PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá như thế nào về những khó khăn DN đầu tư kinh doanh BĐS đang phải đối đầu?
Ông LÊ HOÀNG CHÂU: - Theo khảo sát Horea, do dịch bệnh kéo dài, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nói chung và BĐS nói riêng rất hạn chế. Từ đầu năm đến nay DN chỉ thực sự hoạt động được 2 tháng 3 và 4. Hàng loạt sàn giao dịch BĐS phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động hoặc giải thể.
Phần lớn DN không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động. Đáng chú ý, nhiều DN mất thanh khoản khi không bán được sản phẩm, doanh số bán hàng rơi thẳng đứng, không thể huy động được vốn như trước đây.
Việc thiếu dòng tiền do khó về tín dụng, khi lãi suất vay ngân hàng (NH) chưa giảm như kỳ vọng và DN vẫn phải trả lãi đều đặn hàng tháng. Có DN phải chạy đôn chạy đáo vay mượn, thậm chí vay nóng để trả lương, duy trì hoạt động tối thiểu để trả lãi NH, nhất là các khoản vay tín dụng đến hạn. Bởi nếu không trả được các khoản vay đáo hạn, NH sẽ tự động chuyển sang nợ xấu.
Điều này khiến DN lâm vào bế tắc vì không thể tiếp cận được các khoản vay mới. Kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản là rủi ro và nguy cơ lớn nhất của các DN BĐS phải đương đầu. Mặc dù DN vẫn còn tài sản nhưng do chưa bán được, dẫn đến thiếu dòng tiền và có thể bị “chết trên đống tài sản” của chính mình.
- Để chuẩn bị cho hoạt động sản xuất kinh doanh khi trở lại tình trạng bình thường mới, theo ông DN cần có sự chuẩn bị như thế nào?
- Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và chúng ta cũng đã xác định “sống chung với dịch”, tôi cho rằng DN BĐS cần có sự chuẩn bị, đầu tư về công nghệ nhằm phục vụ việc kinh doanh, xây dựng phù hợp với tình hình mới.
Thí dụ, việc mua bán BĐS phải ứng dụng công nghệ số để giao dịch, hạn chế tiếp xúc trực tiếp và bảo đảm thực hiện 5K. Hiện tỷ lệ nhà chung cư ngày càng nhiều nên cần tính đến việc phòng, chống dịch tại các dự án chung cư, nơi mật độ dân cư ở sát nhau rất cao.
Vì thế, chung cư xây dựng mới cần ứng dụng ngay các sáng kiến, trang thiết bị kỹ thuật mới để lâu dài ứng phó, thích ứng nếu dịch bệnh tái phát. Bên cạnh đó, cải tiến những thiết bị, kỹ thuật, hệ thống thông gió… tại các chung cư cũ.
Hiện nay các công trình xây dựng thực hiện giãn cách 3 tại chỗ sẽ không khả thi. Chỉ công trình nhà ở đơn lẻ có ít công nhân có thể áp dụng 3 tại chỗ được, các công trình hàng trăm công nhân trở lên khó áp dụng mô hình này.
Với công trình cây dựng có nhiều đội nhóm thi công nối tiếp nhau, nên cho phép những người lao động đã tiêm ngừa đủ 2 mũi và test Covid theo quy định được tham gia xây dựng. Tất nhiên trong quá trình tổ chức thi công nhà thầu phải đảm bảo quy định của công tác phòng chống dịch của cơ quan chức năng.
- Về lâu dài, theo ông DN cần gì để “mạnh khỏe” lâu dài sau dịch?
- Sau khi chúng ta kiểm soát được dịch và trở lại tình trạng “bình thường mới”, điều DN quan tâm nhất vẫn là vấn đề cải tiến thủ tục trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, kinh doanh BĐS.
Trước mắt, Hosea kiến nghị Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ DN BĐS vượt qua đại dịch. Trong đó, đề xuất cho các DN được giảm lãi vay, gia hạn thời gian trả nợ, khoanh nợ đáo hạn, không chuyển sang nợ xấu và tạo điều kiện cho DN được tiếp cận khoản vay tín dụng mới để thực hiện dự án.
Thứ nhất đề nghị NHNN và các NHTM xem xét hỗ trợ các DN, trong đó có DN BĐS, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà, như sau: Các NHTM xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay của các DN, trong đó có DN BĐS, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà; xem xét không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn.
Quan trọng hơn, đề nghị các NHTM xem xét, tạo điều kiện cho các DN, trong đó có DN BĐS được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án. DN “sống” được NH mới “sống khỏe” được.
Ngoài ra nhiều vấn đề vướng mắc về thủ tục đến nay vẫn chưa được tháo gỡ. Chúng tôi tiếp tục đề nghị có giải pháp xử lý ách tắc đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng lại không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại (NoTM).
Ách tắc này gây thiệt hại rất lớn cho DN BĐS, người tiêu dùng và cả Nhà nước.
Theo đó, đề nghị Bộ Xây dựng chủ động phối hợp với các Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường và Tài chính để thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, nhằm thực hiện dự án NoTM, để hướng dẫn UBND cấp tỉnh thống nhất thực hiện. Đề xuất quy trình đầu tư xây dựng gồm 4 bước.
Thứ nhất, lập thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2020 do Sở Kế hoạch - Đầu tư thực hiện. Chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền công nhận theo quy định Luật Xây dựng 2020.
Thứ hai, lập thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết hoặc bản vẽ tổng mặt bằng do Sở Xây dựng (Sở Quy hoạch - Kiến trúc), hoặc UBND cấp huyện thực hiện.
Thứ ba, lập thủ tục giao đất, cho thuê đất cho DN do Sở Tài nguyên - Môi trường thực hiện.
Thứ tư tiến hành song song các thủ tục như lập thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở (có dự án phải thẩm định thiết kế kỹ thuật triển khai sau thiết kế cơ sở), cấp giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng thực hiện.
Lập thủ tục xác định giá đất, thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất dự án do Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài chính, Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh thực hiện.
Sau khi có quyết định của UBND cấp tỉnh phê duyệt tiền sử dụng đất dự án và thông báo nộp tiền sử dụng đất của Cục Thuế, DN thực hiện theo quy định.
- Xin cám ơn ông.