Linh hoạt nhưng chưa nhạy bén
Năm 2022 đã chứng kiến nhiều điểm gợn trong chính sách điều hành vĩ mô, hệ quả là những xáo trộn không nhỏ cho nền kinh tế cũng như tâm lý người dân. Thứ nhất là vấn đề chính sách tiền tệ. Chính sách tiền tệ vốn lâu nay đã tương đối thành công trong việc thực thi đa mục tiêu.
Đó là vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa cùng tham gia kiểm soát lạm phát, tỷ giá. Tuy nhiên, trước những bối cảnh lạm phát và đồng USD tăng giá mạnh trên phạm vi toàn cầu, chính sách tiền tệ dường như đã mất đi sự nhạy bén và linh hoạt vốn có.
Đi ngược với xu hướng toàn cầu, gần như nửa đầu năm 2022 chính sách tiền tệ đã “gồng” mình để giữ lãi suất thấp, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Song, cái giá phải trả là dự trữ ngoại hối hao hụt rất nhanh nhằm giữ ổn định tỷ giá.
Chỉ trong vài tháng, dự trữ ngoại hối đã giảm xấp xỉ 20 tỷ USD, một tốc độ đáng báo động. Chính vì sự hao hụt này, quý III-2022 chính sách tiền tệ phải thay đổi từ hỗ trợ sang thắt chặt, với mục tiêu hàng đầu giữ ổn định VNĐ.
Lãi suất đảo chiều tăng mạnh khiến doanh nghiệp và người dân hoàn toàn bất ngờ, thị trường tài chính và thị trường bất động sản bị ảnh hưởng tức thì. Niềm tin vào năng lực điều hành chính sách tiền tệ sau nhiều năm dày công xây dựng đã bị sứt mẻ phần nào.
Quốc hội luôn xác định rõ, để pháp luật đi vào cuộc sống thì trước tiên công tác lập pháp phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, bảo đảm "cuộc sống phải đi vào pháp luật và pháp luật phải đáp ứng yêu cầu của thực tiễn".
Ông VƯƠNG ĐÌNH HUỆ,
Chủ tịch Quốc hội
Thứ hai, tình trạng thiếu hụt xăng dầu. Khó có thể hình dung một năm ở thế kỷ 21, Việt Nam lại ở trong tình trạng hàng dài người và xe chờ đổ xăng suốt ngày đêm, một hình ảnh của thời bao cấp ở Việt Nam, hoặc của cuộc khủng hoảng năng lượng thập niên 1970 tại Mỹ.
Thực tế giá dầu trong năm 2022 chỉ có thời gian rất ngắn tăng cao trên 100USD/thùng, ngưỡng giá dầu đã nhiều lần vượt qua trong 3 năm 2011-2014. Tuy nhiên, khoảng thời gian này khá khắc nghiệt với kinh tế Việt Nam, khi chúng ta phải thực thi đồng thời cả thắt chặt tài khóa và tiền tệ để kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô.
Năm 2022, mọi thứ đang rất suôn sẻ khi Việt Nam hồi phục tốt sau dịch Covid-19 cùng với mức dự trữ ngoại hối dồi dào. Vậy nhưng, thật bất ngờ khi tình trạng thiếu xăng dầu - mặt hàng vô cùng thiết yếu - lại kéo dài trên diện rộng.
Thực tế, không chỉ trong 2022 mà những bất cập trong điều hành vĩ mô đã có dấu hiệu bộc lộ từ năm 2021. Điển hình là sự chậm trễ trong phòng chống dịch bệnh, đã dẫn tới thiệt hại nặng trong đợt Covid đầu năm 2021 tại TPHCM.
Định hướng rõ ràng và quyết liệt
Năm 2020 Việt Nam là một điển hình thành công của kiểm soát Covid. Nhưng thật bất ngờ, sang năm 2021 chúng ta dường như đã thất bại. Những định hướng chính sách dù có mục đích tốt nhưng thiếu cách triển khai, sẽ không thể đem lại kết quả.
Thậm chí, những chính sách quyết liệt nhưng thiếu định hướng rõ ràng từ phía trên, lại thành trở ngại và làm nhụt tinh thần chủ động quyết liệt của cấp dưới. Nếu như không rút kinh nghiệm sâu sắc từ những bài học kể trên, rất có thể chúng ta lại vấp phải những khó khăn mới trong những năm tới.
Bước sang năm 2023, những thách thức Việt Nam phải đối mặt đã tương đối rõ ràng. Đó là tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu trước làn sóng gia tăng lãi suất. Giải pháp được nhắc đến nhiều nhất để thúc đẩy tăng trưởng lúc này là gia tăng giải ngân đầu tư công.
Bởi lẽ, không phải trong năm 2022, mà nhiều năm trước giải ngân đầu tư công luôn là vấn đề nan giải. Sau năm 2020 giải ngân đầu tư công tương đối khả quan, năm 2021 và đặc biệt 2022, giải ngân đầu tư công đã chậm lại rõ rệt, dù những vướng mắc trong đầu tư công đáng lẽ phải được giải quyết một cách quyết liệt hơn theo thời gian.
Sự bất hợp lý này đã và đang gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. Nếu chúng ta xử lý được triệt để và mang lại tín hiệu tích cực ở vài dự án lớn, niềm tin của công chúng sẽ được phục hồi. Ở đây, theo tôi cần chú trọng đặc biệt đến các dự án hạ tầng giao thông.
Chúng ta đã chứng kiến nhiều dự án hạ tầng giao thông chậm trễ được khơi thông và đẩy nhanh tiến độ nhờ sự quyết liệt và sâu sát từ các vị tư lệnh ngành. Năm 2023, chúng ta cần phải có những sự quyết liệt và sâu sát như vậy ở một số dự án lớn. Điều này không chỉ giúp khơi thông nhanh dòng vốn, còn là nguồn cảm hứng cho tinh thần chung của toàn bộ máy.
Trong tình thế khó khăn, Việt Nam luôn thể hiện tinh thần quật cường vươn lên và chiến thắng. Năm 2023 Việt Nam chắc chắn sẽ chứng kiến tinh thần này. Chúng ta có cơ hội để có năm 2023 thành công, tạo bàn đạp cho kinh tế Việt Nam cất cánh.