Định hướng nghề cho người trẻ đang bị bỏ ngỏ?

(ĐTTCO) - Lao vào sản xuất nội dung trên các mạng xã hội với mong muốn nhanh chóng làm giàu, hoặc trở thành lái xe của những hãng xe công nghệ đang trở thành lựa chọn của rất nhiều bạn trẻ.
Người người, nhà nhà lao vào sản xuất nội dung phản cảm trên mạng xã hội sẽ là một hệ lụy không lường cho xã hội.
Người người, nhà nhà lao vào sản xuất nội dung phản cảm trên mạng xã hội sẽ là một hệ lụy không lường cho xã hội.

Thế nhưng phía sau những lựa chọn ấy là đầy rẫy những thách thức không chỉ cho mỗi cá nhân mà cho cả xã hội.

Sáng tạo nội dung phản cảm

Vài năm trở lại đây, khi những câu chuyện kiếm tiền chục, trăm triệu, thậm chí tiền tỷ trên các mạng xã hội như youtube được chia sẻ rộng rãi, rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ đã lựa chọn con đường xây dựng kênh youtube, sáng tạo nội dung với mong muốn thu hút nhiều người theo dõi để từ đó làm giàu.

Thế nhưng, trong hàng trăm ngàn kênh được xây dựng có không ít kênh chứa những nội dung phản cảm, nhảm nhí với mục đích tăng lượt người xem, lượt thích, tăng lượng đăng ký kênh để có tiền.

Hồi tháng 3 vừa qua, mạng xã hội “dậy sóng” với video trên youtube của một cô gái tên K khi cô này chia sẻ cách kiếm tiền trên Tinder (một app hẹn hò). Vào trang của K trên youtube sẽ thấy không ít những video kiểu như “mình bịa CV để đi xin việc thế nào”; “mình không sinh ra để đi làm, bạn cũng thế”…

Và điều đáng ngạc nhiên là những video này thu hút vài trăm ngàn lượt xem. Hay như câu chuyện của T, từ một cô gái bán bún, từng bước xây dựng những video trên youtube về công việc hàng ngày có vài ngàn người theo dõi, T dần chuyển sang hẳn nghề “sáng tạo nội dung” với những video bắt cá thiếu vải trên youtube thu hút hàng ngàn người theo dõi.

Và nếu chỉ đánh cụm từ “bắt cá khoe thân” trên youtube sẽ ra vô số những video phản cảm trên nền tảng này. Chưa hết, nhiều youtuber còn xây dựng những nội dung ma mị, rùng rợn… mong làm sao có nhiều người vào xem để tiền đổ vào túi.

Ngoài mạng xã hội youtube, 2 năm gần đây mạng xã hội tiktok cũng thu hút sự tham gia của rất nhiều người. Điều khiến nhiều tiktoker đau đầu là phải sản xuất nội dung liên tục nếu không lượng người xem sẽ giảm, điều này gây ra nhiều hệ lụy. Khi sản xuất quá nhiều nội dung, người làm sẽ dễ sa chân vào việc làm đại, thiếu kiểm chứng.

Nguy hiểm hơn, rất nhiều tiktoker đã tự biến mình thành chuyên gia sức khỏe, phong thủy, đặc biệt là chuyên gia dạy làm giàu. Chỉ cần tìm kiếm cụm từ kiếm tiền thông qua tiếp thị liên kết trên nền tảng tiktok, sẽ có hàng trăm tiktoker hướng dẫn.

Một tài khoản tiktok tên TH thu hút hơn 1,5 triệu lượt thích, hàng trăm ngàn follower (người theo dõi), đã chỉ cho các bạn trẻ vô số cách kiếm tiền, và mỗi video ngắn thu hút từ vài chục đến vài trăm ngàn lượt thích và theo dõi. Không chỉ thành chuyên gia mạng, nhiều tiktoker trẻ còn thu hút sự theo dõi bằng những video khoe thân nhảy nhót hay tạo những trào lưu phản cảm như hút thuốc, chửi thề.

Hệ lụy và định hướng

Bên cạnh những bạn trẻ chọn trở thành các youtuber hay tiktoker bằng mọi cách với mong muốn làm giàu nhanh chóng, không ít người trẻ khác dù đã có bằng cấp như cao đẳng, đại học… lại chọn con đường làm xe ôm công nghệ.

Như câu chuyện của H.H (TPHCM) ra trường vào giữa năm 2022, do chưa kiếm được việc làm H chọn chạy xe ôm công nghệ để trang trải chi phí sinh hoạt. Mỗi ngày chạy siêng cũng kiếm được vài trăm ngàn, tháng thu nhập trên dưới 10 triệu đồng. Đến nay sau hơn 1 năm làm nghề H cũng chưa có ý định xin việc lại, vì thời điểm này kinh tế khó khăn xin việc không dễ, lương khởi điểm thường thấp mà làm lại gò bó nên H dự tính chạy xe thêm một thời gian nữa sẽ tính đến xin việc trở lại.

Thực ra những bạn trẻ như H.H hiện nay không hiếm, và cũng không phải lúc kinh tế khó khăn, doanh nghiệp lao đao người trẻ mới chọn làm xe ôm công nghệ, mà cách đây từ vài năm một phần lực lượng lao động trẻ có trình độ cũng đã chọn con đường này.

Nhiều bạn trẻ đã chạy xe công nghệ vài năm và rút ra “kinh nghiệm”: chạy xe tuy vất vả nhưng tiền kiếm cũng khá (nếu chăm chỉ), quan trọng hơn là tự do, thích thì bật app chạy, không thích hay bận việc có thể nghỉ thoải mái không cần xin phép ai. Cũng không phải nặng đầu với việc chạy deadline, không phải chịu cảnh sáng 8 giờ đi chiều 5 giờ thậm chí muộn hơn mới được về. Đầu óc nhẹ nhàng, thư thái không phải chịu áp lực từ sếp. Nhưng bức tranh liệu có phải chỉ đơn giản như thế.

Xã hội đa dạng, chọn công việc nào là tự do của mỗi cá nhân, thế nhưng nếu cứ theo trào lưu, nếu chỉ mơ ước làm giàu nhanh chóng bất chấp mọi thứ, hay người trẻ ngại khó, ngại khổ trên hành trình tìm việc, hệ lụy thật khó lường trước.

Nói về câu chuyện sáng tạo nội dung của các youtuber, tiktoker không phải tất cả đều xấu, cũng có những kênh hữu ích, vui nhộn, được đầu tư bài bản, thu hút người xem và kiếm được nguồn thu không nhỏ. Thế nhưng, với những kênh nội dung phản cảm liệu sẽ thu hút được người xem trong bao lâu.

Nghề sáng tạo nội dung được xem là rất khắc nghiệt, dễ bị đào thải khi khán giả chán, vậy khi bị đào thải những người trẻ làm youtuber hay tiktoker ấy sẽ làm gì. Đó là chưa muốn nói những video phản cảm này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người xem, nhất là thanh niên, trẻ em. Có một câu ví von được nhiều người đồng tình là một trong những thứ rác không thể phân hủy là “rác trên mạng xã hội”.

Còn với những cử nhân chọn việc không nặng đầu như chạy xe ôm công nghệ cũng thật đáng suy ngẫm. Thực tế nếu làm một thời gian ngắn rồi tìm việc không có gì phải bàn, nhưng nếu làm rồi không muốn thậm chí không thể quay lại kiếm việc, sẽ trở thành bài toán nan giải cho lực lượng lao động trẻ đã qua đào tạo.

Trong khi nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, than khó tìm kiếm lao động có chất lượng, ở chiều ngược lại nhiều lao động trẻ qua đào tạo lại than khó kiếm việc phải làm xe ôm công nghệ.

Phải chăng đây là hệ lụy của việc thừa thầy thiếu thợ, của việc tung hô quá mức bằng cấp và cả chất lượng đào tạo chưa như kỳ vọng của doanh nghiệp.

Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, thế nhưng dường như lại thiếu đi những định hướng nghề nghiệp đúng đắn cho người trẻ. Nhiều người trẻ bị bủa vây bởi những trào lưu trên mạng xã hội. Nếu chúng ta không nhanh chóng thay đổi, cơ hội từ giai đoạn dân số vàng sẽ nhanh chóng qua đi và nhiều khó khăn đang chờ phía trước.

Các tin khác