Tôi cho rằng nó có sự liên quan chặt chẽ, cho thấy sự chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam về quy mô lẫn cấu trúc, về lượng và chất, kề từ sau mấy chục năm mở cửa hội nhập.
Đã qua giai đoạn tích lũy
Việt Nam đi từ nước có nền kinh tế lạc hậu để đến nước đang phát triển, thời gian kéo dài nhiều chục năm, từ lượng chuyển thành chất. Ở thời kỳ trước, chúng ta chủ yếu dựa vào lượng, đó là sức lao động, nhân công giá rẻ và phát triển những ngành đầu tư thu hút nhiều lao động, với tính toán đầu tư 1 triệu USD vào dệt may, giày da sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 1.000 lao động.
Nhưng đó là giai đoạn tích lũy, còn hiện nay khi kinh tế phát triển lên nấc thang mới, mô hình, cấu trúc, cách tiếp cận về kinh tế đòi hỏi phải khác, đó là tập trung vào chất nhiều hơn.
Chúng ta cũng đã nói nhiều đến việc “lót ổ cho đại bàng”, tức phải tìm cách làm sao tạo ra được môi trường đầu tư hấp dẫn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) tiềm năng lớn nước ngoài tìm đến Việt Nam. Đến nay, khi nhìn lại, có những cái chúng ta đã làm được, như thông qua những cam kết minh bạch, rõ ràng về hợp tác kinh tế với các nước, đã góp phần hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước.
Cần phải nhìn nhận thẳng thắn để “định vị” lại mình đang ở đâu trong nền kinh tế khu vực và thế giới, từ đó có cách tiếp cận, hướng đi sao cho đúng đắn, phù hợp.
Cùng với đó, thông qua việc mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia trong khu vực và thế giới, Việt Nam đã tiếp thu được khoa học - công nghệ mới và cách quản lý tiên tiến trên nhiều lĩnh vực. Đây là những tiền đề quan trọng để Việt Nam tiến tới xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ.
Tuy nhiên có những cái chúng ta chưa làm được, điều tiếc nhất là khả năng tham gia chuỗi cung ứng của DN Việt trong hệ sinh thái sản xuất của DN FDI vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng. Nhiều DN trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu để thành nhà cung cấp cho DN FDI nên khó khăn trong việc tham gia liên kết.
Năm 1995, khi làm việc với Nhật Bản trong dự án giúp Việt Nam 6 năm về cải thiện đầu tư kinh doanh, một giáo sư người Nhật nổi tiếng chuyên về kinh tế vĩ mô, đã khuyên Việt Nam phải chú trọng phát triển “sản nghiệp”. “Sản nghiệp” ở đây được hiểu là đơn vị DN sản xuất phải có sản phẩm cụ thể, có năng lực cạnh tranh được với quốc tế. Sản phẩm đó của DN phải mang tính “định danh, định vị” cho quốc gia. Thí dụ, Nhật Bản có Sony, Toyota, Hitachi; Hàn Quốc có Samsung, LG…
Lúc ấy kinh tế quốc doanh của Việt Nam vẫn là chủ đạo, nên khi nói đến “sản nghiệp”, chúng ta thường chú ý đến DNNN, nên đã tập trung đầu tư tiền của lẫn chính sách hỗ trợ cho các DN này, xây dựng nên các nhóm ngành tương ứng như thép, xi măng, điện… Điều này là tốt, song thiếu sót là chúng ta lại chưa chú trọng đúng mức đến DN tư nhân.
Thực tế cho thấy, kết quả sau nhiều năm xây dựng các mô hình tập trung DN, các DNNN loay hoay mãi vẫn không xây dựng được sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh thực sự, hiệu quả sản xuất “bình bình”, thậm chí thua lỗ. Nhưng ở mô hình tư nhân lại phát triển rất hiệu quả… Nhưng nhìn chung, các sản phẩm đòi hỏi có chất lượng cao, hàm lượng công nghệ lớn, chúng ta vẫn thiếu.
Định vị trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Việt Nam hiện nay đang có nhiều lợi thế để “đi tắt đón đầu” trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, với những nhóm ngành đòi hỏi trình độ cao, giàu chất xám hơn và đem lại giá trị thặng dư lớn hơn. Việt Nam là nước đi sau nên có thể kế thừa, đổi mới công nghệ dễ dàng, cũng như có nhiều sự lựa chọn về mô hình, cách thức sao cho phù hợp với đặc thù kinh tế của đất nước.
Thí dụ, Nhật Bản khi chuyển đổi kinh tế số, họ gặp phải trở ngại vì sự già hóa về dân số cũng như mô hình DN. Già cả về con người lẫn cơ chế thực thi. Nhưng Việt Nam khác khi có dân số trẻ và rất linh hoạt.
Thời gian gần đây, ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành chủ đề được dư luận quan tâm, cho rằng đã đến lúc Việt Nam hướng đến mục tiêu xây dựng những ngành công nghiệp then chốt, trọng yếu và trở thành một bộ phận không thể tách rời trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đó không chỉ là mục tiêu còn là trách nhiệm, là niềm tự tôn dân tộc. Để làm được điều này yếu tố con người rất quan trọng, bao gồm cả tư duy (chính sách) lẫn cách làm (nguồn nhân lực).
Một số ý kiến gần đây cho rằng, nguồn nguyên liệu thô, cụ thể là đất hiếm, là “át chủ bài” để các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam, tôi cho rằng chưa hẳn. Bởi tuy trữ lượng đất hiếm được dự báo đứng thứ 2 thế giới, song các mỏ đất hiếm tại Việt Nam được chia làm 2 loại là đất hiếm chứa các nguyên tố nhẹ và đất hiếm chứa các nguyên tố nặng.
Loại thứ nhất được sử dụng để sản xuất pháo, thuốc nhuộm và ứng dụng trong một số ngành nghề khác. Còn loại thứ 2 mới có tính ứng dụng cao, được sử dụng trong ngành công nghiệp vũ trụ, chất bán dẫn, hoặc làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm trong ngành năng lượng tái tạo.
Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn, nhưng các mỏ đất hiếm chứa nguyên tố nặng có trữ lượng thấp hơn. Trong thời gian qua, chúng ta đang tiếp tục khảo sát, nghiên cứu các mỏ đất hiếm mới, để xác định nguyên tố trong đó.
Do đó, đất hiếm chỉ là một phần trong lợi thế của Việt Nam. Để tạo ra điểm nhấn thu hút “đại bàng” trong ngành bán dẫn, cần chú trọng trong khâu đào tạo nhân sự, nhất là các kỹ sư trong ngành công nghiệp này.
Cuối cùng, tôi cho rằng đây là cuộc chơi để Việt Nam định vị mình trong bản đồ chuỗi cung ứng sản xuất của thế giới. Rộng hơn, đó là tự mình định vị mình. Định vị được mình như thế nào trong bàn cờ địa chính trị thế giới rất quan trọng.
Có thể nói, về vị trí, về địa chính trị, Việt Nam hiện nay được đánh giá là quốc gia có lợi thế nhất trong các nước ASEAN. Ngay cả người Mỹ và Nhật Bản cũng nói trong khối ASEAN họ thực sự chú ý và đánh giá cao Indonesia và Việt Nam; trong đó Nhật Bản đánh giá Việt Nam cao hơn Indonesia.