Điều chỉnh lãi suất vì lợi ích toàn cục

Cả về lý thuyết và thực tế đều cho thấy lãi suất cần được thiết lập dựa chủ yếu vào mức lạm phát thực và chi phí hoạt động tối thiểu của NH. Đồng thời, cần phục vụ mục tiêu quản lý dòng vốn tín dụng xã hội, yêu cầu thúc đẩy cạnh tranh và trạng thái thanh toán của hệ thống NH.

Cả về lý thuyết và thực tế đều cho thấy lãi suất cần được thiết lập dựa chủ yếu vào mức lạm phát thực và chi phí hoạt động tối thiểu của NH. Đồng thời, cần phục vụ mục tiêu quản lý dòng vốn tín dụng xã hội, yêu cầu thúc đẩy cạnh tranh và trạng thái thanh toán của hệ thống NH.

Trong bối cảnh nền kinh tế có tính độc quyền và đầu cơ cao, cần duy trì và khống chế cả hai loại trần, nhất là trần lãi suất cho vay và gia tăng kiểm soát vĩ mô nhằm hạn chế tình trạng buôn bán vốn lòng vòng và việc tập trung cho vay rủi ro vào lĩnh vực phi sản xuất, từ đó giúp cải thiện nguồn vốn cho đầu tư sản xuất, cũng như giảm thiểu nguy cơ bất ổn hệ thống NH.

Khi đã áp dụng trần lãi suất huy động, cần thiết phải xem xét trần lãi suất cho vay. Ảnh: LÃ ANH

Khi đã áp dụng trần lãi suất huy động,
cần thiết phải xem xét trần lãi suất cho vay. Ảnh: LÃ ANH

Trần lãi suất huy động chủ yếu để bảo vệ các tổ chức tín dụng, chống cạnh tranh lãi suất không lành mạnh trong bối cảnh chưa có sự chuẩn hóa và bình đẳng giữa các NH và tổ chức tín dụng trên thị trường. Tuy nhiên, để bảo vệ các doanh nghiệp vay tín dụng và vì lợi ích ổn định vĩ mô chung, trần lãi suất cho vay lại cần thiết và có hiệu quả hơn.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì trần lãi suất cho vay sẽ giúp doanh nghiệp không bị xử ép và chạy đua “đấu giá” chịu vay lãi suất cao khi tiếp cận nguồn tín dụng NH. Trần lãi suất cho vay cũng nhằm để hạn chế các NH và tổ chức tín dụng chạy đua cho vay lãi suất cao, tạo sự dồn ứ, tập trung dư nợ tín dụng vào khu vực phi sản xuất, có tính đầu cơ cao, gây rủi ro cho bản thân các NH và sự ổn định của nền kinh tế.

Trần lãi suất cho vay còn giúp việc sử dụng vốn tín dụng đúng mục tiêu an toàn, đạt hiệu quả xã hội cao hơn. Vì thế thật không công bằng khi NH kêu ca người gửi tiền ép NH phải huy động lãi suất cao (dù vẫn thực âm), trong khi không ai phàn nàn về giãn cách rất xa giữa lãi suất huy động và cho vay của NH, đặc biệt việc doanh nghiệp lao đao và gồng mình “nuôi nợ” khi NH cho vay tín dụng với lãi suất (thực dương) quá cao và thu lợi nhuận cả ngàn tỷ đồng.

Thực tế hiện nay cho thấy, việc dỡ bỏ trần lãi suất cho vay sớm, trong khi giữ và khống chế trần lãi suất huy động thấp hơn mức lạm phát, đã khiến các NH đứng trước cả 2 sức ép với tất cả các hệ lụy tiêu cực của chúng. Đó là việc các NH phải chịu sức ép cạnh tranh nhằm duy trì ổn định nguồn vốn huy động.

Do mức lãi suất huy động trần danh nghĩa thấp, không tuân theo nguyên tắc lãi suất thực dương, nên NH luôn tìm các chiêu “lách luật, lách trần”, tạo căng thẳng thanh khoản, buôn bán vốn lòng vòng, thiếu minh bạch, gây cảnh “mất nhiều hơn được” trong theo đuổi các mục tiêu điều hành lãi suất của NHNN.

Bên cạnh đó, NH chịu sức ép tìm kiếm khách hàng  đủ sức chịu lãi vay cao, khiến dòng vốn tín dụng bị dồn tụ, tập trung thái quá bất chấp nguyên tắc an toàn vào một số khách hàng và lĩnh vực kinh doanh, nhất là cho vay phi sản xuất. Việc “tập trung trứng vào một giỏ” này sẽ khiến rủi ro tín dụng gia tăng và chủ trương tập trung cho vay sản xuất, nhất là cho vay tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa… cũng sẽ dừng lại ở chủ trương mà thôi.

Hơn nữa, lãi suất cho vay quá cao đang khiến hệ thống doanh nghiệp trở nên nghẹt thở, mất khả năng cạnh tranh, nguy cơ thu hẹp sản xuất, vỡ nợ và giãn thợ, tạo sức ép xã hội ngày một tăng cao. Vì vậy, việc tái lập, duy trì trần lãi suất cho vay và triển khai các biện pháp đồng bộ khác để bảo vệ các doanh nghiệp, làm lành mạnh thị trường tài chính và sản xuất xã hội đang trở nên hiện hữu, cấp thiết hơn.

Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, thực hiện đúng nguyên tắc cạnh tranh đầy đủ trong hoạt động tín dụng với các điều kiện lành mạnh và chuẩn hóa khác, cả về phía các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp, cũng như quản lý nhà nước, thì không cần bất kỳ trần lãi suất nào, cả huy động lẫn cho vay tín dụng.

Ngoài ra, để an toàn và hợp lý nhất, quá trình dỡ bỏ trần lãi suất phải được thực hiện đúng lúc, khi các điều kiện đã chín muồi và theo trình tự: dỡ bỏ trần lãi suất huy động trước khi dỡ bỏ trần lãi suất cho vay. Nói cách khác, cần lựa chọn lộ trình dỡ bỏ trần lãi suất sao cho đạt được nhiều mục tiêu hài hòa nhất, vì lợi ích của doanh nghiệp và nền kinh tế chung.

Trước mắt, cơ chế quản lý tỷ giá VNĐ/USD phải tiếp tục đẩy mạnh và thực sự mềm dẻo, linh hoạt hơn theo tín hiệu thị trường, không để lặp tình trạng 2 tỷ giá kéo dài, cũng như những cú “sốc tỷ giá” lợi ít, hại nhiều như thời gian qua.

Các tin khác