![Đà Nẵng và TPHCM sẽ trở thành TTTC quốc tế.](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/evofjasfzyr/2025_02_08/thanh-pho-da-nang-1-1698985580004-1698985580559703706452-6909-2444.jpg.webp)
Thành bại nhờ… sandbox
Theo Thông báo 47-TB/TW ngày 15-11-2024, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thành lập TTTC quốc tế toàn diện tại TPHCM và TTTC khu vực tại TP Đà Nẵng. Theo đó, từ nay đến năm 2030 sẽ tập trung ban hành và tổ chức thực hiện ngay 8 nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam; thí điểm 6 nhóm chính sách thông dụng tại các TTTC lớn trên thế giới với lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Tiếp đó, từ năm 2030 đến năm 2035, tổ chức thực hiện đầy đủ theo lộ trình các nhóm chính sách thông dụng tại các TTTC lớn trên thế giới… Lộ trình khung này mang tính chất định hướng; quá trình thực hiện cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhanh nhất có thể, nếu thời cơ thuận lợi, điều kiện đã chín muồi có thể làm ngay, nhanh hơn các bước tiếp theo, không chờ theo thứ tự.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch hành động của Chính phủ đã phân công 49 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho 12 bộ, ngành, và các địa phương chủ trì triển khai, gắn với các sản phẩm đầu ra để hình thành khung pháp lý và chuẩn bị các điều kiện nền tảng phát triển các TTTC tại Việt Nam.
Trong số các chính sách thí điểm (sanbox) được đề nghị, dự thảo chính sách đối với fintech (công nghệ tài chính) đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết về các biện pháp quản lý tài sản mã hóa, tiền mã hóa, NFT, token tiện ích…
Tuy nhiên, nhiều ý kiến doanh nghiệp bày tỏ lo ngại cho rằng, sẽ rất khó để quy phạm hóa các vấn đề quá mới và còn đang biến đổi rất nhanh. Thay vì Chính phủ “dựng khung” và áp dụng, doanh nghiệp đề nghị cho phép họ đề xuất giải pháp để đáp ứng các mục tiêu quản lý của Nhà nước.
Nhà nước định ra các mục tiêu như bảo vệ quyền sở hữu, phòng chống lừa đảo, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, phòng chống rửa tiền, an ninh năng lượng và môi trường. Doanh nghiệp fintech sẽ trình bày mô hình kinh doanh của mình và thuyết minh các giải pháp để đạt được các mục tiêu đã định.
Cơ quan nhà nước đánh giá, thẩm định các giải pháp và cấp phép; tất nhiên phải thường xuyên “hậu kiểm”. Khi tính hiệu quả của các giải pháp doanh nghiệp đề xuất được khẳng định thì Nhà nước mới tiến hành quy phạm hóa.
Bên cạnh đó, cũng còn khá nhiều băn khoăn khác. Chẳng hạn việc thiết kế cơ chế thuế phù hợp đối với các doanh nghiệp đăng ký hoạt động đầu tư mạo hiểm tại TTTC. Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp mới chỉ tập trung vào việc miễn giảm loại thuế này, song cần có thêm quy định về chi phí được trừ khi tính thuế mới có thể khuyến khích các doanh nghiệp chuyên đầu tư mạo hiểm cho các startup (thường có tỷ lệ thành công thấp, mặc dù nếu thành công thì mang lại lợi nhuận lớn, do giá trị phần vốn góp có thể tăng gấp nhiều lần).
Khi doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm bán phần vốn góp ở startup thành công và có doanh thu, thì chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là đương nhiên. Tuy nhiên, khi startup thất bại, chi phí đã đầu tư không được trừ khi xác định nghĩa vụ thuế...
Chính vì chưa chắc chắn, các cơ chế thử nghiệm chưa có nên “bó cứng”. Cần vượt trội, nhưng có kiểm soát thường xuyên để kịp thời điều chỉnh. Chỉ khi được vận hành trên thực tế với tinh thần sẵn sàng chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định, mới nhanh chóng rút được kinh nghiệm, tập hợp được cơ sở đáng tin cậy để xây dựng và ban hành các quy định chính thức có chất lượng.
Thu hút và giữ chân nhân tài
Bày tỏ vui mừng về quyết định mang tính lịch sử về việc thành lập TTTC quốc tế, đại biểu Quốc hội PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhận định, trên thế giới có nhiều quốc gia đã tăng tốc phát triển ngoạn mục nhờ TTTC quốc tế. Theo ông, khi có cơ chế vượt trội, việc triển khai xây dựng TTTC sẽ nhanh, hiệu quả và bền vững.
Tuy nhiên, nếu coi cơ chế, chính sách là một bên “cánh”, thì chiếc “cánh” kia theo TS. Trần Hoàng Ngân là hạ tầng cho TTTC, bao gồm hạ tầng "cứng" về cơ sở vật chất và hạ tầng "mềm" bao gồm hạ tầng số, kết nối, công nghệ tài chính và đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Cần thu hút cho được đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước am hiểu, có kỹ năng về công nghệ tài chính” - TS. Trần Hoàng Ngân khuyến nghị. TTTC quốc tế phải có sự kết nối quốc tế, có quan hệ chặt chẽ với các TTTC lớn trên thế giới thông qua hợp tác quốc tế. Cùng với đó cũng cần ban hành các chính sách “giữ chân” nhân tài nhằm tránh “chảy máu chất xám”.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Kiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhấn mạnh: “Các tập đoàn tài chính lớn đang vận hành các loại hình hoạt động công nghệ tài chính (fintech) hay các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này đều có những ưu thế có thể khai thác.
Muốn trở thành TTTC toàn diện thì TPHCM phải trở thành nơi hội tụ của các công ty Fintech trên thế giới, và thực tế là TPHCM đã có rất nhiều điều kiện thuận lợi để làm được điều đó, cả về công nghệ, hạ tầng viễn thông, cũng như sở hữu một cộng đồng khởi nghiệp fintech năng động.
Thị trường TPHCM lại vốn nhanh nhạy với cái mới, dễ dàng đón nhận, sử dụng những công nghệ mới như blockchain, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số”.
Đại diện các nhà đầu tư “lão làng” đến từ Singapore và London đều nhìn nhận, Việt Nam đã có điều kiện cần - cam kết chính trị mạnh mẽ và sự chủ động của cơ quan quản lý, yếu tố hết sức quan trọng tạo nên lợi thế cạnh tranh. Điều kiện đủ, là giờ đây tiến trình điều hành thực thi chính sách khôn khéo, hiệu quả.