Từ ngày 2-1-2022, mỗi tháng sẽ có 3 lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào các ngày 1, ngày 11 và ngày 21, mỗi lần cách nhau 10 ngày thay vì 15 ngày như trước.
Song điều hành giá bằng mệnh lệnh theo chu kỳ càng là điều xưa nay hiếm. Giá xăng dầu thế giới diễn biến không định hạn theo thời gian, mà theo hàn thử biểu của thời cuộc chính trị - kinh tế.
Chỉ cần có sự kiện nóng hổi trên thế giới, lập tức giá xăng dầu nhảy múa. Nhưng vì xăng dầu được xem như mọi hàng hóa trong thị trường, nên xăng dầu không thể làm khuynh đảo kinh tế thế giới, chưa nền kinh tế nào sụp đổ vì giá xăng dầu.
Kinh doanh xăng dầu thời nay đã cởi mở, đầu mối nhập khẩu xăng dầu được mở rộng. Các cây xăng mọc lên như nấm sau mưa, tuy vậy cũng có 2 dạng. (1) Cây xăng thường là vòi bơm kéo dài của các đại ca xăng dầu quốc gia, nên dù sóng gió giá cả thế nào đều bình an vô sự.
(2) Các cây xăng của chị Ba, chú Tư, cậu Bảy… mỗi lần nghe phong thanh giá sắp tăng, lập tức đóng máy, khi giá tăng lại mở.
Từ tình hình nói trên, đặc biệt là soi qua các giải pháp “Đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống” của nhà chức trách, đã hé lộ “tử huyệt” của xăng dầu lâu nay vẫn bị che lấp.
(1) Các đầu mối nhập khẩu không thực hiện đúng lịch trình đưa hàng về, nay hối thúc “lên kế hoạch nhập khẩu”; đồng thời có yêu cầu “phải tạo điều kiện thuận lợi cho các thủ tục nhập khẩu, vận chuyển, lưu thông, phân phối xăng dầu”.
(2) Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm sản lượng cũng biết trước, nhưng chỉ có thể cầu cạnh các bên liên quan trong liên doanh nhà máy này đảm bảo cung cấp như cam kết.
(3) Điều hành giá bán lẻ tiệm cận với giá xăng dầu thế giới. Vậy là lâu nay điều hành chểnh mảng không nắm chắc nguồn cung vừa không cập nhật giá dầu thế giới nên mới ra nỗi này.
(4) Tăng cường kiểm tra các cây xăng thường xuyên, đột xuất. Hóa ra các lực lượng chức năng lâu nay “mải vui quên hết lời ai dặn dò”, bây giờ do cấp trên đốc thúc mới ra luống cuống tuýt còi.
(5) Xăng dầu có cả xâu cơ quan chăm sóc với đội quan tác nghiệp hùng hậu, vậy mà khi lâm sự mới tất bật ra quân. Lâu nay từ việc lọc hóa dầu, nhập khẩu đến cho phép bán, định giá bán đều do các vị chèo chống, mới đây vẫn khăng khăng đủ nguồn cung, đến lúc vỡ lở mới cuống quýt ra tay, đổ vấy cho các cây xăng găm hàng trục lợi.
Đúng là thực sự thiếu nguồn cung. Bởi giá dầu thô thế giới tăng, đầu mối nhập khẩu dềnh dàng chưa chịu mang về; Nghi Sơn ì ra vì càng chạy càng lỗ, giá dầu thô càng lên lỗ càng nặng. Cực chẳng đã phải dứt ruột xuất bán dầu dự trữ quốc gia và rục rịch giảm thuế nhập khẩu xăng dầu.
Một thời chúng ta say sưa có mỏ dầu khủng với trữ lượng được ví con voi, dầu mỏ của phần còn lại trên thế giới chỉ như con tem dán trên con voi. Lại có nhà máy lọc hóa dầu, hẳn sẽ không bao giờ lo thiếu xăng dầu. Vậy cớ sao lâu nay cứ “đến hẹn, xăng dầu lại đứt đoạn”, dẫn tới cơ sự thế này. Câu trả lời dễ nhưng nói ra thì khó.
Khi phải căng sức chống xuất lậu xăng dầu qua Campuchia chỉ vì giá xăng dầu bên ta rẻ hơn bên bạn. Thế là ghe thuyền, xe thồ chất thùng, can xăng dầu ùn ùn sang đó. Săn bắt, phạt vạ không xuể. Song khi giá 2 bên thăng bằng, các lực lượng chức năng thất nghiệp. Vậy đã đến lúc xem xăng dầu như mọi hàng hóa, vật tư bình thường khác để thị trường “sai khiến”.
Xăng dầu không “bị” là mặt hàng chiến lược, kinh doanh có điều kiện. Bất cứ tổ chức, cá nhân thuộc thành phần kinh tế nào có tư cách pháp nhân, tự mình hoặc liên doanh với bất cứ đối tác nào kể cả 100% vốn nước ngoài, là được xây nhà máy lọc hóa dầu, lập hãng nhập khẩu xăng dầu, dựng cây xăng.
Do vậy, bỏ việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu để thị trường điều tiết theo thân nhiệt của thị trường xăng dầu thế giới. Không thể đổ tội do giá xăng dầu tăng kéo theo lạm phát.