Theo Horea, đến nay hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức, thậm chí có một số doanh nghiệp lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt, nguồn lực bị bào mòn, có nguy cơ bị phá sản, nếu không được Nhà nước hỗ trợ kịp thời thêm.
Do vậy, Horea đề nghị Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vượt qua cơn bão đại dịch Covid-19 lần này.
Cụ thể, cái khó đầu tiên là “ách tắc, vướng mắc” do một số quy định pháp luật bất cập và quy trình thủ tục hành chính chồng chéo đối với các dự án nhà ở thương mại. Các doanh nghiệp bất động sản kiến nghị Nhà nước tháo gỡ các “ách tắc, vướng mắc” về thể chế, pháp luật và kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh, từ đó doanh nghiệp và thị trường bất động sản từng bước phục hồi và phát triển trở lại sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, việc “thiếu dòng tiền” mới là cái khó trực tiếp lớn nhất và đáng quan ngại nhất. Vì tương tự như cơ thể bị “thiếu ô-xy”, việc “thiếu ô-xy dòng tiền” có thể làm doanh nghiệp bị “ngộp thở” ngay lập tức, do không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, không còn tiền để duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động, không còn tiền để “cầm cự” qua giai đoạn quá khó khăn này, do các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, phải dừng công trình xây dựng, thiếu sản phẩm trong lúc thị trường bị “đứng hình”, giao dịch bị sụt giảm mạnh, không bán được sản phẩm, doanh số bán hàng bị “rơi thẳng đứng”, không thể huy động được vốn như trước đây.
Horea cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng trên địa bàn được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, bao gồm cả doanh nghiệp bất động sản, hộ gia đình, cá nhân và được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến 30-6-2022.
Song song đó, hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi cho vay khoảng 2%/năm cho các khách hàng.