Và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra cho các công trình liên tục đội vốn, cũng như các dự án hạ chất lượng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh, cho biết nhằm thực hiện nhiệm vụ triển khai Đề án Hoàn thiện định mức và giá xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2038/QĐ-TTg ngày 18-12-2017, Ban chỉ đạo Đề án đã ban hành các quyết định, kế hoạch thực hiện, phân công nhiệm vụ, phối hợp, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Ban chỉ đạo cũng đã phối hợp và hợp tác, khảo sát kinh nghiệm của nước ngoài, đặc biệt là hợp tác tư vấn của tổ chức JICA Nhật Bản, nhằm xây dựng các phương pháp mới để xác định định mức, đơn giá nhằm đảm bảo quá trình lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình đô thị theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ; phù hợp với kinh tế thị trường; đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thực tế, qua rà soát định mức dự toán xây dựng và duy trì dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị trong thời gian qua, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng còn thiếu số liệu từ thực tế để kiểm chứng lại trị số hao phí định mức của công trình giao thông, công trình xây dựng hệ thống kênh mương, đê, hồ đập chứa, công trình công nghiệp.
Do vậy, điều chỉnh lần này đều có xu thế giảm trị số các hao phí, nhất là các định mức của dịch vụ đô thị. Việc điều chỉnh này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến đơn giá và chi phí của một số loại hình công trình, cũng như chi phí duy trì của một số loại dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị. Vì vậy, công tác truyền thông về nhiệm vụ và sự cần thiết của việc rà soát, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nhất là vốn ngân sách là rất quan trọng.
Theo Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, như tiến độ thực hiện công tác rà soát các định mức đặc thù, chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương đang chậm so với kế hoạch của đề án. Do đề án có phạm vi lớn trong cả nước, có nhiều bộ, ngành, đơn vị và 63 tỉnh, thành tham gia, nên việc triển khai đồng bộ gặp khó khăn. Với trên 20.000 định mức, kinh phí cho xây dựng đề án lớn, nhưng việc đề xuất kinh phí gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, để đề án thực sự đi vào thực tiễn, Cục Kinh tế xây dựng kiến nghị nhà nước tạo điều kiện, trong đó có việc cấp kinh phí cho thực hiện; tạo điều kiện cho học tập kinh nghiệm của một số nước có điều kiện kinh tế xã hội tương đồng, tuyên truyền để các chủ thể tham gia sớm hiểu biết và thực hiện đề án...
Ông Nguyễn Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết: “Tôi rất ủng hộ đối với đề xuất phương pháp xác định định mức chi phí gián tiếp; phương pháp xác định đơn giá nhân công xây dựng được đưa ra tại hội nghị. Bởi hiện nay việc xác định định mức, đơn giá xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng đã thay đổi rất nhiều so với quy định, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách.
Không ít công trình sử dụng vốn ngân sách nhiều khi phải cắt giá trang thiết bị, vật liệu để bù cho chi phí gián tiếp, điều này sẽ làm giảm chất lượng công trình, nếu không sẽ bị đội vốn công trình. Bộ Xây dựng chỉ đạo cơ quan soạn thảo quan tâm hơn đến chi phí gián tiếp, công tác quản lý công trình”.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Nông ông Nguyễn Nhân Bản, cho rằng nếu áp dụng đơn giá và định mức theo hai phương pháp nêu trên sẽ gặp một số bất hợp lý. Chẳng hạn, đối với chi phí gián tiếp lán trại (nơi ở cho công nhân, tập kết vật liệu, thiết bị...) chiếm 2% chi phí, và khi áp dụng cho các công trình cao tốc có thể lên tới vài trăm tỷ đồng. Trong khí đó, với những công trình giao thông trong rừng, nơi hẻo lánh, nếu vẫn áp dụng 2% chi phí cho lán trại là bất hợp lý, và gặp nhiều rắc rối trong công tác thanh tra, kiểm toán.