Dịch vụ NH - Đầu tư lớn, hiệu quả thấp

Khi nguồn thu từ tín dụng giảm sút do chính sách tiền tệ chặt chẽ của NHNN, các NHTM bắt đầu cuộc chạy đua nâng cao chất lượng dịch vụ NH, đặc biệt mở rộng và phát triển dịch vụ điện tử, bán lẻ. Tuy nhiên, những nỗ lực này của các NHTM cũng chỉ mới ở ngưỡng “gieo hạt” chứ chưa gặt được kết quả nào đáng kể.

Khi nguồn thu từ tín dụng giảm sút do chính sách tiền tệ chặt chẽ của NHNN, các NHTM bắt đầu cuộc chạy đua nâng cao chất lượng dịch vụ NH, đặc biệt mở rộng và phát triển dịch vụ điện tử, bán lẻ. Tuy nhiên, những nỗ lực này của các NHTM cũng chỉ mới ở ngưỡng “gieo hạt” chứ chưa gặt được kết quả nào đáng kể.

Lãng phí

Việc chỉ dựa lợi nhuận vào nguồn thu tín dụng không còn là quyết sách đúng trong bối cảnh năm nay, do nguy cơ rủi ro về nợ xấu gia tăng nếu các NHTM cho vay nhiều. Vì vậy, việc phát triển dịch vụ vừa đáp ứng nhu cầu lợi nhuận bền vững, vừa gia tăng lợi ích tối đa cho các NHTM cũng như nền kinh tế.

Theo một phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, hiện nay dịch vụ NH truyền thống ngày càng hoàn thiện. So với giai đoạn trước, các sản phẩm huy động và cho vay được các NHTM đưa ra rất đa dạng nhưng các dịch vụ phi tín dụng vẫn chưa phát triển đúng mức. Một số dịch vụ như tài khoản, séc, thẻ thanh toán, quản lý tài sản, tín dụng cầm cố… đã triển khai thực hiện nhưng chưa phát triển mạnh.

Bên cạnh đó, vẫn tồn tại sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các NH về lãi, phí. Phương thức cạnh tranh chủ yếu là mở rộng mạng lưới, cạnh tranh giá, chưa thật sự quan tâm đến cạnh tranh thông qua chất lượng dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, thương hiệu của các NHTM.

Một thực tế hiện nay việc phát triển dịch vụ NH thường dựa trên điều kiện khả năng của từng NH. Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, muốn phát triển dịch vụ NH, đòi hỏi sự liên kết giữa các NH, nhưng do mức độ ứng dụng công nghệ giữa các NH chưa đồng bộ đã hạn chế sự liên kết này.

Thị trường thẻ Việt Nam có tiềm năng lớn, thu hút sự quan tâm của nhiều NHTM cũng như khách hàng, nhưng do đầu tư không đồng bộ nên dẫn đến lãng phí và chưa thật tiện dụng cho khách hàng. Hầu hết ứng dụng chủ yếu về công nghệ NH chỉ dừng lại ở kết nối giao dịch hệ thống, xử lý dữ liệu tập trung, giao dịch nghiệp vụ mà chưa có chính sách phát triển sản phẩm dịch vụ NH bán lẻ ra công chúng.

Chưa đồng bộ

Gần đây nhiều NHTM cổ phần đưa ra những tiện ích đi kèm thẻ thanh toán để khách hàng sử dụng như SMS Banking, Mobile Banking, Internet Banking… giúp khách hàng truy vấn số dư, chuyển khoản, thanh toán trong và ngoài hệ thống. Tuy nhiên có thể thấy khách hàng vẫn chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ NH hiện đại.

Nhiều NHTM thừa nhận, thời điểm này chỉ  khuyến khích khách hàng sử dụng chứ chưa thể tận thu dịch vụ từ đồng vốn đầu tư bỏ ra. Hiện nay, nhiều NHTM cổ phần lớn cũng chỉ đưa ra kỳ vọng nguồn dịch vụ chiếm khoảng 9-15%/tổng lợi nhuận.

Dịch vụ thanh toán điện tử vẫn chưa thu hút được nhiều người sử dụng. Ảnh: LÃ ANH

Dịch vụ thanh toán điện tử vẫn chưa thu hút
được nhiều người sử dụng. Ảnh: LÃ ANH

Tuy nhiên, theo một chuyên gia NHTM sở dĩ các NHTM chưa có nhiều nguồn thu từ  dịch vụ vì các dịch vụ hiện đại chưa phát triển đồng bộ trên cả nước, khó khăn khi kết nối giữa các trung tâm kinh tế với các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Các ứng dụng chủ yếu phát triển riêng lẻ trong từng hệ thống NH, chưa định hướng vĩ mô.

Ngoài ra, NHNN chưa đưa ra các tiêu chuẩn chung về mặt kỹ thuật đối với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nhằm tạo ra sự kết nối thuận lợi trong giao dịch thanh toán bù trừ lẫn nhau giữa các tổ chức, trong từng địa phương hay trên phạm vi cả nước.

Cụ thể, như việc kết nối giao dịch thanh toán qua ATM hay POS, mỗi NHTM do không được định hướng các tiêu chuẩn chung về mặt kỹ thuật của NHNN, khi thực hiện kết nối phải tốn thêm chi phí cho các chuyên gia nước ngoài để sửa đổi chương trình, huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên.

Mới đây, NHNN chi nhánh TPHCM đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015. Theo đó tổng khối lượng thanh toán qua NH đạt mức hàng năm 30-35%; dịch vụ thanh toán thẻ tăng trưởng 30-35%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia để đạt được các chỉ tiêu này không đơn giản, nhất là hiện nay mạng lưới kênh phân phối chưa được các NHTM phát triển hợp lý.

Phát triển mạng lưới chi nhánh vẫn được xem như công cụ cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường và thị phần chủ yếu của các NHTM hiện nay. Điều này có thể làm tăng thêm chi phí hoạt động, hạn chế hiệu quả kinh tế và không phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới NH theo yêu cầu. 

Các tin khác