Những khu đất rộng hàng ngàn m2 này do các đơn vị trực thuộc Trung ương quản lý, sử dụng. Thực trạng này đã gây lãng phí lớn và dễ xảy ra tiêu cực.
Hoang vắng và im ắng
Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Kinh tế - Ngân sách - HĐND TPHCM, hiện TP có gần 13.000 địa chỉ nhà, đất công, trong đó đa phần sử dụng kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực rất lớn. HĐND TPHCM ghi nhận đa số các quận, huyện đều có nhà, đất công bị bỏ trống, sử dụng kém hiệu quả.
Đặc biệt, có không ít lô “đất vàng”, vị trí tuyệt đẹp ở khu trung tâm TP đã và đang được bán với giá bèo, hoặc cho thuê giá rẻ, hay liên doanh lỗ… Trong số đó, quận Bình Tân nổi lên là địa phương có nhiều khu đất bị bỏ hoang nhiều nhất của TP.
Muốn triệt tiêu tiêu cực trong đất đai, đầu tiên phải xóa bỏ hẳn cơ chế giao đất chỉ định, tất cả phải đem ra đấu giá. Đặc biệt, đối với toàn bộ đất công sản, phải kiên quyết dứt bỏ các doanh nghiệp đã sử dụng trước đó, tập trung về một đầu mối quản lý. Từ đó, Nhà nước lên kế hoạch phù hợp cho từng khu đất rồi đem ra đấu giá công khai, mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước có năng lực tham gia. LS. NGUYỄN THANH NHÃ, văn phòng Luật DBS |
Đầu tiên, phải kể đến khu đất công rộng gần 2.700m2, tọa lạc tại 574 Kinh Dương Vương, phường An Lạc (quận Bình Tân), do CTCP Chế tạo máy SINCO (thuộc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn) đăng ký sử dụng, hiện vẫn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Năm 2009, đoàn giám sát của HĐND TPHCM đã khảo sát thực địa và có kiến nghị thu hồi giao cho quận Bình Tân.
Tuy nhiên, đến nay khu đất này vẫn bị bỏ trống, trong khi đó quận Bình Tân đang thiếu đất để xây nhà tái định cư, trường học, phục vụ người dân trên địa bàn. Như vậy sau gần 10 năm trôi qua, khu vực này vẫn hoang hóa như trước đây.
Theo quan sát, phần lớn diện tích là đất trống. Một góc nhỏ vẫn còn 3 dãy nhà cùng một mái che để xe khách, ô tô. Mặt tiền đường Kinh Dương Vương dài khoảng 200m được rào kín, chỉ còn hiện hữu một bảng tên SINCO hoen rỉ, trơ trọi nhô cao khi đơn vị này chuyển về địa chỉ khác từ cuối năm 2015. Được biết, SINCO đã từng xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây khu thương mại phức hợp, cao ốc văn phòng, nhưng chưa được chấp thuận.
Ông Hồ Văn Thời, một người sống nhiều năm tại khu vực này cho biết, khu đất đã bị bỏ hoang từ lâu, bên trong cũng không có hoạt động gì nhiều. Khoảng đầu năm 2016, các công nhân dựng hàng rào, dán các bảng vẽ dự án cao cấp với căn hộ, trung tâm thương mại... Những tưởng sắp có công trình lớn mọc lên, nhưng một thời gian sau phần lớn chúng bị gỡ ra hết mà không hiểu tại sao.
Khu đất 574 Kinh Dương Vương bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, không thấy bóng người.
Cách mặt tiền khu đất này khoảng hơn 100m là khu đất có diện tích hơn 14.000m2, tọa lạc tại 538 Kinh Dương Vương. Trước đây khu đất này được giao cho Công ty Phân bón Miền Nam (thuộc Bộ Công nghiệp) quản lý, sử dụng.
Nhiều năm qua, khu đất chỉ còn trơ trọi cổng mang tên đơn vị này nhưng luôn đóng kín. Năm 2011, TPHCM đã có văn bản thu hồi, giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất, nhưng đến nay vẫn là một bãi đất trống với nhà cửa, xưởng trên đất cũ kỹ, hoang tàn, ngập nước.
Cũng cách đó không xa, khu đất 620 Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), có diện tích gần 10.000m2 cũng đang trong tình trạng “vườn không nhà trống”. Khu đất này được TP giao cho CTCP Hóa-Dược phẩm Mekophar (thuộc Bộ Y tế) sử dụng từ năm 2004. Những năm gần đây, tuyến đường Kinh Dương Vương được các đơn vị thi công nâng cao, khiến khu đất và các hạng mục bên trong bị trục xuống một nửa so với kết cấu.
Theo ghi nhận của ĐTTC, trong khu đất có một số công trình nhà, văn phòng làm việc nhưng đã bị hư hỏng theo thời gian. Đứng bên ngoài nhìn vô trong, cổng vào mở toang, bên trong là nhà xưởng, kho bãi xuống cấp, mục nát.
Khu đất 538 Kinh Dương Vương “cửa đóng then cài” suốt thời gian dài, nay rất hoang tàn.
Chị Lê Nguyễn Phương Uyên, người dân phường An Lạc (quận Bình Tân) trần tình: “Không biết vì lý do gì mà đã lâu lắm rồi cả khu đất không thấy khởi động gì hết. Đất thì bỏ hoang như vậy, trong khi người dân địa phương không có đất sinh sống. Thời gian qua, cũng có một số đoàn công tác đến khảo sát, cũng như người dân nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp với chính quyền, nhưng tình trạng đất bị bỏ hoang không được xử lý triệt để, khiến dư luận bức xúc”.
Tương tự, gần ngã 3 đường Tên Lửa - Kinh Dương Vương, là khu đất hơn 2.500m2 của Công ty Xi măng Hà Tiên 1 (thuộc Bộ Xây dựng) tại địa chỉ 516 Kinh Dương Vương (quận Bình Tân). Cơ sở vật chất hiện tại trong khu đất đã cũ kỹ, xuống cấp, đóng im lìm, không thấy dấu hiệu hoạt động, chỉ còn một chốt bảo vệ có nhân viên trông coi…
Tính đến cuối tháng 5-2018, theo kết quả giám sát của HĐND TPHCM, chỉ riêng tại quận Bình Tân hiện có hơn 50 lô đất do các cơ quan đơn vị trực thuộc Trung ương quản lý, sử dụng trong đó có nhiều vị trí bỏ trống hoặc cho thuê lại.
Kiên quyết thu hồi, đem ra đấu giá
Kiên quyết thu hồi, đem ra đấu giá
Tại báo cáo công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất công, nhà công trên địa bàn TPHCM, do Thanh tra TPHCM vừa gửi đến lãnh đạo UBND TP, ông Trần Đình Trữ, Phó Chánh Thanh tra TPHCM nhận định, các sai phạm trong quản lý nhà, đất công chủ yếu liên quan đến các đơn vị sự nghiệp, tổng công ty, công ty nhà nước được giao đất, cho thuê đất với các nội dung vi phạm: sử dụng không đúng mục đích, cho thuê trái quy định và bỏ trống gây lãng phí tài nguyên đất.
Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ quan, đơn vị được nhà nước giao, cho thuê đất thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng. Ngoài việc quản lý lỏng lẻo, có trường hợp các đơn vị vì lợi ích cục bộ mà vi phạm như lợi dụng hình thức kêu gọi đầu tư, hợp tác liên doanh, liên kết để cho thuê đất; hoặc tự ý bố trí cho công nhân viên làm nhà ở trên khuôn viên đất đang quản lý không đúng thẩm quyền; nhiều khu đất chưa đăng ký, chưa lập thủ tục thuê đất, lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận…
Bên cạnh đó cũng có trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc chưa kịp thời kiểm tra và xử lý nghiêm việc sử dụng nhà, đất công không đúng mục đích, sai quy định pháp luật.
Nhận định về thực trạng trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM đề xuất, đối với những khu đất công sử dụng sai mục đích, gây lãng phí thì kiên quyết thu hồi, đưa ra đấu giá để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư các dự án ở khu vực đó để khai thác, sử dụng hiệu quả, khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã giao và cho thuê.
Với những trường hợp đất công, trụ sở cơ quan được tạm thời khai thác cho mục đích thương mại thì phải theo đúng quy định của pháp luật, có đấu thầu công khai, chặt chẽ... để đem lại nguồn thu cho ngân sách. Trong khi đó, với các dự án bị trì trệ nhiều năm, cần tìm nhà đầu tư mới nhằm tránh lãng phí nhà đất công, lãng phí nguồn lực đất đai.
Xảy ra tình trạng lãng phí đất công, trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước, bởi thiếu kiểm tra, buông lỏng quản lý. Để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan có thẩm quyền cần xử lý kiên quyết đối với các trường hợp vi phạm, siết chặt quản lý cán bộ, đem lại niềm tin trong nhân dân.