Cuộc nói chuyện này kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ. Chủ đề xoay quanh tương lai mối quan hệ phức tạp Mỹ - Trung trong bối cảnh nhiều căng thẳng kinh tế và địa chính trị đang âm ỉ. Trước đó, ngày 18/3, hai nhà lãnh đạo cũng đã điện đàm với nhau.
Cuộc điện đàm xoay quanh tương lai mối quan hệ phức tạp Mỹ - Trung. Ảnh: Reuters
Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang cân nhắc khả năng gặp trực tiếp sau cuộc điện đàm. Nhìn chung, cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa 2 nước tiếp tục căng thẳng về nhiều vấn đề, từ kinh tế, thương mại tới chính trị.
Thời điểm này, ông Biden đang tìm phương cách mới để giao thiệp cũng như thử nghiệm những chiến lược kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trên khắp thế giới. Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nhấn mạnh: “Đây là một trong những mối quan hệ song phương có ảnh hưởng nhất trên thế giới hiện nay, với tác động vượt khỏi phạm vi của riêng 2 quốc gia”.
Từ khi trở thành người lãnh đạo Nhà Trắng, ông Biden đã nỗ lực thúc đẩy các biện pháp nhằm tách Mỹ khỏi sự lệ thuộc vào ngành sản xuất của Trung Quốc, trong đó có cả việc Thượng viện Mỹ ngày 27/7 thông qua dự luật khuyến khích các công ty bán dẫn xây dựng nhiều nhà máy công nghệ cao hơn ở trong nước. Ông cũng kêu gọi các đồng minh ủng hộ các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng tại nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình như 1 giải pháp thay thế cho Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) mà Trung Quốc đang thúc đẩy.
Theo lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, một số lĩnh vực xung đột được đề cập trong cuộc điện đàm ngày 28/7 gồm “căng thẳng về Đài Loan (Trung Quốc), cách hành xử của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, căng thẳng trong quan hệ kinh tế” cũng như phản ứng của Trung Quốc đối với xung đột Nga - Ukraine.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đánh giá đây là một cuộc trao đổi hiệu quả, song tiếp tục chỉ trích cái mà Bắc Kinh gọi là "sự khiêu khích của Mỹ". Tôn Vân, Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Viện nghiên cứu chính sách Trung tâm Stimson, đánh giá, cả 2 nước đều tuyên bố cuộc thảo luận bao gồm hàng loạt chủ đề, từ dịch bệnh cho tới biến đổi khí hậu.
Căng thẳng về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi
Căng thẳng mới nhất giữa hai đại cường liên quan đến thông tin về chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Nếu chuyến thăm diễn ra, bà Pelosi sẽ là quan chức dân cử cấp cao nhất của Mỹ đến Đài Loan kể từ khi cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, thành viên Đảng Cộng hòa, đến thăm hòn đảo này vào năm 1997.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 28/7 cho biết gần đây Trung Quốc đã nhiều lần thể hiện rõ lập trường kiên quyết phản đối Pelosi thăm Đài Loan. Ngoài người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện cũng đưa ra các tuyên bố.
Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc có thể sẽ triển khai một số biện pháp quân sự nếu bà Pelosi quyết tới Đài Loan, từ các cuộc tập trận - thường diễn ra cùng lúc các chuyến công du mà Trung Quốc phản đối - cho tới đóng cửa không phận hoặc khóa đường biển tạm thời.
Các đảo quốc Thái Bình Dương trong cuộc cạnh tranh Mỹ - TrungXem ngay
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết ông đã đích thân cung cấp cho bà Pelosi bản đánh giá an ninh về chuyến thăm của bà tới Đài Loan.
Từ khi Washington và Bắc Kinh bình thường hóa quan hệ, đây không phải là lần đầu tiên Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến thăm Đài Loan, nhưng chưa bao giờ Trung Quốc lại có phản ứng mạnh mẽ như lần này. Thậm chí, một số quan chức trong chính quyền Biden tiết lộ với báo chí khả năng Trung Quốc chuẩn bị một kế hoạch đáp trả có thể “khuynh đảo” tình hình.
Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden cũng đang chịu áp lực chính trị lớn không kém, đặc biệt là từ phía đảng đối lập. Thượng nghị sĩ Ben Sasse của đảng Cộng hòa cho rằng nếu Chủ tịch Hạ viện Mỹ hủy hay dời lại chuyến đi Đài Loan, đây sẽ là dấu hiệu của một sự “mềm yếu” trong quan hệ của Washington với Bắc Kinh.
Kiềm chế
Dư luận thế giới đánh giá cuộc điện đàm lần thứ 5 giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn xoay quanh những vấn đề căng thẳng trong mối quan hệ giữa 2 nước thời gian gần đây, chẳng hạn như việc Mỹ có dỡ bỏ thuế quan thương mại đối với hàng hóa Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ hay không, việc xử lý cạnh tranh giữa 2 nước và những vấn đề hai bên có thể hợp tác, chẳng hạn như biến đổi khí hậu…
Mỹ vẫn muốn để ngỏ các kênh liên lạc với Trung Quốc về những vấn đề gây căng thẳng trong mối quan hệ này.
Tuy nhiên, quan điểm về vấn đề Đài Loan đang ngày càng trở nên căng thẳng, một "tia lửa" cũng có thể khiến tình hình này leo thang thành một cuộc xung đột quân sự, và chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, nếu diễn ra, có thể chính là "tia lửa" đó.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc mong muốn tránh đối đầu với Mỹ, nhưng có thể sẵn sàng chấp nhận rủi ro leo thang. Chính vì vậy, lãnh đạo hai bên phải tìm một lối thoát để tránh cuộc đối đầu nguy hiểm mà không bên nào mong muốn.