Nhiều DN cho rằng đã làm ăn chân chính thì ai cũng muốn có lời, nộp thuế đầy đủ. Sự suy giảm của các ngành nghề hiện nay là rõ ràng, muốn khai gian cũng không được, cho nên cơ quan quản lý cần có biện pháp triển khai nhanh gọn các chính sách hỗ trợ, đừng cứng nhắc về thủ tục hành chính.
Sở Du lịch TP.HCM cũng "ngóng" ngân hàng
Ngày 15-4, Sở Du lịch TP.HCM cho biết đến nay sở vẫn đang chờ phản hồi của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM về việc hỗ trợ DN trong ngành du lịch khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Từ tháng 3, Sở Du lịch TP đã tập hợp đầy đủ danh sách hơn 30 DN bị thiệt hại, có nguyện vọng vay vốn và gửi cho cơ quan này nhưng cho đến nay việc tiếp cận vốn vay vẫn khó khăn.
Sở Du lịch đề nghị các ngân hàng kéo dài thời gian ân hạn, giảm lãi suất ngân hàng cho DN du lịch nộp chậm nợ gốc trong khoảng từ 12-24 tháng và không rơi vào nhóm nợ xấu. Đồng thời hỗ trợ DN du lịch tiếp tục duy trì hoạt động và khôi phục kinh doanh sau dịch bằng hình thức cho vay lãi suất ưu đãi giảm từ 30% trở lên so với lãi suất cho vay theo quy định thông thường và được vay dựa trên ký quỹ.
"Các DN cho biết các ngân hàng thương mại nói họ cũng chưa nhận được văn bản hướng dẫn về hình thức cho vay, ngành/nghề được vay, lãi suất cho vay từ Ngân hàng Nhà nước VN!?" - đại diện Sở Du lịch TP cho biết.
Ông Dương Hồng Phúc - phó giám đốc Công ty Kim Travel - cho hay đến nay DN chưa hề tiếp cận được biện pháp hay gói hỗ trợ nào, cho dù DN đã kiệt sức. "Khi Chính phủ tung ra các gói hỗ trợ như gia hạn, miễn tiền nộp chậm thuế... chúng tôi cũng có thử nhưng rồi chẳng đâu đến đâu.
Với tình cảnh hiện nay, chẳng DN nào còn đủ sức lực, tâm trí để ngồi soạn hết các yêu cầu, các thủ tục rườm rà, sổ sách. Với các thủ tục yêu cầu gửi hồ sơ gia hạn nộp thuế tới cơ quan quản lý trực tiếp kèm văn bản, biên bản kiểm kê... thì DN đã phá sản trước khi được xác nhận hỗ trợ" - ông Phúc nói.
Ông Đặng Hồng Anh - chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN - nói cho đến nay các DN không thiếu những chương trình hỗ trợ hay gói "giải cứu" từ Chính phủ, thế nhưng vẫn đang có những "nút thắt" khiến cho việc triển khai bị gián đoạn. Theo ông Đặng Hồng Anh, trong bối cảnh hiện nay chỉ có giãn nợ, giảm lãi suất là thiết thực nhất. "Chúng ta đều hiểu ngân hàng cũng là DN, họ có cổ đông, cần lợi nhuận, cũng phải trả lương cho nhân viên.
Vì vậy, để gói hỗ trợ tài chính đến được DN, Ngân hàng Nhà nước cần có những công cụ hỗ trợ bằng biện pháp hành chính, như điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng thương mại cổ phần. Với các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm cổ phần chi phối, cần chấp nhận giảm tỉ lệ lợi nhuận trong năm 2020" - ông Hồng Anh đề xuất.
Theo ông Đặng Hồng Anh, cần tận dụng những đầu mối, tổ chức có sẵn như sở, cơ quan quản lý các ngành tiếp thu ý kiến của DN để phản ảnh những vướng mắc, khó khăn khi tiếp cận các gói hỗ trợ. Chẳng hạn, chúng ta có Ban cải cách hành chính của Chính phủ, có thể cân nhắc đưa vai trò của ban này thành kênh tiếp nhận các vướng mắc của DN với gói hỗ trợ. Ban này sẽ nhận phản ảnh từ các hiệp hội, cơ quan ban ngành, nơi đã tiếp thu ý kiến của các DN.
Ngay trong khu vực ASEAN, các nước cũng đã nhanh chóng lập một ban đại diện các nước phục vụ cho việc phòng chống dịch trong khu vực, giải quyết khẩn các vướng mắc giải cứu DN. "Tôi cho rằng đã hỗ trợ thì đừng sợ DN gian dối" - ông Hồng Anh nói.
Tập hợp khó khăn của DN để Chính phủ tháo gỡ
Ngày 15-4, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã làm việc với đại diện các hiệp hội DN, lãnh đạo các DN để chuẩn bị cho hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng với DN dự kiến được tổ chức cuối tháng 4.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết cuộc làm việc nhằm lắng nghe ý kiến của DN về những tồn tại, vướng mắc trong thực tế của các chính sách hỗ trợ đã được Chính phủ, các bộ ngành triển khai.