Từ ngày 17-6, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của kỳ họp thứ 7, với chương trình nghị sự về nhiều dự án luật, trong đó có Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi. Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi lần này nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng DN do có nhiều đề xuất đáng lưu ý và có thể tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của các DN xuất khẩu và tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.
Một trong những vấn đề nổi cộm được nhiều DN kiến nghị và bày tỏ ý kiến với Chính phủ và các cơ quan liên quan là đề xuất thu hẹp diện áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với nhóm dịch vụ xuất khẩu. Hiện dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi đang đề xuất giới hạn phạm vi và chỉ liệt kê một số loại hình dịch vụ xuất khẩu (hưởng thuế GTGT 0%) là dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, gồm: dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải được sử dụng ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam; dịch vụ vận tải quốc tế; dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế.
Về vấn đề này, đại diện của Deloitte Việt Nam, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế, đã chia sẻ câu chuyện cụ thể của DN, cụ thể là trường hợp Công ty Trina Solar. DN này đang nhập khẩu 80% nguyên vật liệu trong nước và nếu thu hẹp diện áp dụng thuế GTGT 0% đối với dịch vụ xuất khẩu như đề xuất tại dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi, chi phí có thể tăng 6%, tăng thủ tục hành chính để thực hiện hoàn thuế.
Theo ông Tuấn, DN này đã mất đến gần 2 năm để thực hiện hoàn thuế trước đây, đây là một thời gian rất dài chưa kể tác động lớn đến tình hình tài chính và dòng tiền luân chuyển đưa vào sản xuất do số thuế thường khá lớn. "Ngoài ra, đối với các DN chế xuất cỡ trung ở Việt Nam, chúng tôi được biết con số tuyệt đối nếu phát sinh thêm thuế GTGT đầu vào có thể lên đến hàng chục triệu USD cho một năm, chưa kể các rắc rối về thủ tục hoàn thuế", ông Tuấn nhận định.
Cũng theo ông Tuấn, trong bối cảnh các DN trong chuỗi cung ứng liên quan đến DN chế xuất và xuất khẩu hàng hóa đang hoạt động ổn định như hiện nay, đề xuất bãi bỏ chính sách thuế GTGT 0% cho dịch vụ xuất khẩu, bao gồm dịch vụ cung cấp ra nước ngoài và cung cấp cho khu phi thuế quan (trừ 3 nhóm dịch vụ đang được đề xuất giữ lại áp dụng thuế 0%) sẽ lập tức làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, gián tiếp ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư cũng như các dự án đầu tư nước ngoài đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam.
"Với những tác động có thể nhìn thấy rõ và kiến nghị của cộng đồng DN như hiện nay đối với dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi, tôi cho rằng cần có nhìn nhận thật sâu sắc về đề xuất của Chính phủ trong thời gian nghị sự của Quốc hội, từ đó cân nhắc đưa ra quyết định thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi của cả Nhà nước, nền kinh tế và DN", ông Tuấn bày tỏ.