DN vay vốn tái cấu trúc: Nói thông, làm vướng

Trước nhu cầu vay vốn để thực hiện tái cấu trúc của các doanh nghiệp (DN), một số NHTM cũng triển khai các gói tín dụng hỗ trợ. Tuy nhiên, dù NH mở cửa nhưng việc tiếp cận nguồn vốn này vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khả quan do năng lực của DN vẫn còn yếu kém.

Trước nhu cầu vay vốn để thực hiện tái cấu trúc của các doanh nghiệp (DN), một số NHTM cũng triển khai các gói tín dụng hỗ trợ. Tuy nhiên, dù NH mở cửa nhưng việc tiếp cận nguồn vốn này vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khả quan do năng lực của DN vẫn còn yếu kém.

Quá nhiều rào cản

Theo thống kê của NHNN, tính đến hết tháng 9-2014, tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH đạt 7,26%, cao hơn mức 6,87% của tháng 9-2013. Mặc dù NHNN cho rằng khả năng đạt mức tăng trưởng tín dụng như kế hoạch năm 2014 từ 12-14% là hoàn toàn có thể, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại về mục tiêu này. Bởi cho đến nay các DN hoạt động kinh doanh tốt được NH hướng đến lại không có nhu cầu vay vốn, trong khi các DN nhỏ và vừa (DNNVV), DN siêu nhỏ rất cần vay vốn nhưng đa số lại vướng nợ cũ không thể tiếp cận vốn mới.

Hiện nay, chỉ khoảng 32,38% các DNNVV tiếp cận được vốn, do tỷ lệ nợ xấu của khu vực DN này chiếm trên 5%, lại không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về điều kiện, thủ tục như tài sản đảm bảo, báo cáo tài chính đúng chuẩn, xếp hạng tín nhiệm, lịch sử giao dịch… Đặc biệt, sau khi Thông tư 09 được áp dụng với điều kiện phân loại nhóm nợ và cơ cấu nợ chặt chẽ hơn, cơ hội để các DNNVV đang có nợ quá hạn vay vốn tái cơ cấu lại càng thấp hơn. Vì vậy, cánh cửa tiếp cận vốn để tái cấu trúc của DN ngày càng hẹp hơn.

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, để các DN thực hiện tái cấu trúc phải có vốn trung hạn, nhưng hiện nay vốn trung và dài hạn của các NH không những hạn chế mà lãi suất vẫn còn cao so với sức chịu đựng của DN.

Theo thống kê của NHNN, hiện lãi suất cho vay phổ biến đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV ở mức 7-8%/năm, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức khoảng 9-10%/năm đối với ngắn hạn, 10,5-12%/năm đối với trung và dài hạn. Lãnh đạo một NHTM chia sẻ, cho đến thời điểm này lãi suất vẫn trong tình trạng đầu vào giảm nhưng đầu ra không giảm, đơn giản là vì DN tốt được hưởng lãi suất thấp không vay vốn, trong khi ngược lại NH không thể nào cho DNNVV có mức độ rủi ro cao với lãi suất thấp.

Còn để hỗ trợ các DN tái cấu trúc vị này cũng khẳng định,  DN Việt Nam vốn đã thụt lùi rất xa và đang đi rất chậm, nếu muốn vượt lên cần phải có một khoản đầu tư bài bản, dài hơi, nhưng những DN này gần như không có thế mạnh nào để NH yên tâm khoanh nợ cho vay đầu tư mới trong khi khoản nợ cũ vẫn chưa xử lý được.

Cần cách làm khác

Thực tế, hiện nay các NH vẫn có các gói tín dụng hướng đến nhu cầu vay tái cấu trúc tài chính của DN. Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, mới đây SCB đã triển khai gói tín dụng “Nâng tầm DN” đáp ứng nhu cầu vốn trung, dài hạn đầu tư tài sản cố định và tái cấu trúc DN với lãi suất chỉ từ 4,49%/năm đối với USD và 6,49%/năm đối với VNĐ, ngoài ra DN còn có thể vay trả góp với lãi suất cố định trong suốt thời gian vay vốn chỉ từ 3,49%/năm đối với USD và 7,49%/năm đối với VNĐ.

Trước SCB, ACB cũng đã có chương trình cho vay tái cấu trúc tài chính dành cho DNNVV, cho vay trả góp trung, dài hạn. Điều này cho thấy các NH cũng quan tâm đến nhu cầu vốn tái cấu trúc của DN. Tuy nhiên, Tổng giám đốc SCB chia sẻ, NH sẵn sàng cho vay nhưng không có nghĩa sẽ cho vay tràn lan, thiếu kiểm soát, không quan tâm đến chất lượng tín dụng. Vì vậy, những DN nào có phương án kinh doanh hợp lý, khả thi mới dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này.

Một chuyên gia nhận định, tái cấu trúc DN được xem một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tuy nhiên cho đến nay quá trình tái cấu trúc vẫn rời rạc, hiệu quả chưa cao. Năm 1998, khi Hàn Quốc thực hiện tái cấu trúc hệ thống DN, ngoài các giải pháp hỗ trợ các tập đoàn, công ty nhà nước, các NHTM cũng được yêu cầu gia hạn các khoản vay, đưa ra thời gian trả nợ ưu đãi để tăng thanh khoản cho các DNNVV. Nhờ vậy con số 4.000-5.000 DNNVV kinh doanh lỗ vào đầu năm 1998 đã giảm xuống còn 1.000-2.000 DN ở thời điểm giữa năm.

Khách hàng giao dịch tại SCB. Ảnh: LONG THANH

Khách hàng giao dịch tại SCB. Ảnh: LONG THANH

Tuy nhiên, DN Việt Nam lại có 3 điểm yếu cố hữu nên khó có thể hỗ trợ tái cấu trúc như các DN nước ngoài. Thứ nhất là công nghệ, thiết bị của các công ty Việt Nam quá lạc hậu nên sản phẩm không thể cạnh tranh về chất lượng, giá cả.

Thứ hai, nguồn nhân lực thiếu và yếu về số lượng lẫn chất lượng. Thứ ba, các DN thiếu sự hợp tác, liên kết với nhau. Do hoạt động rời rạc, không theo quy hoạch ngành, không tạo ra chuỗi sản xuất nên các DN khó tạo ra thế mạnh để phát triển.

Vì vậy, trước khi NH cứu, DN cần phải tạo dựng niềm tin cho NH thông qua việc tập trung đầu tư cốt lõi, rút ngắn và đồng bộ quy trình cung ứng nguyên liệu - sản xuất - bán hàng để giảm tồn kho nguyên liệu và thành phẩm; phối hợp với các DN trong chuỗi cung ứng để hợp thành nhóm mua, nhóm bán, sử dụng lợi thế quy mô và vận chuyển có thể cạnh tranh về chất lượng, giá cả... Khi có được niềm tin, NH sẽ cởi mở và có thiện chí hơn trong việc khoanh nợ, giãn nợ và cho vay mới.

Các tin khác