Trong căn phòng trọ chừng 10 mét vuông, tối tăm, ẩm thấp với những mảng tường loang mốc, chị Nguyễn Thị Linh, công nhân công ty TNHH Cannon Việt Nam (Khu Công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) và bạn cùng phòng đang chuẩn bị cho bữa cơm tối đạm bạc, thực đơn chỉ vỏn vẹn canh rau muống và vài miếng đậu rán.
"Với đồng lương công nhân ít ỏi thế này tiền phòng và điện nước cũng hết 600.000 đồng mỗi người rồi. Còn chi phí sinh hoạt khác nữa nên để tiết kiệm thì mình ăn nhiều ở bữa chính tại công ty, còn về nhà ăn tạm cơm rau hoặc mỳ tôm, ra chợ cũng phải xem mua loại thịt và rau nào giá mềm hơn mới mua, cũng phải giảm mua hoa quả ăn vặt", chị Nguyễn Thị Linh chia sẻ.
Còn đối với gia đình chị Lường Thị Thu, quê ở Lào Cai, công nhân Công ty TNHH linh kiện điện tử SEI Việt Nam, lương thấp thì có thể chắt bóp chi tiêu, nhưng khổ tâm nhất vẫn là không biết gửi con nhỏ ở đâu để yên tâm đi làm. Muốn gửi con vào trường công lập cho đỡ tốn kém thì lại không phù hợp với giờ làm ca của hai vợ chồng nên anh chị đành gửi con về quê cho ông bà chăm sóc.
"Mình có 2 cháu, cháu lớn thì ở nhà với bà, nhiều khi cũng nhớ con, muốn ở với 2 con. Nhưng để đi làm cho tiện, rồi kinh tế không có, mà cháu thì quá nhỏ đi gửi mình cũng không yên tâm", chị Lường Thị Thu nói.
Từ cuối năm ngoái đến nay, tình cảnh công nhân mất việc làm, công việc bấp bênh, giảm giờ làm, mất thu nhập…là tình trạng rất phổ biến ở các địa phương có khu công nghiệp như: Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM… Tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) – doanh nghiệp da giày có đông lao động nhất tại TP.HCM với hơn 50.500 người, sau thời gian dài cầm cự cũng đành lòng cắt giảm hơn gần 4.500 lao động và dự kiến còn cắt giảm tiếp trong thời gian tới. Dẫu may mắn không nằm trong danh sách công nhân bị cắt hợp đồng lao động, song chị Nguyễn Thị Thủy, Công nhân công ty TNHH Pouyuen vẫn phải nghỉ luân phiên. Còn chồng chị Thủy là công nhân ép đế giày, mỗi tháng cũng chỉ làm việc 20 ngày.
"Nếu nghỉ dài dài như vậy thì người lao động rất khó khăn, xoay không nổi. Một tháng tiền học, tiền ăn, tiền thuê phòng gần chục triệu. Tháng nào cũng phải chi. Công việc không ổn định, ngày nào cũng đi làm đến 16h30 là về. Hai vợ chồng được có 7-8 triệu đồng thì sao đủ sống", chị Nguyễn Thị Thủy nói.
Đồng tiền rất tiết kiệm cũng không đủ xài, tiền phòng kể cả điện-nước là 1,6 triệu đồng, mua đồ ăn cũng mắc. Tháng 7 tới tôi tính về quê để làm công ty. Về quê gần nhà nên tiện hơn, có nhà cửa sẽ đỡ mất tiền phòng”.
Theo Tổng cục Thống kê, Quý 1 năm nay, hơn 149.000 lao động trên cả nước mất việc do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, tăng gần 13% so với quý 4 năm ngoái, phần lớn là lao động doanh nghiệp FDI ở các tỉnh có nhiều Khu công nghiệp, Khu chế xuất như: Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM…Và để giải quyết khó khăn trước mắt, nhiều công nhân đã buộc phải rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống như trường hợp cửa chị Nguyễn Thị Linh ở thành phố Thủ Đức, TP.HCM.
"Làm công nhân không có dư, năm dịch Covid có đi làm được đâu, giờ rút để còn trả nợ. Tôi cũng không nghĩ đến sau này như thế nào đâu tại vì giờ cũng đang cần tiền, mượn người ta bây giờ cần tiền trả", chị Nguyễn Thị Linh chia sẻ.
Mất việc làm, thu nhập bấp bênh, chạy ăn từng bữa lại thêm đủ các thứ tiền phải chi tiêu như tiền thuê trọ, tiền điện nước khiến cuộc sống càng thêm khó khăn. Mặc dù các Khu công nghiệp hiện nay thu hút hàng triệu lao động, tuy nhiên, rất ít nơi xây nhà ở cho công nhân, nhà trẻ cho con em công nhân hoặc khu sinh hoạt văn hóa dành cho người lao động. Đồng lương ít ỏi, đời sống tinh thần nghèo nàn càng làm cuộc sống công nhân lao động thêm ngột ngạt.
Ông Vũ Minh Tiến, Viện Trưởng Viện Công nhân và công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam ) và ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho rằng: "70-80% công nhân di cư, nhu cầu nhà ở cực lớn. trong số đó có đến 80-90% hiện đang thuê ở các nhà trọ trong khu dân cư do người dân lập nên, một số ít ở trong các ký túc xá hoặc chỗ lưu trú của các doanh nghiệp tự xây dựng và một số ít bước đầu mua được nhà ở, có tính chất xã hội".
Công nhân lao động quá thiếu sân chơi, đặc biệt đời sống tinh thần bởi công nhân lao động gần như thời gian gắn bó với nhà máy. Ngoài việc làm theo quy định thì tăng ca, hết thời gian làm việc thì cũng không còn sức khỏe để tham gia hoạt động rèn luyện thể thao, nâng cao đời sống tinh thần.
Theo khảo sát của Phân Viện Khoa học An toàn - Vệ sinh lao động và Bảo vệ Môi trường miền Nam trong năm 2022, có 28% người có biểu hiện stress nghề nghiệp mức độ trung bình và 18,5% người có biểu hiện trầm cảm ở các mức độ khác nhau. Trong số người có biểu hiện trầm cảm thì 49,5% người lao động thường xuyên cảm thấy buồn chán.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: nguyên nhân chủ yếu là nguy cơ mất việc làm và thu nhập: "Phải nói nguyên nhân chủ yếu nhất chính là thu nhập thấp, việc làm bấp bênh, cường độ lao động cao, số giờ làm việc nhiều, không có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, vui chơi giải trí, chăm sóc gia đình. Cùng với bản thân sức khỏe về thể chất, ăn uống không đủ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh lao động không đảm bảo cũng trở thành những vấn đề của người lao động…Chính người lao động cũng đã bày tỏ đặt ra cho chúng ta nhiều điều suy nghĩ, nhiều giải pháp chúng ta cần phải tính đến, nếu không những hệ lụy thực sự lớn đối với chính người lao động, với gia đình họ, đối với nguồn nhân lực và đối với từng doanh nghiệp".
Đó cũng là lý do người lao động không muốn gắn bó với doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện khoa học lao động xã hội đánh giá: "Chính sách của chúng ta quá ít, chúng ta thấy ra nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, hỗ trợ về bảo hiểm, BHTN…chúng ta nghĩ rằng NLĐ đang rất nhiều chính sách, nhưng thực ra trong quá trinh thực hiện và kiểm điểm lại chúng ta nhận thấy rằng nhóm người lao động được thụ hưởng chính sách thực tế quá ít. Trong quản lý lao động hiện nay mang tính địa phương, bị động, người lao động thì thụ động, khả năng chống chịu của người lao động rất thấp".
Thực tế hiện nay, người lao động vẫn tiếp tục phải quay cuồng trong cơn bão giá với đồng lương ít ỏi, doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn chưa có hồi kết.
Thưa quý vị! Trước thực trạng mất việc, giảm việc, giãn việc kéo dài, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi sản xuất kinh doanh, giữ chân người lao động, cùng với đó là các chính sách hỗ trợ người lao động với nhiều gói hỗ trợ mang tính nhân văn. Tuy nhiên, thực tế, bên cạnh những chính sách triển khai nhanh, quyết liệt thì vẫn có những chính sách chậm triển khai, người lao động và doanh nghiệp chưa hoặc không thể tiếp cận. Trong bài 2 của loạt 3 bài “Giải bài toán việc làm bền vững cho người lao động”, chúng tôi có bài đề cập với nhan đề “Nhiều giải pháp nhưng vẫn bị vướng?”.
Theo VOV