sở hữu để né công bố thông tin; mang CP đi cầm cố thế chấp để vay vốn, và khi giá trị CP giảm nên họ buộc phải bán để trả nợ hoặc bổ sung tài sản.

Trên thực tế, nhóm ông Tuấn đã bán ra số CP sở hữu sau khi dùng quyền này để đưa người vào HĐQT. Số tiền này được nhóm cổ đông đầu tư vào mục đích khác. Đến kỳ họp ĐHCĐ, do không thể huy động được tiền để mua lại nên không thể tiến hành do không đủ cổ phần cần thiết.

Các tin khác