![]() |
Tuần qua, NH Thế giới (WB) phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM công bố tác động về đô thị hóa tại Việt Nam. Nhiều vấn đề mặt trái của đô thị hóa đã được các chuyên gia phân tích.
Theo đánh giá của WB, trong hơn 25 năm qua thu nhập bình quân trên đầu người ở Việt Nam từ mức dưới 100USD đã tăng lên 1.000USD/năm; điều kiện sống tăng gấp 3 lần và tỷ lệ nghèo giảm 80%; tỷ lệ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam hơn cả Indonesia, Philippines và Thái Lan cộng lại; tỷ lệ đô thị hóa đạt 30%, khá cao so với các nước trong khu vực…
Về phát triển đô thị, WB nhấn mạnh có 2 vấn đề quan trọng là cung cấp đủ nhà ở và cơ sở hạ tầng tốt tạo thuận tiện cho người dân đi lại. Tuy nhiên, tại nhiều đô thị lớn của Việt Nam hiện nay phần lớn người dân sống ở nhà phố nhỏ hoặc nhà thấp tầng, những khu đô thị xây dựng bài bản chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.
Rất ít người dân ở đô thị có đủ tiền mua nhà, đất ở khu quy hoạch tốt. Phần lớn nhà ở đô thị do người dân tự xây dựng nên rất manh mún. Điều này cho thấy những người làm quy hoạch đã không chú trọng đến hoạch định đô thị bài bản, có tầm nhìn cho vài chục năm sau.
Bên cạnh đó, giá nhà đất ở Việt Nam cao hơn rất nhiều so với thu nhập của người dân. Giá đất tương quan với phát triển kinh tế, nhưng ở Việt Nam giá đất lại “chạy” nhanh hơn phát triển kinh tế. Đây là điều nghịch lý cần phải có sự điều chỉnh ngay.
Quá trình đô thị hóa kéo theo việc di dân từ nông thôn về các thành phố lớn tạo áp lực cho các đô thị trong việc xoay xở để đáp ứng nhu cầu hàng hóa, dịch vụ ngày càng tăng.
Hiện nay dân số đô thị ở Việt Nam chiếm 34% cả nước nhưng phân bố không đồng đều, có hiện tượng giảm dân số tại các đô thị nhỏ, đổ dồn về 2 đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM. Điều này đã tác động lớn đến chiến lược giảm nghèo của Việt Nam.
Theo dự báo của WB, Việt Nam sẽ tiếp tục đô thị hóa nhanh trong 10-15 năm tới. Theo đó, từ năm 2020-2025 khoảng 50% dân số sẽ sống ở đô thị, tức tỷ lệ thuận với các rủi ro đi kèm. WB cảnh báo Việt Nam cần nhiều giải pháp để quá trình đô thị hóa phải trả giá ít nhất. Một rủi ro lớn là tỷ lệ dân số tập trung quá đông về các đô thị sẽ gây áp lực cho quá trình đô thị hóa.
Trong khi các vùng nông thôn - nguồn sinh kế chính của phần lớn dân Việt Nam - có đến 93% người nghèo. Vì thế rủi ro từ việc phân hóa sâu sắc vùng, miền rất lớn. WB khuyến cáo cần có chính sách can thiệp đối với các vùng, miền không có tiềm năng kinh tế như các đô thị lớn.