Điểm nghẽn đầu tư vào Củ Chi ở đâu?

(ĐTTCO) - Ngày 12-10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đơn vị 10 đã có buổi tiếp xúc với cử tri 2 huyện Củ Chi, Hóc Môn trước thềm kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 15. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TPHCM cùng Củ Chi giải quyết rốt ráo, dứt điểm tình trạng quy hoạch treo để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc với ô nhiễm khói bụi, là một trong những nguyên nhân nhà đầu tư ngại đầu tư vào Củ Chi.
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc với ô nhiễm khói bụi, là một trong những nguyên nhân nhà đầu tư ngại đầu tư vào Củ Chi.
Bùng lên sau 3 tháng rồi yên ắng
Cách nay chừng 6 tháng, Củ Chi trở thành tâm điểm chú ý của dư luận xã hội và các nhà đầu tư lớn nhỏ. Tình hình diễn ra sôi động khi báo chí đưa tin Củ Chi sẽ tiến thẳng lên TP, đặc biệt khi UBND TPHCM tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi vào ngày 12-4, do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chủ trì, với sự có mặt nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Hội nghị mời gọi đầu tư 55 dự án, tổng vốn dự kiến hơn 12 tỷ USD (hơn 285.000 tỷ đồng); trao 10 giấy phép đầu tư cho các doanh nghiệp; 31 biên bản ghi nhớ đầu tư được ký kết với số tiền hàng trăm ngàn tỷ đồng… Cũng từ đây người dân kỳ vọng sẽ xóa được các dự án “treo”.
Theo báo cáo của UBND huyện Củ Chi, toàn huyện có 95 dự án đã được HĐND TP có nghị quyết thông qua cách nay 9-10 năm. Tuy nhiên, đến nay số lượng dự án đã hoàn thành chỉ đạt 30/95 dự án (chiếm tỷ lệ 31%), UBND huyện đề xuất hủy bỏ 22 dự án (28%) vì chậm và không triển khai được.
“Treo” lâu nhất là đề án xây dựng  đô thị vệ tinh ở Tây Bắc Củ Chi (có một phần của Hóc Môn) cách nay 24 năm (năm 1998), với diện tích hơn 6.000ha cho hơn 300.000 dân (sau này điều chỉnh còn 4.500ha, dân số nâng lên 600.000), nhưng cho đến nay (cùng với đô thị vệ tinh thứ 2 được quy hoạch là Hiệp Phước) vẫn “nằm trên giấy”.
Hay các dự án công viên Sài Gòn Safari (diện tích 456,85ha); trung tâm thương mại (12,29ha); làng nghề hoa, cây cảnh, cá cảnh (509 ha); sân golf tại xã Tân Thông Hội (200ha); khu công nghiệp (KCN) Tây-Bắc Củ Chi (phần mở rộng, 173,24ha); cụm công nghiệp Bàu Trăn (75ha)… đều được cấp giấy phép 15-20 trước, nhưng đến nay vẫn bất động.

3 điểm nghẽn chính
Củ Chi có diện tích 435km2, lớn thứ 2 ở TPHCM sau Cần Giờ (704km2), dân số ít (400.000 người). Quỹ đất còn tương đối dồi dào, khả năng chuyển đổi còn khoảng 60%, nền đất cứng, bình độ cao, dân thưa, đặc biệt Củ Chi có lợi thế là tiếp giáp với những vùng đang phát triển sôi động của Long An và Bình Dương.
Ngoài ra, Củ Chi còn có lợi thế về mặt xã hội, nơi đây nổi tiếng với những làng nghề truyền thống như bánh tráng, đan lát; những ẩm thực đặc sản nổi tiếng như bò tơ, mắm chua; những nhóm đờn ca tài tử, di tích chiến tranh, rừng sinh thái…
Tất cả kết hợp lại làm Củ Chi trở nên cực kỳ hấp dẫn. Vậy tại sao vùng đất đầy tiềm năng như thế các nhà đầu tư chỉ “ghi nhớ”, không thực sự đổ bộ vào như những vùng đất khác cận kề ở Bình Dương, Long An? Tìm ra điểm nghẽn và kiên quyết tháo dỡ là then chốt của vấn đề.
Thách thức đầu tiên và lớn nhất là giao thông. Giao thông Củ Chi hiện nay đã tốt hơn 10 năm trước, nhưng trục đường chiến lược Xuyên Á đi từ trung tâm TPHCM đến Củ Chi chỉ chừng 35km, mất thời gian gần 2 giờ đồng hồ, nếu vào giờ cao điểm có thể lên gần 3 giờ do thường xuyên kẹt xe vì đường hẹp, dân cư buôn bán và các công trình ở sát mặt đường, với điểm nghẽn thường trực ở KCN Tân Bình.
Tới đây hy vọng các dự án trọng điểm nếu triển khai thành công sẽ góp phần làm thay đổi bức tranh giao thông và tạo ra những cú hích mới cho Củ Chi. Trong đó phải kể đến trục cao tốc nối từ TPHCM lên 2 cửa khẩu của Tây Ninh là TPHCM - Mộc Bài và TPHCM - Sa Mat đi qua Củ Chi. 
Thách thức thứ 2 là sự tồn tại của KCN Tân Phú Trung có từ năm 2003. Vào thời điểm đó nó được coi là nơi tập trung các ngành nghề gây ô nhiễm và thải ra lượng rác công nghiệp rất lớn. Các công ty này một phần được di dời ra ngoại thành theo chương trình hạn chế các cơ sở sản xuất trong nội thành, phần khác thành lập mới.
Những cơ sở gây ô nhiễm phải kể đến như sản xuất giấy, bông, nhôm, cao su, nhựa, nhuộm, dược phẩm. Điều oái oăm là KCN rộng 550ha này nằm sát Quốc lộ 22, ở ngay khu trung tâm của khu đô thị vệ tinh Tây Bắc và tới đây sẽ là TP Củ Chi. 
Thách thức thứ 3 khiến các nhà đầu tư ngần ngại là Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc hình thành năm 2003. Hơn 17 năm qua, tình trạng ô nhiễm tại đây càng trở nên nghiêm trọng khiến người dân bức xúc. Tại đây hiện có 2 doanh nghiệp tiếp nhận và xử lý rác thải, là CTCP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và CTCP Vietstar.
Nhiều năm qua, 2 doanh nghiệp áp dụng dây chuyền công nghệ đốt rác để xử lý, thay thế việc chôn lấp rác như trước đây. Tuy nhiên, quá trình đốt rác tại khu liên hợp này phát sinh những cột khói khổng lồ kèm theo mùi hôi thối phát tán trên diện rộng hàng chục km2. Từ khi có nhà máy xử lý rác, những khu vườn cây trái, cánh đồng lúa mênh mông, dòng kênh trong lành rất nhiều cá... hầu như bị xóa sổ, thay vào đó là những mảng khói bụi bao trùm. Nước kênh khu vực lân cận các nhà máy rác đen ngòm.
Chưa kể lượng chất thải trơ 2 công ty đang lưu giữ ngoài trời với khối lượng lớn, được che phủ bằng bạt HDPE, nước rỉ rác từ các bãi này ngấm xuống đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và hư hại đất canh tác. Nước từ rác thải đã ngấm xuống đất, làm cả khu vực rộng lớn không thể có cây nào, con vật nào sống được. Người dân tại chỗ sống không nổi, làm gì có nhà đầu tư nào lại hăng hái đến đây làm ăn.
Ngoài ô nhiễm không khí, tiếng ồn phát ra từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, tiếng động cơ và mùi hôi thối, rác rơi vãi từ các xe chở rác chạy trên đường vận chuyển, cũng tạo ra hình ảnh rất phản cảm. Những ngày thời tiết lạnh khu liên hợp này lại chìm trong "biển khói".  
 Khi còn là Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh trong các hội nghị xúc tiến đầu tư, là các tỉnh thành muốn đón được đại bàng phải làm tổ cho đàng hoàng. Như thế Củ Chi muốn đón được các nhà đầu tư, muốn các dự án không bị treo hết năm này qua năm khác, bắt buộc phải có giao thông thuận tiện, môi trường tự nhiên sạch, và môi trường xã hội an toàn. Đó là quy luật cần và đủ của phát triển đô thị. 

Các tin khác